Xây dựng nông thôn mới: Xã Kim Sơn 'đi sau, về trước'

13/11/2024 18:37

(CLO) Là địa phương cuối cùng của thị xã Sơn Tây đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng chỉ sau vài năm, Kim Sơn lại là xã đầu tiên của thị xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Do đâu mà một xã nằm trên vùng đất đồi gò còn nhiều khó khăn lại đạt được những kết quả “nhảy vọt” như vậy?

Theo bà Lê Thị Chính - Chủ tịch UBND xã Kim Sơn - năm 2018 xã Kim Sơn đạt chuẩn nông thôn mới, năm 2020 đạt nông thôn mới nâng cao. Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân, năm 2023 xã Kim Sơn đăng ký thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên 5 lĩnh vực: An ninh trật tự, y tế, văn hóa, du lịch và chuyển đổi số.

Để đạt được những mục tiêu này, xã Kim Sơn xác định tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng làm cơ sở tiến tới nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn.

Từ nguồn lực hỗ trợ của thành phố Hà Nội, của thị xã Sơn Tây và đặc biệt là sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, từ năm 2021 đến nay, xã đã huy động được hơn 104 tỷ đồng đầu tư cho các tiêu chí nông thôn mới.

xay dung nong thon moi xa kim son di sau ve truoc hinh 1

Đoàn công tác của thành phố Hà Nội kiểm tra, thẩm định kết quả xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Kim Sơn. Ảnh: LD

Nhờ đó, nhiều hạng mục giao thông quan trọng đã được triển khai như: Xây dựng hệ thống thoát nước trên các trục đường; thực hiện chỉnh trang, nâng cấp một số tuyến đường chạy qua địa phương, trong đó có đường tỉnh lộ 416.

Theo thống kê, hệ thống đường trục xã, liên xã, đường trục thôn, liên thôn, ngõ, xóm với tổng chiều dài gần 45 km đã được bê tông hóa, nhựa hóa 100%, bảo đảm sáng- xanh- sạch- đẹp. Gần 45 km đường, kênh, mương, nội đồng được đầu tư kiên cố, trong đó nguồn vốn xã hội hóa 7,8 tỷ đồng. Hệ thống này đã bảo đảm tưới, tiêu chủ động cho toàn bộ diện tích sản xuất nông nghiệp.

Xã Kim Sơn cũng đã vận động xã hội hóa, trồng hơn 3.000 cây hoa chuông vàng và hàng nghìn cây hoa các loại trên các tuyến đường; hoàn thành 2.000m2 bích họa tại các bức tường ven đường, nhà văn hóa, khu vui chơi.

Về phát triển kinh tế, hiện nay trên địa bàn xã có nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả như: Nuôi ong lấy mật, chăn nuôi bò sữa, gà, lợn, trồng thảo dược, cây ăn quả…

Trong đó phải kể đến mô hình nuôi ong lấy mật của HTX Dịch vụ nông nghiệp Kim Sơn với sản phẩm “Mật ong Kim Sơn” đạt OCOP 4 sao. Hiện HTX có gần 40 hộ nuôi khoảng 2.000 đàn ong, cho sản lượng hơn 35.000 lít mật/năm. Ngoài ra, mô hình chăn nuôi bò sữa hơn 60 hộ với tổng đàn hơn 700 con, chế biến sản phẩm từ sữa bò thành các loại sữa chua, đạt OCOP 3 sao... 

Đáng chú ý, xã Kim Sơn có thôn Lòng Hồ hiện hoạt động du lịch đã khá phát triển với nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn: Du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn… Năm 2023, thôn Lòng Hồ được UBND thành phố Hà Nội ra quyết định công nhận là điểm du lịch của thành phố Hà Nội. Nhờ đó, thông tin về sản phẩm, dịch vụ du lịch của thôn được quảng bá rộng rãi hơn đến du khách.

“Năm 2023, thu nhập bình quân toàn xã Kim Sơn đạt 75,29 triệu đồng/người. Xã không còn hộ nghèo. 7/7 thôn đều có nhà văn hóa phục vụ tốt cho sinh hoạt văn hóa cộng đồng của nhân dân, được trang bị đầy đủ tiện nghi”, bà Chính cho biết.

Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nếp sống văn minh, liên tục nhiều năm liền 7/7 thôn của xã Kim Sơn đạt danh hiệu thôn văn hóa. Xã có 21 câu lạc bộ bóng chuyền hơi, khiêu vũ, bóng đá, bóng bàn, văn hóa văn nghệ, thể thao, dân vũ... Nhiều năm liền xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, số người tham gia bảo hiểm y tế duy trì tỷ lệ trên 96%; người dân cài đặt và sử dụng sổ khám chữa bệnh điện tử đạt tỷ lệ 90,7%.

Đặc biệt, theo bà Lê Thị Chính, địa phương đã có bước tiến dài về chuyển đổi số. Xã Kim Sơn đã thành lập 1 tổ công nghệ số cộng đồng xã, 7 tổ công nghệ số cộng đồng thôn, tổ chức tuyên truyền, đi tới từng hộ gia đình trong thôn để hướng dẫn, trợ giúp người dân trên địa bàn thôn sử dụng công nghệ số, các nội dung về chuyển đổi số và hướng dẫn người dân tải, cài đặt, sử dụng các ứng dụng chuyển đổi số, đăng ký và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, sổ sức khỏe điện tử, các ứng dụng: Zalo, Facebook, Tik Tok...

Về hạ tầng công nghệ, toàn xã Kim Sơn hiện có 98,5% hộ gia đình có kết nối internet, có điện thoại thông minh; 7 thôn đã thiết lập các nhóm giao tiếp thông minh trên nền tảng Zalo với hơn 1.400 thành viên tham gia.

Đây là công cụ hỗ trợ hiệu quả cho việc tuyên truyền, trao đổi về các vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội, ứng dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa và thực hiện giới thiệu, quảng bá, tiếp thị và bán các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội...

Đánh giá về công tác xây dựng nông thôn mới ở Kim Sơn, ông Trần Anh Tuấn - Bí thư Thị ủy Sơn Tây cho rằng, thành công của xã Kim Sơn đã cho thấy, với sự lãnh đạo đúng đắn của cấp ủy, sự quyết tâm của chính quyền và sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, hoàn toàn có thể xây dựng thành công nông thôn mới, nông thôn thông minh một cách nhanh và bền vững. Đây cũng là bài học kinh nghiệm quý báu để các địa phương khác tham khảo, áp dụng.

* Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội

T.Toàn

    Nổi bật
        Mới nhất
        Xây dựng nông thôn mới: Xã Kim Sơn 'đi sau, về trước'
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO