Xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội: Khẳng định quyết tâm làm sạch môi trường mạng
(CLO) Trước sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội hiện nay, việc quản lý trên môi trường mạng cũng cần phải được thực hiện quyết liệt hơn. Trong đó, việc bổ sung quy định về xác thực tài khoản khi người dùng tham gia mạng xã hội là cần thiết, góp phần hạn chế tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.
Để mạng xã hội không còn là không gian ảo
Trong buổi họp báo thường kỳ tháng 9 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), vấn đề xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội cũng là một nội dung được nhiều cơ quan báo chí quan tâm, đặt câu hỏi cho đại diện lãnh đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ.
Bài liên quan
Xác thực tài khoản mạng xã hội là cần thiết
Nóng 18h: Muốn livestream trên mạng xã hội phải xin phép
Tầm quan trọng của việc xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại

Bộ TT&TT đang đề xuất bổ sung quy định xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội qua số điện thoại di động tại Việt Nam (Ảnh minh họa: M.Sơn)
Việc bổ sung quy định xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội qua số điện thoại di động tại Việt Nam cũng đang được Bộ TT&TT đề xuất quy định trong Nghị định thay thế Nghị định 72 năm 2023 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng cùng Nghị định 27 năm 2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định 72. Dự thảo Nghị định mới hiện đang được Bộ TT&TT lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Thực tế cho thấy hiện nay, các cuộc tấn công, lừa đảo trực tuyến ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi, không chỉ thế, còn gia tăng về số lượng và phương thức lừa đảo. Đáng chú ý, các cuộc tấn công nhắm vào nhiều nhóm đối tượng khác nhau và ở mỗi nhóm đối tượng.
Khi có càng nhiều người tham gia vào môi trường mạng, rất dễ dàng lập các tài khoản cá nhân, tổ chức chỉ với vài thao tác, không cần các giấy tờ pháp lý liên quan, điều này dễ nẩy sinh tâm lý sử dụng tài khoản mạng xã hội ảo để lừa đảo, dụ dỗ, mời gọi… từ đó thực hiện các hành vi khác phổ biến là chiếm đoạt tài sản.
Ở một khía cạnh khác, một số đối tượng lợi dụng ưu điểm của mạng xã hội, dịch vụ viễn thông, phát tán cuộc gọi rác (gọi điện thoại quảng cáo, bán hàng mà không được sự đồng ý trước của người sử dụng... gây phiền nhiễu và nhiều hệ lụy khác.
Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Cục An toàn thông tin, ông Nguyễn Duy Khiêm cho hay: Bộ TT&TT, cũng nhận định rằng việc bổ sung quy định về định danh, xác thực người dùng khi tham gia mạng xã hội là cần thiết và kịp thời. Bởi lẽ, việc này giúp người dùng nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình khi cung cấp, sử dụng thông tin lên mạng; đồng thời cũng giúp ngăn chặn, hạn chế tội phạm lừa đảo trên không gian mạng trước xu hướng ngày càng tăng.

Ông Nguyễn Duy Khiêm, đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT chia sẻ với báo chí về một số nội dung thuộc lĩnh vực của Cục.
Bên cạnh đó, việc xác thực người dùng sẽ tạo thuận lợi cho các cơ quan chức năng giám sát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. “Việc bổ sung quy định xác thực người dùng bằng số điện thoại di động cũng là để phù hợp, đồng bộ với các quy định hiện hành và hiện trạng thực tế triển khai của các mạng xã hội”, ông Nguyễn Duy Khiêm phân tích.
Nói về xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử chia sẻ: Rất mong các cơ quan báo chí đưa thông tin về vấn đề này, trong đó nhấn mạnh đến tầm quan trọng, sự cần thiết của việc định danh, xác thực tài khoản mạng xã hội để chống lại lừa đảo trực tuyến. Phóng viên nhà báo tuyên truyền để chống lại nhận thức đã tồn tại trong nhận thức của người sử dụng internet là không gian mạng, là không gian ảo.
“Vì là ảo nên có thể lên mạng làm bất cứ điều gì, nói bất cứ nội dung gì, thậm chí là vi phạm pháp luật, những điều chỉnh của pháp luật về xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội cũng là một trong những giải pháp quan trọng để chống lại nhận thức sai lầm đó” - ông Lê Quang Tự Do chia sẻ.
Giải pháp định danh người dùng mạng xã hội là đúng đắn
Thực tế cho thấy, những người sử dụng mạng xã hội để hạn chế những rủi ro cho chính bản thân mình, họ cần phải trách nhiệm khi sử dụng. Việc định danh tài khoản mạng xã hội rất cần thiết, đảm bảo người sử dụng mạng xã hội dù là trong nước hay của nước ngoài cần có trách nhiệm trong việc đăng tải thông tin, hình ảnh, commen hay bất cứ tương tác của mình trên mạng xã hội đó. Đây là một yêu cầu rất cần thiết.
Hiện nay mạng xã hội lớn nhất như Facebook hay TikTok chưa quản lý chặt, một người có thể dễ dàng lập nhiều tài khoản khác nhau. Ở một quốc gia khác như tại Trung Quốc mạng xã hội Wechat là mạng xã hội được quản lý khá chặt chẽ, đòi hỏi người dùng thực hiện các bước xác minh khi đó người dùng mới có thể cho vận hành tài khoản đó. Tuy nhiên, ở nhiều nước việc sử dụng tài khoản mạng xã hội dễ dàng hơn, người dùng có thể dùng nhiều tài khoản nặc danh, thoải mái.

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Hưng Yên triển khai các nhiệm vụ về xử lý tội phạm lừa đảo trên không gian mạng. Ảnh: P. Huyền
Tiến sĩ Đoàn Văn Báu - Chuyên gia tâm lý tội phạm cho biết, việc có những quy định của nhà nước, có cơ chế chính sách, quy định pháp luật để quản lý việc định danh sẽ không chỉ hạn chế được các hành vi lừa đảo trên mạng xã hội mà còn giúp bảo vệ chính người dùng. Đây là hoạt động rất cần thiết. Nhiều người sử dụng mạng xã hội một cách chân chính, muốn tận dụng những điều tích cực của mạng xã hội mong muốn môi trường trên mạng xã hội cũng phải trong sạch, họ cũng muốn mọi thứ cần minh bạch rõ ràng, ai cũng mong muốn điều đó, vì thế định hướng về định danh người dùng mạng xã hội là đúng đắn.
Tuy nhiên việc quản lý thế nào, định danh như thế nào, cơ quan quản lý nhà nước cần có phối hợp để cùng các mạng xã hội được không? Nói về giải pháp cho vấn đề này, tiến sĩ Đoàn Văn Báu gợi ý: Có thể thực hiện phương án ngoài dùng số điện thoại còn cần căn cước công dân để thực hiện lập tài khoản. Tuy nhiên việc phối hợp với các nhà mạng để thực hiện định danh mạng xã hội là rất cần thiết, điều quan trọng là pháp luật Việt Nam có thực hiện hay không! Điều này cần có lộ trình, có thể trong vòng 1, 2 năm hoàn thành việc đăng ký tài khoản, định danh, chính danh. Có các đợt rà soát để loại bỏ các tài khoản rác. Bắt đầu bằng việc quản lý bằng số điện thoại trước, việc này cần sự phối hợp giữa nhiều bộ ngành, địa phương.
“Giờ đã định danh bằng căn cước công dân, với VNeID có thể theo hướng này để quản lý, muốn mở một tài khoản Zalo hay mạng xã hội khác anh cần phải có căn cước công dân. Cho dù anh có 100 số điện thoại anh vẫn phải cần căn cước công dân, việc này có thể thêm điều khoản trong quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực này. Tương tự khi đăng ký tài khoản Facebook ngoài việc sử dụng gmail có thể có căn cước công dân vào, như vậy mới đảm bảo được” - Tiến sĩ Đoàn Văn Báu gợi ý thêm.
Có thể nói để hạn chế, ngăn chặn lừa đảo trực tuyến hay các cuộc gọi lừa đảo thì cần phải thực hiện từ cả hai phía, đó là từ các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng và phía người sử dụng. Theo đó, các cơ quan quản lý cần có các biện pháp xử lý mạnh tay hơn nữa. Về phía người dùng cũng cần tự bảo vệ mình, sử dụng mạng xã hội một cách văn minh hơn, chấp hành nghiêm các quy định pháp luật khi tham gia tương tác trên không gian mạng.