Xác minh vụ học sinh nộp tiền học võ để "qua môn" thể dục
(CLO) Ông Lê Văn Thọ, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đăng Lưu (huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) xác nhận Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã chỉ đạo nhà trường xác minh vụ việc phụ huynh phản ánh học sinh phải đóng tiền học võ để được đánh giá “đạt” môn thể dục.
Trước đó, bà Đ.T.Y, một phụ huynh có con đang theo học tại trường gửi đơn kiến nghị đến UBND tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk, phản ánh việc hai thầy giáo dạy thể dục tổ chức lớp học võ với mức phí 2 triệu đồng/năm/em (chưa bao gồm đồng phục), ngay trong khuôn viên nhà trường.
Theo bà Y, việc học võ là không bắt buộc, nhưng nếu học sinh không tham gia thì sẽ bị đánh giá “chưa hoàn thành” môn thể dục. Điều này khiến nhiều phụ huynh lo lắng, bức xúc, đặc biệt là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn hoặc đông con theo học.
“Tôi có hai con đều học tại trường này. Một cháu đã ra trường, suốt ba năm đều đăng ký học võ nhưng thực tế chỉ học cho có. Ai cũng hiểu mục đích chính là để điểm thể dục được đạt, chứ chẳng mấy ai biết võ”, bà Y nói.

Một số phụ huynh khác cũng xác nhận tình trạng này đã diễn ra nhiều năm, nhưng không ai dám lên tiếng vì sợ ảnh hưởng đến kết quả học tập của con.
Trả lời với báo chí, Hiệu trưởng Lê Văn Thọ xác nhận có hai thầy giáo tổ chức lớp võ trong sân trường, ngoài giờ hành chính. Tuy nhiên, đây là thỏa thuận cá nhân giữa giáo viên và học sinh, nhà trường không chỉ đạo, cũng không thu lợi.
“Sau khi có phản ánh, chúng tôi yêu cầu dừng việc dạy võ trong trường để tránh hiểu nhầm. Theo quy định hiện hành, nếu học sinh có điểm các môn xếp loại giỏi nhưng môn thể dục không đạt thì sẽ bị hạ bậc học lực”, ông Thọ cho biết.
Ông Thọ cũng thông tin thêm, sau khi nhận đơn, nhà trường đã mời học sinh lên làm việc nhưng do đang nghỉ hè nên chỉ có khoảng 10 em có mặt. Trong số này, có em xác nhận việc “học võ để được đạt thể dục”, nhưng cũng có em phủ nhận.
“Nội dung đơn của phụ huynh Y có một số chi tiết không đúng sự thật. Chúng tôi đang tiếp tục xác minh và dự kiến Chủ nhật tuần này sẽ có báo cáo chính thức”, ông Thọ nói.
Trước đó, ngày 19/6, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có phiếu chuyển đơn của bà Y đến Sở GD&ĐT để kiểm tra, làm rõ và báo cáo kết quả. Tuy nhiên đến ngày 9/7, nhà trường vẫn chưa nhận được chỉ đạo chính thức, Sở cũng chưa cử đoàn thanh tra đến làm việc.
Vụ việc đang gây xôn xao trong dư luận địa phương, đặt ra câu hỏi về tính minh bạch, công bằng trong việc tổ chức các lớp học thêm tại trường công lập.