WHO: Chất thải bệnh viện do Covid đe dọa đến sức khỏe và môi trường

02/02/2022 18:19

(CLO) Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa đưa ra cảnh báo rằng các ống tiêm bị vứt bỏ, bộ xét nghiệm đã qua sử dụng và các lọ vắc xin cũ từ đại dịch Covid-19 đã tạo ra hàng chục nghìn tấn chất thải y tế đe dọa đến sức khỏe con người và môi trường.

Lạm dụng đồ bảo hộ

Báo cáo cho biết thêm, những vật liệu này có khả năng khiến nhân viên y tế bị bỏng, chấn thương do kim tiêm và vi trùng gây bệnh. Maggie Montgomery, một quan chức kỹ thuật của WHO, nói với các nhà báo có trụ sở tại Geneva: “Chúng tôi nhận thấy rằng Covid-19 đã làm tăng lượng chất thải y tế trong các cơ sở lên tới 10 lần”.

who chat thai benh vien do covid de doa den suc khoe va moi truong hinh 1

Chất thải y tế từ đại dịch Covid-19 đang chất đống ở nhiều nơi trên thế giới. Ảnh: RT

Bà cho biết rủi ro lớn nhất đối với các cộng đồng bị ảnh hưởng là ô nhiễm không khí do đốt chất thải dẫn đến giải phóng các chất gây ung thư. Báo cáo kêu gọi cải cách và đầu tư, bao gồm thông qua việc giảm sử dụng bao bì và sử dụng đồ bảo hộ làm từ vật liệu có thể tái chế.

Báo cáo của WHO ước tính rằng khoảng 87.000 tấn thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) đã được đặt hàng qua cổng của Liên Hợp Quốc cho đến tháng 11 năm 2021 - hầu hết trong số đó được cho là lãng phí.

Báo cáo cũng đề cập đến khoảng 140 triệu bộ dụng cụ xét nghiệm có khả năng tạo ra 2600 tấn rác chủ yếu là nhựa. Ngoài ra, họ ước tính rằng khoảng 8 tỷ liều vắc xin được sử dụng trên toàn cầu đã tạo ra thêm 144.000 tấn chất thải dưới dạng lọ thủy tinh, ống tiêm, kim tiêm và hộp an toàn.

Montgomery cho biết nhận thức sai lầm về tỷ lệ nhiễm Covid-19 từ các bề mặt là nguyên nhân cho điều mà bà gọi là "lạm dụng quá mức" đồ bảo hộ, đặc biệt là găng tay.

Bà nói thêm: “Tất cả chúng ta đều đã xem ảnh chụp mặt trăng, chúng ta đều đã thấy ảnh những người tiêm phòng bằng găng tay. Chắc chắn là ... mọi người đang đeo PPE quá mức”.

Báo cáo của WHO không nêu các ví dụ cụ thể về nơi xảy ra tình trạng tích tụ nghiêm trọng nhất, nhưng đề cập đến những thách thức như việc xử lý và tiêu hủy chất thải hạn chế ở các nước đang phát triển.

WHO cho biết, ngay cả trước đại dịch, khoảng 1/3 cơ sở y tế trên thế giới không được trang bị để xử lý lượng chất thải, con số này cao hơn tới 60% ở các nước nghèo.

Omicron BA.2 không nghiêm trọng hơn

Cũng liên quan đến các thông tin hướng dẫn từ WHO, một quan chức của tổ chức này cho biết hôm thứ Ba rằng chủng BA.2 mới nổi của biến thể Omicron dường như không nghiêm trọng hơn dạng BA.1 ban đầu.

Tiến sĩ Boris Pavlin thuộc Nhóm ứng phó Covid-19 của WHO cho biết trong một cuộc họp trực tuyến, vắc xin vẫn tiếp tục cung cấp sự bảo vệ tương tự chống lại các dạng khác nhau của Omicron.

Theo chuyên gia Pavlin, dựa trên dữ liệu từ Đan Mạch, quốc gia đầu tiên mà BA.2 đã vượt qua BA.1, dường như không có sự khác biệt về mức độ nghiêm trọng của bệnh, mặc dù BA.2 có tiềm năng thay thế BA.1 trên toàn cầu.

Ông nói: “Nhìn vào các quốc gia khác nơi BA.2 đang lấn át, chúng tôi không thấy bất kỳ tỷ lệ nhập viện nào cao hơn bình thường”. Tuy nhiên, theo nghiên cứu từ Đan Mạch, BA.2 dễ lây truyền hơn BA.1.

Pavlin cho biết thêm, chủng phụ này đang thống trị ở Philippines, Nepal, Qatar, Ấn Độ và Đan Mạch.

Hoàng Huy (theo RT)

    Nổi bật
        Mới nhất
        WHO: Chất thải bệnh viện do Covid đe dọa đến sức khỏe và môi trường
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO