Xác định ADN là chìa khóa để mở ra, phục hồi ký ức lịch sử cho thân nhân gia đình liệt sĩ
(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh, xác định ADN không chỉ là thông tin về sinh học mà còn là chìa khóa để mở ra, phục hồi ký ức lịch sử cho thân nhân gia đình liệt sĩ đã hy sinh, là công cụ quan trọng kết nối quá khứ, hiện tại, tương lai, đáp ứng lòng mong mỏi của thân nhân gia đình liệt sĩ.
Theo đó, chiều 25/7, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm triển khai kế hoạch số 356/KH-BCA-C06 về thu nhận mẫu ADN cho thân nhân của liệt sĩ chưa xác nhận được danh tính trên toàn quốc do Bộ Công an tổ chức nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng bao gia đình vẫn khao khát thông tin về phần mộ, về hài cốt người thân
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong không khí cả nước kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7, hội nghị này là chương trình đầy tính nhân văn, sâu sắc, trách nhiệm đối với những người con ưu tú đã hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân; thực hiện nhiệm vụ chính trị đã xác định trong quá trình xác định, tìm kiếm thông tin cho các liệt sĩ; biểu dương những tổ chức, cá nhân đã thực hiện công việc ý nghĩa này, với trách nhiệm, tình cảm xuất phát từ trái tim.
Thủ tướng cho biết, qua các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả, đất nước ta có khoảng 1,2 triệu liệt sĩ, trên 900.000 hài cốt liệt sĩ được an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ, khoảng 300.000 hài cốt liệt sĩ đã an táng nhưng chưa xác định được danh tính, khoảng 175.000 hài cốt liệt sĩ từ khắp các chiến trường (trong nước và Lào, Campuchia) đang tiếp tục được tìm kiếm, quy tập; có khoảng 652.000 thương binh, 198.000 bệnh binh, hơn 132.000 mẹ Việt Nam anh hùng, 320.000 người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin.

"Hiện, chiến tranh đã lùi xa, nhưng biết bao gia đình vẫn khao khát, mong mỏi thông tin về phần mộ, về hài cốt người thân để đón về an táng ở quê hương. Công tác này cần tăng tốc, bứt phá, đột phá, thần tốc, thần tốc hơn nữa thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu và chúng ta không có cách nào khác là phải chạy đua với thời gian", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, xác định ADN không chỉ là thông tin về sinh học mà còn là chìa khoá để mở ra, phục hồi ký ức lịch sử cho thân nhân gia đình liệt sĩ đã hy sinh, là công cụ quan trọng kết nối quá khứ, hiện tại, tương lai, đáp ứng lòng mong mỏi của thân nhân gia đình liệt sĩ. Việc xác định danh tính liệt sĩ bằng công nghệ phân tử, Việt Nam không chỉ làm chủ khoa học mà còn khẳng định giá trị đạo lý, bản sắc nhân văn của dân tộc.

Lan toả tinh thần tri ân, nhân lên giá trị đạo lý, nhân văn cao cả
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ khẩn trương tham mưu Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ ban hành kế hoạch tổng thể triển khai thu thập mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ chưa xác định danh tính, đề xuất phân tích các mẫu ADN hài cốt liệt sĩ đã thu thập được, tích hợp dữ liệu đã phân tích để tiến hành đối sánh với ADN thân nhân liệt sĩ.
Bộ Công an tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương, tăng cường ứng dụng công nghệ số, khai thác tối đa dữ liệu dân cư, kết nối dữ liệu sinh học, kỹ thuật gene… tăng tốc phấn đấu đến năm 2027, cơ bản tạo lập và thu thập đầy đủ thông tin của tất cả liệt sĩ chưa xác định được danh tính, thu thập, phân tích mẫu ADN cho thân nhân các liệt sĩ đủ điều kiện để tích hợp ngân hàng gene;
Xây dựng hệ thống dữ liệu tích hợp; kết nối chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Uỷ ban nhân dân các địa phương, tạo mạng lưới phối hợp đồng bộ, hiệu quả.

Đối với Bộ Quốc phòng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, chỉ đạo để các đội tìm kiếm để thu thập, kết nối thông tin.
Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học tiên tiến, đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật ADN để nâng cao năng lực phân tích, phục vụ công tác giám định với độ chính xác cao nhất có thể; dành nguồn lực để lập dự án mua sắm những máy móc hiện đại hơn để phục vụ công việc.
Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, bảo đảm bố trí kinh phí, hướng dẫn rõ ràng minh bạch về thanh toán chi phí xét nghiệm ADN, tránh để chậm trễ ảnh hưởng tiến độ chung, ảnh hưởng tới tình cảm, trách nhiệm của chúng ta; hạch toán chi thường xuyên của các bộ, ngành địa phương ngay từ năm 2025 cho công tác này.

Thủ tướng cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, nhất là những địa phương có số lượng lớn liệt sĩ chưa rõ danh tính (Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng…) tổng rà soát, lên danh sách và xây dựng kế hoạch thu nhận mẫu ADN thân nhân liệt sĩ, đảm bảo hoàn thành việc thu nhận mẫu trước ngày 30/6/2026 và hoàn thành việc xét nghiệm, phân tích, cập nhật vào Ngân hàng Gene trước ngày 31/12/2026 để hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ.
Các doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ tiếp tục đồng hành, nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, tối ưu hoá hệ thống dữ liệu gene liệt sĩ; các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền, lan toả tinh thần tri ân, nhân lên giá trị đạo lý, nhân văn cao cả.
Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể quần chúng, lực lượng quân đội, công an phát động các phong trào thi đua, tuyên truyền sâu rộng trong toàn dân về ý nghĩa quan trọng của công tác này; tăng cường vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân huy động nguồn lực, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc cho công tác thiêng liêng cao quý này, với tinh thần "ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít"; còn lại ngân sách nhà nước phải gánh vác.