Talk show "Nói ra đừng sợ" trên Fansipan TV. Các kênh truyền hình mới liên tiếp ra đời đồng nghĩa với việc khán giả có thể thoải mái lựa chọn mỗi khi ngồi trước màn hình TV, so sánh, nhận xét và cũng tự mình quyết định trong việc ủng hộ các chương trình phù hợp nhu cầu giải trí của chính mình. Tuy nhiên, điều bức xúc nhất vẫn là: kênh truyền hình thì nhiều, nhưng chất lượng chưa như mong đợi…
Bán kênh truyền hìnhHầu hết các đài truyền hình lớn trên cả nước đều có vài kênh, như: VTV, VTC, HTV, BTV, ĐN…, chưa kể số lượng kênh trên truyền hình cáp: HTVC, SCTV, VCTV… đã được nhà nước khuyến khích, cho phép xã hội hóa. Bây giờ đầu tư kinh doanh sóng truyền hình được xem vừa thức thời, khuếch trương thanh thế, vừa chứng tỏ “đẳng cấp” doanh nghiệp. Trên thực tế, với danh nghĩa xã hội hóa truyền hình, đã có rất nhiều kênh truyền hình do các đơn vị tư nhân thực hiện toàn bộ nội dung phát sóng. Ai trong nghề cũng biết: HTV1 là của Công ty Vân Thanh Long, HTV2 của Đất Việt, HTV3 của Trí Việt Media, YAN TV (SCTV) của Quỹ đầu tư IDG, VBC (VTC5) của Tập đoàn Tân Tạo, Today TV (VTC7) của Công ty cổ phần Quốc tế truyền thông IMC (với các cổ đông Habubank, Tân Hiệp Phát, bánh Kinh Đô…), LesViet (VTC9) của Lasta…
Còn rất nhiều các công ty nhỏ hơn không đủ khả năng mua nguyên kênh thì mua giờ phát sóng. Hình thức mua bán cũng tùy từng đài truyền hình. Phương thức phổ biến nhất hiện nay là đơn vị kinh doanh nộp cho đài truyền hình một khoản tương đương một năm khai thác (do hai bên thỏa thuận), phần nội dung đơn vị tự lên kế hoạch, khung chương trình sau đó đưa đài duyệt. Chính vì giao kênh cho tư nhân kinh doanh, nên bản chất, tiêu chí kênh cũng vì đó biến hóa theo thời gian. Thời gian qua, có nhiều kênh truyền hình đã bị Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM rà soát, thanh tra, kiểm tra buộc ngưng phát sóng vì không có giấy phép hoặc sai giấy phép.
Điển hình có: VTC phải ngưng 3 kênh truyền hình không phép, một kênh phải điều chỉnh lại phát đúng tần số; HTV2 phải trở về đúng là kênh thể thao (như trong giấy phép), không được chiếu phim và các chương trình games; buộc SCTV phải ngưng phát 29 kênh không có giấy phép… Hầu hết các kênh truyền hình đều vi phạm phát quảng cáo sai quy định và phát vượt quá số lần, vượt quá thời lượng trong một chương trình. Đó là chưa kể nội dung một số quảng cáo không phù hợp, kém thẩm mỹ. Chính vì mặt bằng chung hiện nay của truyền hình có nhiều tư nhân tham gia nhưng thiếu quản lý chặt chẽ, nên nói nhiều kênh truyền hình đang bị tư nhân hóa cũng không quá lời.
Bài toán còn nhiều ẩn số
Không có gì là khó hiểu khi nói con đường xã hội hoá truyền hình ở VN hiện thời mới chỉ đạt được tiêu chí đa dạng, và để phong phú từ nội dung cho đến hình thức quả thực còn là bài toán khó cho những nhà đầu tư.
Điểm sơ qua hàng chục game show đang được phát sóng dày đặc hiện nay, để tìm được game show có chất lượng tốt, để lại ấn tượng đẹp trong lòng người xem chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay! Đó là chưa kể những chương trình cố ý gây “sốc” với nội dung không phù hợp với văn hoá người Việt và các spot quảng cáo xuất hiện liên tục khiến người xem phải ngán ngẩm chuyển kênh.
Câu hỏi đặt ra, quyền lợi của người xem được đặt ở đâu trong thước đo này? Có phải thuộc về khoản thu từ các đơn vị tài trợ được đổ vào hàng loạt cho các món ăn tinh thần mà người xem được giao quyền chủ động? Câu trả lời nằm ở sự nhận thức đúng đắn mục đích của việc xã hội hoá sản xuất chương trình truyền hình là như thế nào trong thời kỳ mà ở đó sự cạnh tranh lành mạnh, sáng tạo sẽ thắng lối làm ăn cẩu thả và “đơn giản” lỗi thời.
Nói như ông Mai Quốc Chính – Tổng Giám đốc công ty cổ phần truyền thông đa phương tiện Latasa (đơn vị vừa liên kết với Truyền hình cáp VTC cho ra đời kênh truyền hình VTC9 Lets Việt): “Không cần đợi đến nhà tài trợ cắt hợp đồng hay ngừng không hợp tác mà chỉ cần sản xuất ra một chương trình kém chất lượng thì chính khán giả sẽ là người đào thải nó trước tiên”.
Khán giả là Thượng đế? Khi các công ty nghiên cứu thị trường nhảy vào công cuộc đo rating những chương trình truyền hình thì cũng là lúc thực tế chứng minh, nhà sản xuất đang bỏ công sức, tiền của để tìm hiểu những vị khách “thụ động” của mình.
Nói khán giả “thụ động” là bởi vì xét trên khía cạnh nào đó, người xem có quyền chuyển kênh nhưng không thể có một phương pháp nào khác để nói lên tiếng nói của mình tới những nhà sản xuất. Chính vì vậy, phản hồi có thể đo được chính là mật độ trung thành của khán giả với kênh truyền hình mà họ yêu thích.
Đầu tư và sinh lãi là bài toán mà bất kể doanh nghiệp nào cũng nghĩ đến khi bắt đầu thử sức và ít ai biết, đầu tư truyền hình yếu tố rủi ro không thể kiểm soát bằng mức vốn mà chính là từ những khán giả đang cầm điều khiển mỗi ngày trước tivi. Sẽ đến lúc những vị khán giả không thể chấp nhận các chương trình hời hợt, thiếu chiều sâu cũng như yếu kém về mặt chuyên môn và khi ấy người ta cần tìm đến ý nghĩa cốt lõi của một chương trình, dù đó có thể chỉ là mục điểm tin hay giới thiệu một gương mặt sáng.
Hơn bao giờ hết, các nhà đài phải xem khán giả là những vị vua để phục vụ họ bằng cả sự tận tụy và mong muốn phát triển công cuộc xã hội hoá sản xuất chương trình truyền hình để công cuộc ấy không chỉ mạnh về lượng mà còn ổn về chất bởi một chương trình kém chất lượng thì “vua” chính là người đào thải nó trước tiên.
Nguyễn Huy