Vượt qua điểm nghẽn - mùa xuân xốc tới!
(CLO) Năm 2021 Tân Sửu đã ở lại phía sau, năm 2022 Nhâm Dần đã tới. Thời gian, không gian năm qua để lại những dấu ấn trong kinh tế - xã hội cùng đời sống xã hội đương đại niềm vui đan xen những trắc ẩn nao lòng nơi này nơi khác.
Nổi cộm hơn hết, ảnh hưởng, tác động nhiều mặt phải kể đến là bùng phát lần thứ 4 đại dịch COVID-19 - biến thể Delta.
Không phải ngẫu nhiên, đầu tháng 10/2021, Đảng ta nhóm họp Hội nghị Trung ương 4, tháo gỡ điểm nghẽn phòng, chống dịch, phát triển kinh tế - xã hội. Sau hơn 35 đổi mới, quốc gia khởi nghiệp với nhiều thành tựu đáng kể, đất nước nói chung, kinh tế - xã hội nói riêng chưa bao giờ khó khăn, nhiều hệ lụy như năm vừa rồi. Hậu quả nặng nề của đợt dịch thứ 4 dẫn đến tốc độ tăng trưởng GDP quý III ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Theo cách nhìn khác, tăng trưởng GDP cả năm 2021 ước đạt khoảng 3%, nghĩa là bằng một nửa của mức 6% do Quốc hội khóa XIII đặt ra.

Đại dịch COVID-19 kéo theo không ít khó khăn của đời sống an ninh xã hội. Hàng nghìn người cả người già, trẻ em từ TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khác tự phát di chuyển về quê trong lo âu nhiều mặt. Thương lắm trên xe đạp chồng đèo vợ cùng đứa con còn ít ngày tuổi trở về quê, trong khi không ít toan tính chưa thể định hình vì còn khó đồng tiền bát gạo. Thương lắm, TP. Hồ Chí Minh có trên 1.500 cháu rơi vào cảnh mồ côi ba, má hoặc cả hai. Chính quyền, các đoàn thể xã hội lập tức vào cuộc tính chuyện cưu mang không chỉ trước mắt mà cho cả lâu dài… Đó là bức tranh đời sống xã hội thời COVID đáng lo ngại.
Xa quê lâu ngày, nay trở về, tình làng nghĩa xóm chẳng hề vơi. Nhưng không phải lúc nào cũng trọn vẹn tất cả. Lá lành đùm lá rách. Lá rách ít đùm lá rách nhiều. Mỗi người, mỗi gia đình, mỗi xóm thôn, làng bản tính toán, hỗ trợ nhau một cách bài bản theo cách “cho cần câu hơn giúp con cá”, nhanh chóng ổn định cuộc sống, tính chuyện phát triển kinh tế lâu dài.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, dự báo trong năm 2022 tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến phức tạp, sẽ còn xuất hiện những biến thể mới. Kịch bản chống đại dịch hoặc sống chung với nó không chỉ có chính sách, biện pháp phù hợp mà cần có tư duy mới, nhất là kiểm soát dịch bệnh gắn với phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh… Điều quan trọng là cần nỗ lực để thích ứng an toàn, có giải pháp bảo vệ các doanh nghiệp, các tập đoàn, cảnh giác, đề phòng sự đổ vỡ, đứt gãy dẫn đến sự đổ vỡ dây chuyền trong nền kinh tế.
Tháo dỡ, vượt qua điểm nghẽn không thể một sáng một chiều. Trong đời sống đương đại nói chung, nền kinh tế nói riêng đan xen đại dịch COVID-19 không khác gì tháo gỡ điểm nghẽn trên một dòng suối, một dòng sông. Khi mở cửa xả nước, ắt kéo theo bùn rác và vô số vật cản khác để khơi thông dòng chảy. Nước sẽ sạch hơn. Mức độ ô nhiễm nước, môi trường sẽ giảm hoặc không còn, tạo tiền đề cho cuộc sống ổn định, phát triển.
Mùa Xuân 2022 - Nhâm Dần đã về. Đó là mùa Xuân thứ 46 sự nghiệp Đổi mới. Mùa Xuân bất tận. Mùa Xuân ấm no, hạnh phúc.
Nguyễn Xuân Lương