WHO cảnh báo nóng về đại dịch COVID-19, kêu gọi chia sẻ vắc xin

25/10/2021 08:52

(CLO) Tiến sĩ Soumya Swaminathan, một nhà khoa học chính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hôm Chủ nhật (24/10) cảnh báo rằng tiêm chủng là không đủ để chấm dứt đại dịch, kêu gọi chia sẻ các nguồn lực để đối phó với COVID-19 và đại dịch tiếp theo.

Các quốc gia giàu có phải ngừng tham lam với vắc xin nếu họ muốn đại dịch chấm dứt, nhà khoa học trưởng của WHO, Tiến sĩ Soumya Swaminathan bình luận và cho rằng chia sẻ vắc xin, dụng cụ và phương pháp điều trị là cách duy nhất để ngăn chặn các biến thể mới.

who canh bao nong ve dai dich covid 19 keu goi chia se vac xin hinh 1

Tiến sĩ Soumya Swaminathan kêu gọi các nước chia sẻ vắc xin, dụng cụ và phương pháp điều trị để ngăn chặn đại dịch - Ảnh: Reuters

Bà kêu gọi mở rộng công bằng vắc xin và chia sẻ các công cụ ở các nước nghèo hơn để ngăn chặn sự lây lan của virus Corona gây ra COVID-19 và sự đột biến tiếp theo của nó.

Vắc xin có hiệu quả, nhưng 'không phải 100%'

"Tiêm phòng chỉ là một công cụ. Nó không phải là một viên đạn bạc", bà Swaminathan nói. "Vắc xin rất hiệu quả để bảo vệ chống lại bệnh nặng ... Nhưng vắc xin không có hiệu quả 100% chống lại nhiễm trùng".

Mặc dù các trường hợp nhiễm trùng đột phá vẫn hiếm, nhưng việc được tiêm phòng không có nghĩa là một người không thể truyền virus cho người khác có nguy cơ cao hơn.

Swaminathan giải thích: “Bạn vẫn thấy các quốc gia ngày nay có tỷ lệ tiêm chủng cao và vẫn có tỷ lệ nhiễm trùng ngày càng tăng”.

"Và tỷ lệ lây truyền càng cao, điều nguy hiểm là bạn đang tạo ra các biến thể mới, sau đó sẽ quay trở lại và lây nhiễm cho những người đó, ngay cả khi bạn đã được tiêm phòng. Thực sự có một lập luận khoa học mạnh mẽ để tiếp tục sử dụng các biện pháp khác cho đến khi mọi người trên toàn thế giới được bảo vệ", Swaminathan nhấn mạnh.

Không có đại dịch nào chấm dứt nếu không có sự bình đẳng về vắc xin

Swaminathan, cũng là một chuyên gia về HIV và bệnh lao, cho biết virus Corona đã khiến sự bất bình đẳng trên toàn cầu giảm mạnh và dẫn đến cái mà bà gọi là "đại dịch song song".

Bà nói: “Có một phần của thế giới, nơi mà phần lớn người dân hiện nay đã được tiêm chủng. Cuộc sống có vẻ như đang trở lại bình thường".

"Thật không may, một nửa thế giới vẫn chưa được tiếp cận với vắc xin. Ít hơn 2% người dân trên lục địa châu Phi đã được tiêm chủng đầy đủ và cuộc sống của họ còn lâu mới trở lại bình thường", bà lo lắng.

Swaminathan lập luận rằng cách duy nhất để chấm dứt đại dịch là để các quốc gia giàu có thể hiện sự đoàn kết hơn: "Sẽ mất nhiều thời gian hơn trừ khi thế giới quyết định đoàn kết lại với nhau và chia sẻ các công cụ, vắc xin, chẩn đoán, những phương pháp điều trị mà chúng ta có ngày nay, để chúng ta có thể ngăn chặn tử vong. Vẫn có hơn 40.000-45.000 người chết mỗi tuần trên khắp thế giới do COVID-19 và điều đó cần phải dừng lại".

who canh bao nong ve dai dich covid 19 keu goi chia se vac xin hinh 2

Bà Swaminathan cho rằng tiêm vắc xin là không đủ để ngăn chặn đại dịch - Ảnh: Getty

Chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo

Bà kêu gọi cộng đồng quốc tế đầu tư vào các hoạt động chuẩn bị cho đại dịch trong tương lai để tránh những hậu quả tàn khốc mà thế giới phải chứng kiến ​​trong 20 tháng qua.

Swaminathan nói: “Thế giới cần phải suy nghĩ về việc chuẩn bị cho đại dịch một lần nữa, và nói thêm rằng có một số câu hỏi mà cộng đồng quốc tế cần giải quyết”.

"Làm thế nào để chúng ta thực sự chuẩn bị cho mình để ngăn chặn đại dịch tiếp theo? Và nếu điều đó không hoàn toàn có thể xảy ra, thì làm thế nào để chúng ta phát hiện sớm? Làm thế nào để chúng ta ứng phó với nó?", nhà khoa nêu vấn đề.

Bà cũng chỉ ra rằng các kế hoạch ngăn chặn sẽ yêu cầu tài trợ và được thiết lập trên toàn cầu theo cách cho phép chia sẻ dữ liệu trên toàn thế giới.

Tình trạng hiện tại của đại dịch trên toàn cầu là gì?

Như Swaminathan nói, hiện một số quốc gia, chẳng hạn như Canada, Trung Quốc, Đan Mạch và Bồ Đào Nha, đã có 75% dân số hoặc cao hơn được tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, các quốc gia khác như Nigeria, Ethiopia, Syria và Afghanistan chỉ có dưới 5%.

Theo một chương trình giám sát của tờ New York Times, khoảng 49,7% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin.

WHO đã không chỉ định một biến thể mới là một trong những "mối quan tâm đặc biệt" kể từ khi biến thể Delta rất dễ lây lan xuất hiện vào mùa xuân năm ngoái. Tuy nhiên, cái gọi là biến thể Delta plus đang khiến các bác sĩ ở Israel và Nhật Bản lo lắng.

Trong khi đại dịch có dấu hiệu giảm xuống ở một số nơi, châu Âu lại có xu hướng bùng phát trở lại với hàng loạt quốc gia báo cáo số ca nhiễm gia tăng. Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ việc nhiều quốc gia đã gỡ bỏ hầu hết hạn chế và các quy tắc phòng dịch cũng không được tuân thủ. Ngoài ra, việc tiêm chủng chậm chạp cũng khiến số ca nhiễm gia tăng. 

Hiện tại nhiều quốc gia ở châu Âu bắt đầu tái áp đặt phong tỏa hoặc các quy định về đại dịch để ngăn chặn sự bùng phát của virus Corona, chẳng hạn như Lativa hay Nga.

Đan Mạch, nơi 76% dân số được tiêm chủng đầy đủ, cũng đã áp dụng gần như tất cả các biện pháp phổ biến để hạn chế COVID-19. Trong khi đó, các nhà khoa học Anh kêu gọi chính phủ có "kế hoạch B", tái áp đặt các biện pháp hạn chế để tránh cho một đợt lây nhiễm mới vào mùa đông.

Phan Nguyên (Theo DW)

    Nổi bật
        Mới nhất
        WHO cảnh báo nóng về đại dịch COVID-19, kêu gọi chia sẻ vắc xin
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO