WTO bất lực trước làn sóng bảo hộ
(CLO) Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) – nơi được ví như "cảnh sát thương mại toàn cầu" – đang ngày càng trở nên bất lực trước làn sóng bảo hộ lan rộng khắp thế giới. Nguyên nhân chính là do Mỹ, đặc biệt là các động thái dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Nhiều quốc gia đã nộp đơn khiếu nại lên WTO, cáo buộc Mỹ vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế với mức thuế quan cao mà ông Trump áp đặt gần đây. Nhưng WTO không thể làm gì nhiều vì Washington đã khiến hệ thống giải quyết tranh chấp của tổ chức gần như tê liệt.

Từ năm 2019, Mỹ đã chặn việc bổ nhiệm thẩm phán mới vào Cơ quan Phúc thẩm – cấp cao nhất trong hệ thống xử lý tranh chấp của WTO. Hành động này vốn bắt đầu từ thời Tổng thống Obama, tiếp tục dưới ông Trump, rồi cả 4 năm ông Joe Biden cầm quyền. Và giờ, khi ông Trump trở lại Nhà Trắng, Mỹ vẫn tiếp tục ngăn cản, khiến cơ quan này bị "đóng băng" hoàn toàn.
WTO hiện có 166 thành viên, hoạt động dựa trên đồng thuận tuyệt đối – tức chỉ cần một nước phản đối là mọi đề xuất bị chặn đứng. Vì vậy, việc Mỹ một mình ngăn cản cũng đủ để hệ thống phúc thẩm tê liệt. Tại cuộc họp gần nhất của WTO, chính quyền ông Trump tiếp tục bác bỏ đề xuất từ 130 quốc gia thành viên kêu gọi khôi phục cơ chế phúc thẩm – lần từ chối thứ 85 liên tiếp.
Hiện tại, nếu một nước thắng kiện tại WTO, họ cũng không thể đòi được bồi thường vì không còn nơi kháng cáo. Một số nước như EU và Trung Quốc đã lập ra hệ thống tạm thời thay thế để xử lý tranh chấp, nhưng Mỹ từ chối tham gia.
Tổng giám đốc WTO – bà Ngozi Okonjo-Iweala – đã cố gắng giữ thái độ thận trọng với chính quyền ông Trump, kêu gọi các nước "bình tĩnh" và tránh trả đũa lẫn nhau. Nhưng sau nhiều tháng, mọi nỗ lực vẫn chưa đạt được bước tiến rõ ràng.
Hiện có hơn 30 phán quyết bị kháng cáo "vào khoảng không", tức là bị bỏ lửng vì không có cơ quan nào xử tiếp. Trong số đó, có cả các vụ kiện do chính Mỹ khởi xướng.
Nói cách khác, WTO đang bị "trói tay" ngay giữa lúc thế giới cần một trọng tài công bằng nhất để giữ cho thương mại toàn cầu