Xã hội

Xác thực và truy xuất nguồn gốc – Chìa khóa để hàng Việt chinh phục thị trường quốc tế

Phúc Ân 13/07/2025 18:19

(CLO) Xác thực và truy xuất nguồn gốc không chỉ là giải pháp chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng, mà còn là “hộ chiếu số” giúp hàng hóa Việt Nam khẳng định chất lượng, nâng tầm thương hiệu và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong 6 tháng đầu năm 2025, cả nước đã phát hiện, xử lý 50.736 vụ vi phạm. Trong đó, hơn 36.600 vụ liên quan đến gian lận thương mại, thuế; gần 3.300 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Đáng chú ý, chỉ trong tháng cao điểm từ ngày 15/5 đến ngày 15/6, các lực lượng chức năng đã bắt giữ và xử lý tới 10.437 vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tăng hơn 80% so với tháng trước đó. Trong đó, Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố vụ án liên quan đến sản xuất và buôn bán sữa giả mang nhãn hiệu Hiup, đồng thời triệt phá thành công vụ án buôn lậu, sản xuất dầu thực vật giả Ofood khi chế biến dầu dành cho chăn nuôi thành dầu ăn cho người…

z6799930267007_da8e835b48c54ad9d4d560beff2f4008.jpg
Chống hàng giả bằng công nghệ đưa hàng Việt ra thế giới (ảnh minh họa).

Tại hội thảo “Xác thực truy xuất nguồn gốc – Động lực phát triển bền vững của Kinh tế số Việt Nam”, đại tá Phạm Minh Tiến – Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia nhận định, hệ thống truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam hiện còn nhiều bất cập. Trong đó, chưa có sự thống nhất mã định danh trên toàn quốc; dữ liệu phân tán theo các bộ ngành, lĩnh vực chưa tập trung; việc truy xuất nguồn gốc hiện nay có thực hiện nhưng mới chỉ là hình thức, chưa thể hiện được chuỗi cung ứng, từ nguyên liệu, sản xuất đến người tiêu dùng; chưa kiểm soát hiệu quả hàng hoá trên các sàn thương mại điện tử; người tiêu dùng chưa có một công cụ cụ thể để xác thực.

Trước thực trạng đó, nhiều chuyên gia cho rằng, việc xây dựng các nền tảng công nghệ xác thực, truy xuất nguồn gốc hiện đại, đặc biệt ứng dụng các công nghệ tiên tiến như blockchain là giải pháp quan trọng. Đây là yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, góp phần nâng cao uy tín quốc gia và thúc đẩy phát triển nền kinh tế số.

Theo ông Bùi Bá Chính – Quyền Giám đốc Trung tâm Mã số, mã vạch quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, hiện nay hàng giả phổ biến dưới ba dạng là giả thương hiệu, giả chất lượng và giả xuất xứ. Trong khi đó, nhiều nước phát triển như Mỹ, Canada, các quốc gia châu Âu đã áp dụng hệ thống mã hóa, định danh toàn chuỗi từ sản xuất đến xuất khẩu nhằm kiểm soát chặt chẽ hàng hóa.

Theo ông Chính, giải pháp sử dụng mã vạch để truy xuất nguồn gốc sản phẩm là rất quan trọng. Đây cũng chính là cách để định danh sản phẩm, kê khai một cách minh bạch với sự giám sát của toàn dân. Đồng thời, nó cũng được ví như “hộ chiếu số” cho sản phẩm, hướng đến thị trường quốc tế, đảm bảo mục tiêu xuất khẩu hàng hóa, nâng tầm quốc gia.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, bà Marion Chaminade – Tham tán nông nghiệp Pháp tại Đại sứ quán Pháp ở Việt Nam cho biết, Pháp đang ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ hiện đại vào việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt trong lĩnh vực nông sản và thực phẩm. Việc áp dụng công nghệ blockchain không chỉ hạn chế gian lận mà còn giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất mọi thông tin liên quan đến sản phẩm từ nguyên liệu, quy trình sản xuất đến phân phối.

Khi nền kinh tế số đang trở thành một trong những trụ cột phát triển của đất nước, thì yêu cầu về tính xác thực, minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc của hàng hóa không chỉ phục vụ công tác quản lý nhà nước mà còn là điều kiện tiên quyết để nâng cao niềm tin thị trường trong nước và hội nhập quốc tế.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Xác thực và truy xuất nguồn gốc – Chìa khóa để hàng Việt chinh phục thị trường quốc tế
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO