WHO khuyến nghị tiêm thuốc phòng chống HIV mới được phê duyệt của Mỹ
(CLO) Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị các quốc gia đưa thuốc lenacapavir mới được phê duyệt của Mỹ vào chiến lược phòng chống HIV, trong bối cảnh nguồn tài trợ chống căn bệnh này đang sụt giảm.
Khuyến nghị toàn cầu được công bố tại Hội nghị Quốc tế về AIDS tổ chức tại Rwanda, sau khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt tiêm lenacapavir 2 lần mỗi năm để phòng ngừa HIV.
Bà Meg Doherty, Giám đốc Chương trình HIV khuyến nghị nên tích hợp lenacapavir vào chiến lược phòng ngừa kết hợp và sử dụng các xét nghiệm chẩn đoán nhanh, bao gồm xét nghiệm tại nhà, để sàng lọc HIV khi người bệnh bắt đầu, tiếp tục hoặc ngừng sử dụng các loại thuốc dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP).
Mức giá đắt đỏ của thuốc chống HIV
Gilead Sciences, hãng sản xuất lenacapavir, thông báo sẽ cung cấp thuốc cho Quỹ Toàn cầu với giá không lợi nhuận, đủ cho 2 triệu người tại các nước thu nhập thấp và trung bình. Dù giá không lợi nhuận chưa được tiết lộ cụ thể, song tại Mỹ, lenacapavir có giá niêm yết hằng năm hơn 28.000 USD.
.png)
HIV lây lan chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn hoặc dùng chung kim tiêm. Virus này tấn công hệ miễn dịch, và nếu không được điều trị, có thể dẫn đến hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS). WHO ước tính đến cuối năm 2023, toàn cầu có khoảng 40 triệu người đang sống chung với HIV.
Lenacapavir, thuốc tiêm phòng HIV mỗi 6 tháng, đang trở thành lựa chọn mới trên toàn cầu, đặc biệt phù hợp với người khó duy trì thuốc uống hàng ngày, kể cả phụ nữ mang thai và cho con bú.
Tài trợ toàn cầu cho HIV đang bị đe dọa
WHO đang hỗ trợ kỹ thuật để các quốc gia triển khai lenacapavir, kêu gọi các quốc gia và nhà tài trợ tích hợp thuốc này vào chương trình phòng chống HIV quốc gia trong bối cảnh nguồn tài trợ toàn cầu đang sụt giảm.
Tài trợ quốc tế chiếm tới 80% ngân sách phòng ngừa ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Trong 6 tháng qua, Mỹ đã cắt giảm mạnh viện trợ, bao gồm giải thể USAID và giảm ngân sách của Kế hoạch Cứu trợ Khẩn cấp về AIDS (PEPFAR), nguồn tài trợ lớn nhất thế giới chống AIDS.
Liên hợp quốc cảnh báo nếu nguồn tài trợ cho các chương trình HIV bị cắt vĩnh viễn, từ nay đến năm 2029 có thể có thêm 4 triệu ca tử vong và 6 triệu ca nhiễm mới. Dù 25 trong số 60 quốc gia thu nhập thấp và trung bình dự kiến tăng ngân sách nội địa nhưng mức tăng này khó bù đắp phần viện trợ quốc tế bị cắt giảm, đặc biệt khi Mỹ đột ngột chấm dứt khoản cam kết 4,3 tỷ USD của PEPFAR từ tháng 1/2025.