Xác định 5 nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương, dễ dẫn đến "bỏ sót" đối tượng

10/11/2022 18:17

(CLO) Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn cho rằng, dự thảo luật xác định có 5 nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương chủ yếu mang tính liệt kê, chưa thể hiện rõ dựa trên tiêu chí nào, cơ sở nào xác định. Vì thế, có thể chưa đầy đủ, chưa bao quát hết, dễ dẫn đến việc bỏ sót đối tượng.

Cần quy định các biện pháp đặc thù bảo vệ nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương

Tham gia góp ý vào dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 10/11, đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn - Đoàn Bắc Giang đề nghị làm rõ tiêu chí người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Cùng với đó, cần quy định rõ hơn về nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương không chỉ tổn hại về sức khỏe, tinh thần mà còn những những yếu tố khác.

xac dinh 5 nhom nguoi tieu dung de bi ton thuong de dan den bo sot doi tuong hinh 1

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn - Đoàn Bắc Giang.

Theo đại biểu Trần Văn Tuấn, tại Khoản 1, Điều 7 của dự án luật xác định người tiêu dùng dễ bị tổn thương là nhóm người có đặc điểm, hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi về sức khỏe, tài sản trong quá trình mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. "Quy định trên chưa rõ, chưa bao quát hết những bất lợi mà người tiêu dùng dễ bị tổn thương có khả năng phải chịu", ông Tuấn nói. 

Theo ông Trần Văn Tuấn, trên thực tế, ngoài sự bất lợi cho sức khỏe, tài sản, người tiêu còn dễ bị tổn thương, có khả năng còn phải chịu những tác động bất lợi khác như bất lợi về danh dự, bất lợi về tinh thần. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa, bổ sung đầy đủ, bảo đảm bao quát hết những bất lợi mà người tiêu dùng dễ bị tổn thương có khả năng phải chịu ngoài sức bất lợi về sức khỏe và bất lợi về tài sản.

Đại biểu đoàn Bắc Giang đề nghị sửa lại quy định trên để có khái niệm một cách bao quát như sau: Người tiêu dùng dễ bị tổn thương là nhóm người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi trong quá trình mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

xac dinh 5 nhom nguoi tieu dung de bi ton thuong de dan den bo sot doi tuong hinh 2

Đại biểu tham dự phiên thảo luận.

Đại biểu Trần Văn Tuấn cũng nêu: Tại Khoản 1, Điều 7 của dự thảo luật xác định có 5 nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương bao gồm là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em người dân tộc thiểu số, người sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, phụ nữ mang thai, sinh con hoặc nuôi con bằng sữa mẹ, người bị bệnh hiểm nghèo.

"Việc dự thảo luật xác định 5 nhóm đối tượng trên chủ yếu mang tính liệt kê, chưa thể hiện rõ dựa trên tiêu chí nào, cơ sở nào xác định. Vì thế, có thể chưa đầy đủ, chưa bao quát hết, dễ dẫn đến việc bỏ sót đối tượng, không có chính sách, biện pháp phù hợp để bảo vệ những đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương cụ thể", ông Tuấn nhấn mạnh và đề nghị thay vì liệt kê 5 nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương cụ thể nêu trên thì dự thảo luật cần xác định rõ những tiêu chí mà trong đó có 4 tiêu chí cơ bản là tiêu chí về nhận thức, hiểu biết, tiêu chí về sức khỏe, tiêu chí về điều kiện kinh tế và tiêu chí về điều kiện nơi sinh sống.

Trên cơ sở đó quy định 4 nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương và 4 nhóm này cũng chỉ có tính định hướng chung, bao gồm nhóm những người có nhận thức, hiểu biết, hạn chế hay nhóm người bị bệnh tật, khuyết tật, nhóm người nghèo, người có thu nhập thấp, nhóm những người sinh sống và những nơi có điều kiện kinh tế xã hội nhiều khó khăn.

Đồng thời, theo đại biểu đoàn Bắc Giang, cần có quy định về các biện pháp có tính đặc thù nhằm bảo vệ quyền lợi đối với nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ tiếp tục cụ thể hóa những đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương cũng như những biện pháp bảo vệ quyền lợi đối với những đối tượng này.

xac dinh 5 nhom nguoi tieu dung de bi ton thuong de dan den bo sot doi tuong hinh 3

Đại biểu Triệu Thị Huyền - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái.

Cần bổ sung quy định về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng

Cũng tham gia góp ý về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương, đại biểu Triệu Thị Huyền - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái bày tỏ cơ bản thống nhất với quy định về ưu tiên bảo vệ người tiêu dùng thuộc nhóm đối tượng yếu thế tại dự thảo Luật.

Bà Huyền cho rằng, những đối tượng yếu thế dễ bị kỳ thị, phân biệt đối xử trong hoạt động mua bán các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cần được mở rộng thêm đến đối tượng là những người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, những người mắc các hội chứng suy giảm miễn dịch ở người HIV/AIDS…

Từ ý kiến trên, đại biểu đoàn Yên Bái đề nghị Ban soạn thảo rà soát, bổ sung thêm đối tượng người tiêu dùng nêu trên được ưu tiên bảo vệ để tạo sự bình đẳng trong quá trình mua bán, tiêu dùng.

Cũng theo đại biểu Triệu Thị Huyền còn có những trường hợp quyền lợi của người tiêu dùng bị ảnh hưởng nhưng chưa được dự thảo Luật đề cập đến như việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, trong trường hợp chỉ có một tổ chức, cá nhân kinh doanh, cung cấp sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; người tiêu dùng không có quyền lựa chọn sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà bắt buộc phải sở hữu sự sử dụng các dịch vụ, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đó.

Đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm quy định về trách nhiệm và vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc can thiệp và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Gia Phát

    Nổi bật
        Mới nhất
        Xác định 5 nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương, dễ dẫn đến "bỏ sót" đối tượng
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO