Đời sống văn hóa

Xây dựng Thủ đô Hà Nội thành trung tâm công nghiệp văn hóa khu vực châu Á

Bài và ảnh: Trung Nguyễn 03/07/2025 15:52

(CLO) Ngày 3/7, tại Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Đại hội đại biểu nhiệm kỳ 2025 – 2030 với chủ đề “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc Đại hội, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, Đại hội Đảng bộ cơ quan Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, nhiệm kỳ 2025-2030 diễn ra trong thời điểm toàn Đảng, toàn dân ra sức thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội, chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ông Phạm Xuân Tài, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, trong giai đoạn 2020-2025, tình hình chính trị thế giới có nhiều diễn biến mới, phức tạp, đặc biệt đại dịch COVID-19 đã tác động tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam, Hà Nội cũng chịu nhiều ảnh hưởng sâu sắc. Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết có không ít khó khăn, thách thức, nhưng về cơ bản thuận lợi và đạt kết quả khích lệ.

z6767289025223_83af5b98c4d3596f8c946c00ee4dd5ac.jpeg
Các thành viên chủ tọa đại hội.

Về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, Hà Nội đã hoàn thành công tác kiểm kê di tích, tiếp tục là địa phương có số lượng di tích lớn nhất cả nước với 6.489 di tích. Thành phố ban hành Nghị quyết đầu tư công với tổng số 579 dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích, kinh phí 14.029 tỷ đồng.

Nhiều di tích chủ động nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm đa dạng, phong phú. Điển hình là việc ra mắt và duy trì tổ chức các chương trình trải nghiệm đêm tại các di tích Nhà tù Hỏa Lò (chương trình Đêm thiêng liêng 2,3), di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Chương trình Tinh hoa Đạo học) và Di tích đền Ngọc Sơn (chương trình “Ngọc Sơn – đêm huyền bí”)…

Phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”, trọng tâm là xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng Gia đình văn hóa, Thôn văn hóa, Tổ dân phố văn hóa, các cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa có nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Ngoài ra, thành phố chú trọng đến xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở thông qua việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Hiện, thành phố Hà Nội có 5.266 thiết chế, công trình văn hóa, thể thao.

Việc thực hiện 2 Quy tắc ứng xử tiếp tục được triển khai thống nhất; tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền các quy tắc với nhiều hình thức như các cuộc thi vẽ tranh, cuộc thi ảnh…

Về hoạt động văn hóa nghệ thuật, trung bình mỗi năm Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu tổ chức 7 - 10 liên hoan, cuộc thi nghệ thuật quần chúng. Trung bình mỗi năm, các nhà hát của thành phố dàn dựng 18 vở diễn mới, biểu diễn trên 3.000 buổi; tổ chức thành công nhiều hoạt động: Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội”, Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ V; Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI, VII (HANIFF VI, VII), Liên hoan Xiếc Quốc tế 2022…

Về việc phát triển sự nghiệp thể dục thể thao, Hà Nội quan tâm đẩy mạnh phát triển thể dục, thể thao cho mọi người, nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ của nhân dân Thủ đô, nhất là thế hệ trẻ...

Trên đà những kết quả đạt được, các tham luận tại Đại hội cũng nhìn nhận những hạn chế, tồn tại, từ đó nêu ra những giải pháp thiết thực đóng góp cho sự phát triển văn hóa, thể thao trong kỷ nguyên mới, đưa Hà Nội trở thành trung tâm văn hóa, thể thao của cả nước.

z6767288903041_2ced6c94364335365263c351dda784eb.jpeg
Quang cảnh Đại hội đại biểu nhiệm kỳ 2025 – 2030 với chủ đề “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao thời gian qua. Đồng thời, đồng chí Lê Hồng Sơn cũng nhận định những thời cơ và thách thức của ngành Văn hóa và Thể thao trong kỷ nguyên mới. Với sự đổi mới trong công tác quản lý hiện hành, Luật Thủ đô đi vào cuộc sống, Hà Nội đang đứng trước những thuận lợi và có nhiều điều kiện để đẩy mạnh phát triển văn hóa, biến nguồn lực văn hóa hiện có thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội, đưa Hà Nội trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của khu vực.

Bên cạnh đó, ngành Văn hóa và Thể thao cần chuyển từ tư duy quản lý theo cách thức duy trì ổn định sang sáng tạo và tiên phong; chuyển tư duy quản lý khép kín sang mở cửa và hội nhập; chấp nhận thử nghiệm nghệ thuật, tạo ra không gian sáng tạo mới, khuyến khích tư duy sáng tạo trong quản lý, thực thi chính sách mới.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội cũng lưu ý các vấn đề liên quan đến công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ có trình độ, hiểu biết công nghệ và có bản lĩnh. Ngành Văn hóa và Thể thao cần tổ chức đào tạo, phát hiện và nuôi dưỡng, sử dụng tài năng trẻ một cách thiết thực, hiệu quả; lập các quỹ tài năng văn hóa nghệ thuật để kịp thời hỗ trợ, bồi dưỡng tài năng.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Xây dựng Thủ đô Hà Nội thành trung tâm công nghiệp văn hóa khu vực châu Á
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO