WHO cảnh báo biến thể Delta sẽ "bao phủ" các ca COVID-19 trên toàn cầu

Thứ sáu, 02/07/2021 07:26 AM - 0 Trả lời

(CLO) WHO cảnh báo, biến thể Delta, còn được gọi là "đột biến kép", có khả năng lây lan cao hơn 55% so với biến thể Alpha, sẽ nhanh chóng phổ biến và "bao phủ" các ca bệnh trên toàn cầu.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Moskva, Nga. Ảnh: AFP

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Moskva, Nga. Ảnh: AFP

Số liệu của trang worldometer.info cập nhật đến 6 giờ sáng ngày 2/7 (giờ Việt Nam) cho thấy, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 404.000 ca mắc COVID-19 và trên 7.500 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 183 triệu ca, trong đó trên 3,97 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Brazil với 63.140 ca, Ấn Độ 42.950 ca và Colombia 28.315 ca. Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Brazil 1.849 ca, Ấn Độ 790 ca và Nga 672 ca.

Ngày 1/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố bản cập nhật dịch bệnh hằng tuần, trong đó cho biết biến thể Delta đã xuất hiện ở 96 quốc gia, tăng thêm 11 quốc gia so với tuần trước đó.

Theo WHO, biến thể Delta, còn được gọi là "đột biến kép" vì nó mang hai đột biến, có khả năng lây lan cao hơn 55% so với biến thể Alpha, sẽ nhanh chóng phổ biến và "bao phủ" các ca bệnh trên toàn cầu.

Lần đầu tiên được phát hiện vào tháng 10/2020, biến thể Delta hiện là mối đe dọa mới nhất đối với nỗ lực dập dịch COVID-19 của thế giới. WHO đã liệt biến chủng Delta vào nhóm gây quan ngại, cùng với các biến thể Alpha (Anh), Beta (Nam Phi) và Gamma (Brazil).

Giám đốc WHO tại châu Âu, ông Hans Kluge ngày 1/7 cảnh báo giai đoạn 10 tuần số ca nhiễm mới COVID-19 giảm trên toàn châu Âu đã kết thúc và một làn sóng lây nhiễm mới là không thể tránh khỏi nếu người dân không tuân thủ các biện pháp phòng dịch.

Tuần trước, số ca nhiễm mới ở châu Âu đã tăng 10%, do sự gia tăng các hoạt động đi lại, tụ tập, gặp gỡ và hàng loạt biện pháp hạn chế xã hội đã được nới lỏng. Ông Kluge nhấn mạnh rằng, nguy cơ biến thể Delta sẽ gây ra làn sóng dịch bệnh mới khi hàng triệu người vẫn chưa được tiêm phòng dù các nước châu Âu đã nỗ lực rất nhiều.

Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh chứng chỉ COVID-19, còn gọi là "hộ chiếu vaccine", bắt đầu được áp dụng từ ngày 1/7 trên toàn Liên minh châu Âu (EU) nhằm tạo điều kiện cho việc đi lại thuận lợi hơn trong kỳ nghỉ Hè sau hơn một năm chống chọi với đại dịch.

Theo luật của EU, người có chứng chỉ trên không cần thực hiện cách ly hoặc xét nghiệm thêm khi đi du lịch trong 27 nước thành viên của EU và 4 quốc gia liên kết, gồm Iceland, Na Uy, Thụy Sĩ và Liechtenstein. Tuy nhiên, giới chức y tế cảnh báo biến thể Delta đang lây nhiễm tràn lan tại Anh có thể kích hoạt điều khoản "ngừng khẩn cấp" việc sử dụng chứng chỉ COVID-19 này.

Tại Nga, ngày 1/7 nước này ghi nhận thêm 672 ca tử vong do COVID-19, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số người thiệt mạng do COVID-19 ở Nga ở mức cao kỷ lục.

Lực lượng đặc nhiệm chống dịch COVID-19 của Chính phủ Nga cũng xác nhận 23.543 ca mắc mới trong 24 giờ qua, mức cao nhất kể từ ngày 17/1, đưa tổng số ca mắc ở nước này lên  5.538.142 ca, trong đó 135.886 ca tử vong. Giới chức y tế Nga cho rằng số ca mắc mới COVID-19 tăng vọt trong vài ngày qua là do biến thể Delta.

Trong khi đó, theo số liệu riêng của Cơ quan Thống kê liên bang Nga, trong giai đoạn từ tháng 4/2020-4/2021, nước này có khoảng 270.000 ca tử vong liên quan đến COVID-19.

Tại Mexico, Bộ Y tế nước này công bố số liệu cập nhật cho thấy số ca tử vong do COVID-19 thực tế tại nước này có thể cao hơn 60% thống kê trước đó.

Theo thống kê mới nhất, trong giai đoạn kể từ khi đại dịch bùng phát cho tới ngày 23/5, Mexico ghi nhận 351.376 ca tử vong vì COVID-19, tăng 58,5% so với con số đã được công bố trước đó cho cùng giai đoạn là 221.647 ca. Số liệu này được cập nhật sau khi Bộ Y tế bổ sung thông tin về giấy xác nhận chứng tử có liên quan đến COVID-19.

Tại Hàn Quốc, bắt đầu từ ngày 1/7, bất kỳ người nào đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 từ 2 tuần trở lên đều không phải đeo khẩu trang khi ra ngoài.

Quyết định này được đưa ra gần 1 năm sau khi đeo khẩu trang trở thành việc bắt buộc ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, quy định mới về đeo khẩu trang sẽ không áp dụng cho các cuộc tụ tập ngoài trời, phòng hòa nhạc, sân vận động thể thao, công viên giải trí và các cơ sở ngoài trời khác, nơi có nhiều người tụ tập.

Hiện có một số người được tiêm vaccine không đeo khẩu trang trong các công viên và những nơi vắng vẻ ở Seoul và các thành phố lớn khác. Song phần lớn trong số họ vẫn tỏ ra e ngại khi không đeo khẩu trang trong các không gian công cộng ngoài trời, đặc biệt trước sự gia tăng đột biến các ca mắc mới COVID-19 gần đây. Nhiều người dân Hàn Quốc cho biết đã quen với việc đeo khẩu trang trong hơn 1 năm qua. Việc đeo khẩu trang nơi công cộng, đặc biệt trong bối cảnh các biến thể của virus SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh chóng, cũng giúp người dân cảm thấy an toàn hơn.

Ngày hôm qua, chính quyền bang New South Wales (NSW) của Australia thông báo mở rộng các cơ sở tiêm vaccine trong bối cảnh bang này vẫn ghi nhận các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Theo đó, chính quyền bang NSW sẽ xây dựng 2 trung tâm tiêm chủng mới và 1 phòng khám.

Động thái này được đưa ra nhằm tạo điều kiện cho chính phủ liên bang đẩy mạnh việc triển khai tiêm vaccine trước việc gia tăng nguồn cung vaccine Pfizer dự kiến vào cuối năm nay.

Để tiêm vaccine cho người dân ở khu vực NSW, nhà chức trách bang cho biết 22 hiệu thuốc trên khắp các vùng nông thôn của bang sẽ bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca cho người Australia trên 60 tuổi từ giữa tháng 7 tới.

T.Toàn

Bình Luận

Tin khác

Nâng cao hơn chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của Hưng Yên

Nâng cao hơn chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của Hưng Yên

(CLO) Ngày 25/4, Đoàn công tác của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương do Phó Trưởng ban Thường trực điều hành Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương Trần Huy Dụng làm trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh Hưng Yên về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của tỉnh.

Sức khỏe
Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, bé 3 tuổi nhập viện

Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, bé 3 tuổi nhập viện

(CLO) Trẻ nhập viện Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng co giật, nôn nhiều, rối loạn ý thức, da xanh tái.

Sức khỏe
Bộ Y tế thông tin về mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế với người thuộc diện được hỗ trợ

Bộ Y tế thông tin về mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế với người thuộc diện được hỗ trợ

(CLO) Mới đây, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; BHXH Việt Nam về vướng mắc trong triển khai thi hành Nghị định 75/2023/NĐ-CP.

Sức khỏe
Cắt môi trái tim, cô gái 25 tuổi nhiễm trùng nặng, biến dạng môi

Cắt môi trái tim, cô gái 25 tuổi nhiễm trùng nặng, biến dạng môi

(CLO) Cắt môi trái tim tại một cơ sở thẩm mỹ tư nhân kém chất lượng, cô gái 25 tuổi ở Hà Nội bị nhiễm trùng nghiêm trọng gây biến dạng môi.

Sức khỏe
TP HCM: Xử nghiêm hộ kinh doanh tắm hơi nhưng tiếp nhận bệnh nhân điều trị suy giãn tĩnh mạch

TP HCM: Xử nghiêm hộ kinh doanh tắm hơi nhưng tiếp nhận bệnh nhân điều trị suy giãn tĩnh mạch

(CLO) Sở Y tế TP HCM đã phát hiện và xử lý nghiêm hộ kinh doanh chuyên tắm hơi, massage… ngang nhiên quảng cáo là phòng khám thuộc hệ thống thẩm mỹ viện Hàn Quốc chuyên điều trị giãn tĩnh mạch bằng công nghệ cao độc quyền.

Sức khỏe