Xây dựng thương hiệu “Made in Vietnam” thông qua thương mại điện tử quốc tế: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt tăng trưởng
(NB&CL) Năm năm qua, hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu kinh doanh toàn cầu thông qua Amazon. Số lượng sản phẩm bán ra trên Amazon từ các đối tác bán hàng Việt Nam tăng hơn 300%. Số lượng doanh nghiệp Việt Nam đạt doanh số 1 triệu USD/năm trên Amazon, tăng vọt gấp 10 lần trong vòng 5 năm. Việt Nam là nền kinh tế xuất khẩu, với thế mạnh dệt may, da giày, gạo, nông sản… dư địa, tiềm năng về thương mại điện tử xuyên biên giới rất lớn. Đặc biệt, việc xây dựng thương hiệu “Made in Vietnam” thông qua thương mại điện tử quốc tế là một hướng đi tiềm năng. Các doanh nghiệp có thể tận dụng các nền tảng xuất khẩu như EcomEx để giới thiệu sản phẩm Việt Nam ra thị trường thế giới. Điều này không chỉ giúp gia tăng giá trị xuất khẩu mà còn nâng cao uy tín của hàng hóa Việt Nam trên bản đồ toàn cầu.
Tiềm năng xuất khẩu qua thương mại điện tử rất lớn
Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam (EBI 2024) của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, ước tính tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 tăng trên 25% so với năm trước và đạt 25 tỷ USD, trong đó, quy mô bán lẻ hàng hoá trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD.
Thống kê của Amazon Global Selling cho thấy, số lượng sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam bán ra trên Amazon tăng hơn 300% trong 5 năm qua. Hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam hiện đang xuất khẩu thông qua Amazon, với số lượng doanh nghiệp đạt doanh thu hàng năm trên 1 triệu USD tăng vọt gần gấp 10 lần. Thông qua nền tảng của Amazon, hàng hóa Việt Nam có cơ hội tiếp cận trực tuyến với hơn 2 tỷ người mỗi năm ở các thị trường khu vực Bắc Mỹ, châu Âu và rất nhiều quốc gia khác như Úc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ...

Tại Tọa đàm “Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây, PGS.TS Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số - Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ, thương mại điện tử xuyên biên giới đang có những cơ hội phát triển rất lớn, đặc biệt khi Việt Nam gần với thị trường rất lớn là Trung Quốc. Hơn nữa, hiện nay các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã xây dựng các nền tảng thương mại điện tử B2B, kết nối với các nền tảng thương mại điện tử lớn của thế giới như: Amazon, Alibaba, Timo... để hàng hóa khi lên sàn thương mại điện tử của Việt Nam cũng tương ứng xuất hiện trên các nền tảng thương mại điện tử lớn của thế giới, kết nối người mua trực tiếp với người bán cũng như nhà sản xuất.
Theo một số báo cáo thông tin về thị trường, thương mại điện tử xuyên biên giới chiếm đến khoảng 20-22% giá trị của thương mại điện tử toàn cầu, tốc độ tăng trưởng ước tính gấp 2,3 lần thương mại điện tử.
Bà Lại Việt Anh – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam là nền kinh tế xuất khẩu, với thế mạnh dệt may, da giày, gạo, nông sản… dư địa, tiềm năng về thương mại điện tử xuyên biên giới rất lớn, có một số ước tính về xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới, năm 2022 đạt khoảng 3,3 tỷ USD, năm 2027 kỳ vọng đạt hơn 11 tỷ USD nếu có những cơ chế hỗ trợ từ cả nền tảng thương mại điện tử cũng như Nhà nước.
Chia sẻ về tiềm năng của các sản phẩm, Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam Trần Tuấn Anh cho biết, về lĩnh vực sản xuất, ở Việt Nam có đặc thù sản xuất tại nội địa rất mạnh. Đây là tiềm lực để chúng ta từ đó tận dụng nguồn nhân lực có kỹ năng, có hiểu biết nhất định để phát triển nhiều hơn nữa.
Là một trong những doanh nghiệp nhỏ kinh doanh nông sản hữu cơ, Công ty Organic Viet Food (OVF) đã quyết định đưa sản phẩm hạt điều lên sàn thương mại điện tử để tìm kiếm cơ hội xuất khẩu. Xác định làm chuẩn ngay từ đầu, sản phẩm hạt điều Bình Phước đã được OVF xây dựng thương hiệu Newbam với bao bì, mẫu mã, đóng gói… đúng chuẩn để xuất khẩu.

Song song với đó, OVF đã đăng ký kinh doanh trên sàn thương mại điện tử Amazon, đồng thời kiên trì học hỏi và đáp ứng đúng các tiêu chí do Amazon hướng dẫn. Nhờ đó, sản phẩm hạt điều Newbam đã nhanh chóng được lên kệ của Amazon. Tháng 11/2022, hạt điều Newbam đã xuất đợt hàng đầu tiên đến Mỹ. Đến nay, hạt điều Newbam đã xuất khẩu khá đều đặn đến Mỹ và Canada.
Định vị thương hiệu sản phẩm Việt trên sàn thương mại điện tử
Thời gian qua, sự nỗ lực của các DN trong việc đưa hàng hóa xuất khẩu lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Amazon, JD.com, Alibaba, Shopee Global… đã góp phần đưa hàng hóa Việt Nam ra thế giới. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm tiếng là của Việt Nam nhưng lại mang thương hiệu nước ngoài khiến các DN đang phải chịu “thiệt đơn, thiệt kép”.
Đơn cử như cà phê, phần lớn người dùng biết đến thương hiệu cà phê Starbucks, nhưng ít người biết rằng, một trong số nguyên liệu cà phê đó được nhập khẩu từ Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, với sản lượng và chất lượng cà phê cao, nhưng hiện nay chưa có thương hiệu cà phê Việt nào lọt vào danh sách 10 thương hiệu cà phê đắt nhất thế giới.
Chuyên gia về thị trường cà phê Trần Thanh Hải cho biết, hiện Việt Nam vẫn là nhà sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới, chiếm tới 60% thị phần toàn cầu. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa thể quyết định giá bán loại cà phê này. Dù xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới nhưng chuỗi giá trị gia tăng cho người trồng cà phê Việt Nam rất nhỏ bởi hiện nay, trong thương mại, cà phê Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô.
Thực tế thì Việt Nam có rất ít công ty làm được thương hiệu cà phê Việt trên thị trường thế giới. Trong khi đó, Thái Lan hiện có những thương hiệu cà phê cao cấp, bán đến 50 – 100 USD/ly ở các khách sạn 5 sao trên thế giới.
Hay như các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là đồ gốm sứ và hàng dệt may. Việt Nam có truyền thống lâu đời trong sản xuất đồ gốm sứ và là một trong những nước xuất khẩu đồ gốm sứ lớn trên thế giới. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm gốm sứ xuất khẩu của Việt Nam ở dạng phôi gốm, chưa qua trang trí, vẽ men và nung…. Nhiều sản phẩm này được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc Châu Âu và sau đó được bán trên sàn TMĐT dưới tên thương hiệu của các nước này.

Trên các nền tảng TMĐT như Amazon, rất nhiều sản phẩm như hạt điều, tiêu đen và các loại gia vị khác từ Việt Nam được bán dưới thương hiệu của các nhà nhập khẩu nước ngoài. Vì thế, người tiêu dùng quốc tế thậm chí còn không biết họ đang sử dụng sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam. Điều này làm mất đi cơ hội quảng bá thương hiệu Việt và tạo ra giá trị gia tăng từ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm phát triển TMĐT (Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công thương) cho biết, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 cả nước ước đạt hơn 354,5 tỷ USD nhưng trong đó kim ngạch xuất khẩu qua sàn TMĐT chỉ chiếm khoảng 5 - 6 tỷ USD. Ông cho rằng, đây là con số khiêm tốn và là dư địa rất lớn cho DN Việt có cơ hội gia nhập, bứt phá trong thời gian tới.
Nhưng cũng phải thừa nhận, qua các nền tảng TMĐT như Amazon, Etsy, Alibaba... số lượng các sản phẩm mang thương hiệu Việt đang ngày càng tăng lên nhanh chóng. Trong vòng 12 tháng tính đến đầu tháng 9/2023, các đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon đã bán ra 17 triệu sản phẩm mang thương hiệu Việt cho khách hàng trên khắp thế giới, tăng cường sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam trên toàn cầu. Số lượng đối tác bán hàng Việt Nam qua Amazon tăng 40%, với hàng nghìn doanh nghiệp Việt nắm bắt cơ hội kinh doanh toàn cầu.
Góp ý về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, để thành công, các doanh nghiệp cần hiểu rõ cách kể câu chuyện thương hiệu của mình và áp dụng các công cụ số. Doanh nghiệp cần xây dựng và bảo vệ thương hiệu, lên kế hoạch các chương trình khuyến mãi trên môi trường trực tuyến và tìm hiểu nhu cầu thị trường một cách bài bản và dài hạn.
Chia sẻ với VnBusiness, bà Dương Thị Thu Hiền, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Dược liệu Trương Dương – đơn vị chuyên sản xuất tinh dầu sả chanh cho hay, hiện sản phẩm tinh dầu sả chanh Trương Dương được bán chủ yếu ở thị trường trong nước và xuất khẩu sang một số nước châu Âu.
“Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng bảo hộ, tạo điều kiện kết nối giúp doanh nghiệp quảng bá, từng bước tiếp cận và bán những sản phẩm là thế mạnh của bà con nông dân qua các nền tảng bán hàng trực tuyến”.
Khẳng định thương hiệu quốc gia là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp Việt khi xuất khẩu, ông Phạm Xuân Tùng, thành viên Liên minh Hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến (VESA), cho biết: “Những sản phẩm “made in Vietnam” đã xuất hiện trên nhiều kệ hàng và được sự đón nhận của thị trường quốc tế. DN có thể tận dụng lợi thế đó để kể câu chuyện thương hiệu, về vùng nguyên liệu hay người nông dân để tạo ấn tượng cho sản phẩm”.
Là chuyên gia tư vấn chiến lược và hỗ trợ doanh nghiệp Việt tham gia TMĐT xuyên biên giới, ông Tùng nhìn nhận vấn đề sở hữu trí tuệ là thách thức của doanh nghiệp Việt, nhất là DN nhỏ. Nếu không nhận thức đúng tầm quan trọng của việc bảo hộ nhãn hiệu thì doanh nghiệp phải đối diện với nguy cơ mất thương hiệu ở thị trường nước ngoài.
Cũng theo vị chuyên gia này, khi dịch chuyển từ mô hình B2B sang B2C, “bài toán đau đầu” cho các doanh nghiệp xuất khẩu là tìm phương án tối ưu chi phí logistics.
Để làm được điều đó, ông Tùng cho rằng doanh nghiệp cần am hiểu nền tảng thương mại điện tử mình đang triển khai bán hàng. Ông gợi ý: “Phần lớn các công ty Việt Nam ưa chuộng kiểu bao bì lớn để tạo cảm giác chất lượng cho sản phẩm. Tuy nhiên, khi bán hàng trên Amazon, chi phí vận chuyển được tính dựa trên thể tích và khối lượng sản phẩm. Từ thực tế đó, để giảm thiểu chi phí logistics, ta cần tối ưu hai yếu tố này”.
Dù tồn tại một số thách thức nhưng thị trường bán hàng thương mại điện tử còn rất nhiều cơ hội để các sản phẩm, thương hiệu Việt “tỏa sáng”. Điều quan trọng là các DN cần phải biết nắm cơ hội theo những nguyên tắc quốc tế.
Nói như ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), khi một quốc gia có nhiều doanh nghiệp với thương hiệu mạnh sẽ là nền tảng quan trọng để nâng tầm thương hiệu của quốc gia. Khi thương hiệu quốc gia được nâng tầm trên thị trường quốc tế, sẽ tạo ra sự bảo chứng về uy tín và chất lượng sản phẩm, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa.
Khánh An