Workshop nghệ thuật bên bờ biển

Thứ năm, 27/02/2020 09:57 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Nhắc tới Ninh Bình nói chung, người ta thường nhớ tới các khu du lịch Bái Đính, Tràng An, tới Kim Sơn có nhà thờ đá và nghề nấu rượu, nghề dệt cói... Giờ đây, công chúng còn biết tới Ninh Bình nhờ nhiều hoạt động nghệ thuật đa sắc thái, “Gặp gỡ tháng 2” vừa diễn ra là một hoạt động như vậy.

Biển và tái sinh từ sinh

Cồn Thoi là một vùng quai đê lấn biển ở phía nam huyện Kim Sơn, Ninh Bình. Đây là một vùng đất tương đối trẻ, lịch sử vùng đất này mới chỉ khoảng 200 năm, nhưng nó đã trở thành một vùng quê thuần nông, phong cảnh hữu tình, người dân sống quần tụ, hồn hậu, chất phác.

Một số tác phẩm đã hoàn thiện của trại sáng tác Cồn Thoi.

Một số tác phẩm đã hoàn thiện của trại sáng tác Cồn Thoi.

Đầu xuân này, Cồn Thoi là nơi diễn ra trại sáng tác “Gặp gỡ tháng 2” – cuộc gặp gỡ của những nghệ sĩ trẻ quê hương Ninh Bình. Họa sĩ Kù Kao Khải - người chủ trì tổ chức, chia sẻ: “Cũng không phải tự nhiên tôi nghĩ ra việc này. Trong quá trình làm việc, tôi và một số anh em đồng nghiệp Lương Trịnh, Phan Nguyễn... trò chuyện thì nảy ra suy nghĩ tập hợp anh em để cùng vẽ. Ý tưởng ban đầu là mời anh em đi vẽ ngoài trời. Anh em gặp gỡ và ca ngợi vẻ đẹp Cồn Nổi.  Chúng tôi ca ngợi vẻ đẹp tự nhiên, ca ngợi vẻ đẹp lao động của những người nông dân yêu biển, hai sương một nắng sống ở đây”.

Điều thú vị của “Gặp gỡ tháng 2” là không đặt nặng câu chuyện tiêu chí nghệ thuật gì cao siêu bởi mọi người đến đây có công việc khá đa dạng và ở nhiều nơi khác nhau, người ở Ninh Bình, người ở Hà Nội, và nhiều nơi khác. Có lẽ, điểm chung duy nhất là tất cả mọi người đều trải qua đào tạo bài bản và cùng hoạt động nghệ thuật, đồng thời đều là người Ninh Bình.

Không gian của trại sáng tác cũng mộc mạc, đơn giản. Mọi người đến với nhau cũng không cần cầu kỳ. Chúng tôi hẹn gặp nhau ở đây để hiểu nhau hơn về đời sống riêng tư ngoài không gian nghệ thuật và nhiều bộ môn khác như nhiếp ảnh, âm nhạc...”, họa sĩ Kù Kao Khải nói.

Cồn Thoi cách Hà Nội khoảng 120km. Đây thực sự không phải là một nơi diễn ra nhiều hoạt động văn học nghệ thuật đình đám. Nhưng đấy không phải là điều ngăn trở những nghệ sĩ tìm được nhau qua đam mê nghệ thuật.

Lần đầu tiên tham dự trại sáng tác tại Cồn Thoi, họa sĩ trẻ Đỗ Việt Thành (Trung Sơn, Tam Điệp, Ninh Bình) nói: “Thường thường tôi lấy tư liệu bằng máy ảnh. Tôi cũng có một số liên hệ với anh em đồng nghiệp qua Hội Văn học nghệ thuật tỉnh nhưng đây là lần đầu tiên tôi gặp gỡ mọi người ở đây và cùng đi vẽ trực họa. Ở đây mỗi người có một cái đặc sắc riêng, riêng tôi rất vui và thấy học hỏi được anh em nhiều về phong cách, cách thể hiện. Tôi ở Ninh Bình nhưng đúng là lần đầu tiên xuống Cồn Thoi. Đi được như thế này là một trải nghiệm rất thú vị và vẽ tại chỗ khác hẳn việc vẽ tại nhà, làm mình thấy hưng phấn hơn, cho mình nhiều cảm xúc hơn”.

Sáng tác ở Cồn Thoi.

Sáng tác ở Cồn Thoi.

Quy tụ và chia sẻ

Các nghệ sĩ nói chung thường có thói quen đi điền dã để thu thập tư liệu, người ở Hòa Bình thì tìm về Hải Phòng, người ở Thanh Hóa thì đi ra Ninh Bình, người ở nơi này luôn đi tìm đến những vùng đất văn hóa khác để thu thập tư liệu, sáng tác... Trại sáng tác Cồn Thoi của họa sĩ Kù Kao Khải lần này có điều thú vị là mặc dù khá “tự phát” nhưng đã thu hút được các anh em ở nhiều tỉnh thành về với nhau.

Anh Khải nói: “Hay nhất là tất cả chúng tôi đều là người Ninh Bình. Tôi đặt tên cho sự hội tụ này là “Gặp gỡ tháng 2”, là gặp gỡ của các nghệ sĩ nói chung và mỹ thuật nói riêng. Trong cái giai đoạn này ai cũng muốn vẽ, muốn sáng tác gì đó để cho có khí thế cho vui, để chào đón năm mới và chia sẻ được nhiều. Sự hội tụ, chia sẻ của chúng tôi với nhau mà tôi thấy hay nhất là chia sẻ với nhau về chất liệu sáng tác. Ở “Gặp gỡ tháng 2” có hai bạn là Trần Thế Anh và Văn Tịch là hai người chuyên về sơn mài. Ở Ninh Bình hiện nay đang tương đối ít người sáng tác trên chất liệu sơn mài. Gặp gỡ thế này các anh em sẽ hiểu hơn các tiêu chí hiện nay về sơn mài, thế nào là sơn mài chính thống của Việt Nam. Thứ hai là điêu khắc, lần này có hai nhà điêu khắc là Thanh Túc, Lương Trịnh. Sự gặp gỡ trực tiếp thì sẽ hoàn toàn khác việc giao tiếp với nghệ sĩ qua việc chia sẻ tác phẩm lên trang cá nhân facebook”.

Họa sĩ Phan Nguyễn bên tác phẩm sắp đặt “Tái sinh” của hai nhà điêu khắc Lương Trịnh, Văn Tịch.

Họa sĩ Phan Nguyễn bên tác phẩm sắp đặt “Tái sinh” của hai nhà điêu khắc Lương Trịnh, Văn Tịch.

Các họa sĩ cùng nhau đi sinh hoạt, cùng nhau đi vẽ. Trực họa không phải là một cách thức mới trong mỹ thuật. Trực họa cũng không đòi hỏi thể hiện kỹ thuật cao mà mục tiêu là giữ lại những khoảnh khắc và cảm xúc vào đúng giây phút sáng tạo. Vẽ trực họa là vẽ cảnh thật, bằng cảm xúc thật vào đúng thời điểm khi nghệ sĩ sáng tác trước đời sống (thay vì ký họa hay dùng máy chụp lại rồi về sáng tác tại xưởng). Họa sĩ có thể hoàn thiện tác phẩm tại chỗ, hoặc trên cơ sở đấy sẽ về hoàn thiện ở một mức cao hơn nữa về kỹ thuật hay chất liệu, trở thành một tác phẩm tốt. Cùng một bãi biển, cùng một khung hình, cùng một thời gian nhưng mỗi khoảnh khắc lưu lại trên tác phẩm của mỗi nghệ sĩ lại cho thấy nhiều màu sắc, ánh sáng khác nhau.

Những trại sáng tác như thế này rất cần thiết bởi lẽ các nghệ sĩ trẻ thường có nhiều công việc khác nhau. Quá trình thai nghén sáng tạo tác phẩm cần nhiều thời gian – thứ mà những nghệ sĩ hay bị thiếu. “Gặp gỡ tháng 2” được triển khai trong ba ngày cuối tuần, là quãng thời gian hợp lý với rất nhiều người. Mặc dù dự định diễn ra trong ba ngày nhưng chỉ sau hai ngày đã có khoảng 20 tác phẩm có chất lượng tốt. Nhiều họa sĩ còn sử dụng chất liệu tự nhiên có sẵn tại biển Cồn Thoi để tái sinh thành một tác phẩm khác với một đời sống khác như tác phẩm “Chân dung” (đá, Kù Kao Khải) hay tác phẩm sắp đặt Tái sinh (sắp đặt của nhà điêu khắc Lương Trịnh và Văn Tịch)...

Sáng tác ở Cồn Thoi.

Sáng tác ở Cồn Thoi.

Nói về cái được của trại sáng tác lần này, họa sĩ Kù Kao Khải cho biết: “Anh em chúng tôi lần này ở trong một tình huống chuẩn bị khá nhanh. Về chất liệu chưa thật phong phú, khá đơn giản. Anh em mang đến cái gì thì vẽ cái đó. Đề tài xuyên suốt “Gặp gỡ tháng 2” là ca ngợi vẻ đẹp của Cồn Nổi. Mọi người thường nhớ về Ninh Bình như một vùng đất không có biển nhưng thật ra biển Ninh Bình quá đẹp. Các họa sĩ tập trung hướng về câu chuyện biển. Sau đây, có thể chúng tôi sẽ tập trung vào các câu chuyện khác như chuyện gốm ở Gia Thủy (làng nghề gốm Gia Thủy, Nho Quan, Ninh Bình - NV), hay là chuyện đá và còn nhiều câu chuyện khác”.

Tử Hưng

Tin khác

Chuyện người cán bộ công an nặng lòng với kỷ vật chiến tranh

Chuyện người cán bộ công an nặng lòng với kỷ vật chiến tranh

(NB&CL) Hàng ngàn hiện vật quý giá về một thời “mưa bom bão đạn” đã được Thượng tá công an Đào Hà dày công sưu tầm, lưu giữ. Nhưng Đào Hà không dành bộ sưu tập đó cho riêng mình, ông mong muốn chúng mang đến những giá trị văn hóa, lịch sử cho cộng đồng.

Đời sống văn hóa
Trải nghiệm chợ phiên vùng cao giữa Thủ đô dịp nghỉ lễ

Trải nghiệm chợ phiên vùng cao giữa Thủ đô dịp nghỉ lễ

(CLO) Du khách có cơ hội được trải nghiệm những nét văn hóa đặc trưng của một chợ phiên vùng cao ngay tại thủ đô Hà Nội trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay.

Đời sống văn hóa
Khánh thành nhà hát tỉnh Ninh Bình với tổng mức đầu tư 245 tỷ đồng

Khánh thành nhà hát tỉnh Ninh Bình với tổng mức đầu tư 245 tỷ đồng

(CLO) Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới (2014-2024), UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức lễ khánh thành Nhà hát tỉnh Ninh Bình.

Đời sống văn hóa
Việt Nam - Những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử thế giới

Việt Nam - Những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử thế giới

(CLO) Triển lãm ảnh “Việt Nam - Những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử thế giới” trưng bày 70 hình ảnh, tư liệu quý hiếm về 2 sự kiện lịch sử nổi bật của dân tộc ta trong thế kỷ XX.

Đời sống văn hóa
Hơn 300 hiện vật về Chiến thắng Điện Biên Phủ trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh

Hơn 300 hiện vật về Chiến thắng Điện Biên Phủ trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh

(CLO) Chiều 26/4, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội đã diễn ra triển lãm "Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản hùng ca bất diệt", với hơn 300 ảnh, tài liệu, hiện vật được trưng bày giúp công chúng hiểu rõ hơn về ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của của cuộc chiến 56 ngày đêm của ông cha ta.

Đời sống văn hóa