Xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính quốc tế là công việc chung của Quốc gia

Thứ hai, 02/05/2022 09:30 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) TS. Trần Du Lịch - nguyên Đại biểu Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế TP.HCM khẳng định: Việc xây dựng TP.HCM trở thành Trung tâm Tài chính Quốc tế không chỉ là công việc riêng của thành phố, mà đây là công việc chung của Quốc gia.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra nhiệm vụ thúc đẩy phát triển TP.HCM trở thành Trung tâm Tài chính Quốc tế. Trên cơ sở kế thừa những nghiên cứu trước đó, từ giữa năm 2021, UBND TP.HCM đã tiến hành tổ chức nghiên cứu lập “Đề án xây dựng Trung tâm Tài chính Quốc tế Việt Nam tại TP.HCM”. Đây được coi là động thái quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ cùng TP.HCM thực hiện “giấc mộng” đã có từ cách đây hơn 20 năm.

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, TS. Trần Du Lịch - nguyên Đại biểu Quốc hội các khóa IX, XII , XIII, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế TP.HCM khẳng định: Việc xây dựng TP.HCM trở thành Trung tâm Tài chính Quốc tế không chỉ là công việc riêng của thành phố, mà đây là công việc chung của Quốc gia.

xay dung tp ho chi minh tro thanh trung tam tai chinh quoc te la cong viec chung cua quoc gia hinh 1

Việc định hướng TP.HCM trở thành Trung tâm Tài chính Quốc tế có cơ sở thực tiễn

+ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra mục tiêu đưa TP.HCM trở thành Trung tâm Tài chính Quốc tế. Vậy thưa TS. Trần Du Lịch, mục tiêu đưa TP.HCM liệu có quá tầm với hay không?

- Theo đánh giá xếp hạng tại Chỉ số các trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI) tháng 3/2020 - 3/2021,TP.HCM mới chỉ nằm trong nhóm các trung tâm tài chính tiềm năng, cạnh tranh gần với các trung tâm tài chính khác trong khu vực như Manila (Philippines), Jakarta (Indonesia) và cao hơn một chút là Bangkok (Thái Lan) và Kuala - Lumpur (Malaysia).

Đương nhiên, vị trí này còn quá xa so với các Trung tâm Tài chính trong top 10 thế giới, như Singapore, Hồng Kông, Thượng Hải (Trung Quốc) hay Tokyo (Nhật Bản).

Tuy nhiên điều đó không có nghĩa, vị trí các Trung tâm Tài chính hiện hữu mãi mãi không thay đổi và không còn cơ hội cho các thị trường tài chính mới nổi.

Do đó, TP.HCM hoàn toàn có cơ hội để từng bước phát triển thành một Trung tâm Tài chính Quốc tế, trong một tương lai không xa, khi mà vị thế của nền kinh tế Việt Nam đối với khu vực và quốc tế thay đổi.

Việc xếp hạng các Trung tâm Tài chính Quốc tế dựa trên 5 yếu tố: Môi trường kinh doanh, vốn con người, cơ sở hạ tầng, mức độ phát triển các ngành kinh tế và danh tiếng. Đây là những yếu tố mà TP.HCM đang kỳ vọng cải thiện trong những năm tới.

Từ năm 2002, với Nghị quyết 20 và sau đó Nghị quyết 16 ban hành vào năm 2012, Bộ Chính trị đã xác định vị trí, vai trò phát triển TP.HCM, xứng tầm với các trung tâm kinh tế tài chính khác trong khu vực ASEAN. Vì vậy, việc xây dựng đề án Trung tâm Tài chính Quốc tế lần này là sự hiện thực hóa chủ trương phát triển TP.HCM.

Trên thực tế, hiện nay, TP.HCM đang là “đầu tàu” kinh tế và cũng là Trung tâm Tài chính quốc gia. Đồng thời, thành phố cũng đang trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn trong khu vực ASEAN, ở cả khía cạnh thị trường vốn, thị trường tiền tệ và các hoạt động tài chính khác.

Vì vậy, việc định hướng TP.HCM trở thành Trung tâm Tài chính Quốc tế có cơ sở thực tiễn, không hề vượt tầm với và chúng ta cũng cần phải có lộ trình phát triển, để “nâng cấp” từng bước.

+ Như ông chia sẻ, từ năm 2002, TP.HCM đã được định hướng trở thành một Trung tâm Tài chính. Thế nhưng, cho tới nay, tức là đã trải qua hơn 20 năm, TP.HCM mới có những hành động rõ nét để thực hiện “giấc mộng” này. Theo ông, như vậy có quá chậm?

- Kể từ khi xây dựng Trung tâm Giao dịch Chứng khoán, bây giờ gọi là Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM từ tháng 7/2000, cho tới nay đã trải qua 22 năm hoạt động.

xay dung tp ho chi minh tro thanh trung tam tai chinh quoc te la cong viec chung cua quoc gia hinh 2

Nếu nhìn thị trường tài chính theo truyền thống phát triển trên 2 chân: Thị trường tiền tệ và thị trường vốn, thì Trung tâm Tài chính TP.HCM đã có bước phát triển đáng kể.

Từ năm 2006, TP.HCM đã có chủ trương phát triển Trung tâm Tài chính TP.HCM ở tầm khu vực. Nhưng do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009 đã làm chậm lại kế hoạch xây dựng ban đầu.

Tuy nhiên, phát triển Trung tâm Tài chính Quốc tế ở TP.HCM là vấn đề quốc gia chứ không phải địa phương, nên phải có yếu tố “thiên thời”. Đến nay tuy có chậm, nhưng đáng mừng là đã có chủ trương từ Trung ương nên kỳ vọng sẽ đi đến cùng.

Dù sao, việc phát triển chậm cũng có lợi “của người đi sau”, tận dụng các yếu tố của thời đại để phát triển nhanh hơn. Đơn cử như dòng vốn đầu tư đang có sự dịch chuyển từ các Trung tâm Tài chính khác vào TP.HCM. Đặc biệt, TP.HCM cũng nhận thức được rất rõ về sự dịch chuyển, và đang tận dụng thời cơ hiếm có này tương đối thuận lợi.

+ Để trở thành một Trung tâm Tài chính Quốc tế, TP.HCM cần phải phát triển theo mô hình như thế nào, thưa ông?

- Theo tôi được biết, Đề án xây dựng TP.HCM trở thành Trung tâm Tài chính Quốc tế sẽ tập chung vào 3 trụ cột chính.

Theo đó, TP.HCM sẽ phát triển đồng bộ về cả thị trường vốn ngắn hạn và dài hạn. Trong đó, thị trường vốn ngắn hạn sẽ cố gắng đưa thành phố trở thành nơi trung tâm chuyển tải vốn và huy động vốn. Với thị trường vốn dài hạn, mà nòng cốt là thị trường chứng khoán và các hoạt động đầu tư có liên quan.

Ngoài 2 lĩnh vực trên, TP.HCM còn đặt ra mục tiêu trở thành trung tâm giao dịch hàng hóa phát sinh; tận dụng lợi thế Việt Nam là quốc gia xuất khẩu nông sản.

Theo tôi, cả 3 lĩnh vực này đều có thể thực hiện, nhưng TP.HCM phải có lộ trình thực hiện cụ thể. Trong đó, đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2026 - 2030, TP.HCM sẽ là Trung tâm của khu vực ASEAN. Sau năm 2030, mục tiêu sẽ trở thành Trung tâm Tài chính mang tầm quốc tế, có vị trí đáng kể trên bảng xếp hạng GFCI.

Lộ trình này bắt buộc phải gắn liền với các chiến lược liên quan tới thị trường vốn, như tự do hóa tài khoản vốn của Ngân hàng Nhà nước, hoặc vấn đề chuyển đổi đồng tiền,...

Ngoài ra, TP.HCM cũng cần phải lưu ý tới yếu tố thời đại, phải áp dụng công nghệ số, phát triển ngành dịch vụ tài chính công nghệ thế hệ mới như fintech chẳng hạn.

+ Vậy, hiện nay “điểm nghẽn” cần phải tháo gỡ để đưa TP.HCM trở thành Trung tâm Tài chính Quốc tế là gì, thưa ông?

- Trong Đề án phát triển TP.HCM, có một số vấn đề về thể chế cần tháo gỡ nhưng nó vượt quá thẩm quyền của thành phố, và phải chờ đợi quyết định của Trung ương (Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ).

Vấn đề tạo ra khung pháp lý vận hành và thể chế mang tính cạnh tranh vượt trội; sức hấp dẫn đối với các tập đoàn đầu tư tài chính tên tuổi trên thế giới có ý nghĩa rất quan trọng đối Đề án này.

Do đó, việc đưa TP.HCM trở thành Trung tâm Tài chính Quốc tế là vấn đề chung của Quốc gia, không phải câu chuyện riêng của thành phố và việc này đã được ghi lại vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIII.

Hiện nay, tôi đã thấy có sự chỉ đạo mạnh mẽ từ phía Chính phủ và sự phối hợp rất tốt từ bộ ngành Trung ương với chính quyền thành phố. Và tôi mong rằng, Trung tâm Tài chính Quốc tế TP.HCM sẽ sớm được thực hiện.

Lợi thế của người đi sau

+ Xét theo khoảng cách địa lý, TP.HCM nằm rất gần 2 Trung tâm Tài chính rất lớn của thế giới là Hồng Kông và Singapore. Do đó, để trở thành một Trung tâm Tài chính Quốc tế, TP.HCM chắc chắn sẽ phải cạnh tranh gay gắt với 2 thị trường này. Theo ông, TP.HCM nên làm gì để tạo ra ưu thế cạnh tranh vượt trội so với họ?

- Trước hết, Hồng Kông và Singapore đã là Trung tâm Tài chính lớn của thế giới từ rất lâu và phải thừa nhận rằng TP.HCM là người đi sau. Tuy nhiên, dù đi sau, TP.HCM vẫn có một số ưu điểm.

Thứ nhất, khi “sinh sau đẻ muộn”, chắc chắn TP.HCM sẽ phải xây dựng một số chính sách ưu đãi “mạnh tay” để tạo ra ưu thế cạnh tranh, kêu gọi các nhà đầu tư tìm tới.

Thứ hai, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng là một nền kinh tế mở, phát triển ổn định trong nhiều năm. Ngay cả trong bối cảnh đại dịch COVID-19, kinh tế của TP.HCM vẫn ghi nhận sự tăng trưởng bền vững.

Thứ ba, với quy mô dân số hơn 100 triệu dân, và vẫn đang có chiều hướng tăng, Việt Nam đang trở thành thị trường đầu tư lớn rất tiềm năng.

Nhưng, để tận dụng các ưu điểm này, TP.HCM cần phải tập trung xây dựng hạ tầng tốt nhất cho 2 bờ sông Sài Gòn. Bờ Đông là khu vực Thủ Thiêm, và bờ Tây là khu vực quận 1, nơi đang là Trung tâm Tài chính sẵn có và đang hoạt động của TP.HCM.

Bên cạnh đó, TP.HCM cần tạo ra môi trường đầu tư tốt để thu hút các tập đoàn tài chính lớn. Hiện nay, có một số tập đoàn có cam kết hướng tới các thị trường mới, thị trường mới nổi. Đây chính là mục tiêu bước đầu cần phải thực hiện. Đồng thời, TP.HCM cũng cần xây dựng nguồn nhân lực, để tạo ra sự hấp dẫn.

Dĩ nhiên quá trình phát triển sẽ phải có sự cạnh tranh, nhưng cũng có một chút sự chia sẻ với các thị trường khác. Vì dòng vốn đầu tư rất đa dạng và các định chế tài chính, các công ty đầu tư cũng khá đa dạng, xuất phát từ nhiều thị trường khác nhau EU, Bắc Mỹ,...

+ Nếu thành công, Trung tâm Tài chính Quốc tế sẽ mang lại lợi ích gì cho TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, thưa ông?

- Tôi cho rằng, nếu thành công, lợi ích là rất lớn. Thứ nhất, Trung tâm Tài chính Quốc tế sẽ thúc đẩy tất cả lĩnh vực khác cùng tăng trưởng, không chỉ riêng thị trường tài chính.

Thứ hai, khi thị trường tài chính phát triển còn đóng góp vào sự tăng trưởng chung của cả khu vực kinh tế phía Nam. Nó còn đóng góp, nâng tầm Việt Nam trong mối quan hệ khu vực kinh tế và toàn cầu.

+ Xin chân thành cảm ơn ông!

Việt Vũ (Thực hiện)

Bình Luận

Tin khác

Kinh tế tăng trưởng mạnh, nhu cầu sử dụng điện tăng cao trở lại

Kinh tế tăng trưởng mạnh, nhu cầu sử dụng điện tăng cao trở lại

(CLO) Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định điều chỉnh kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024, trong đó có các tháng cao điểm mùa khô.

Kinh tế vĩ mô
Ngân hàng thế giới kiến nghị Việt Nam sớm xử lý các ngân hàng yếu kém

Ngân hàng thế giới kiến nghị Việt Nam sớm xử lý các ngân hàng yếu kém

(CLO) Ngày 23/4, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới đã tổ chức buổi công bố điểm lại kinh tế Việt Nam tháng 4/2024, với chuyên đề "Đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo".

Kinh tế vĩ mô
Thái Bình xúc tiến đầu tư tại Hungary

Thái Bình xúc tiến đầu tư tại Hungary

(CLO) Tỉnh Thái Bình mong muốn được hợp tác toàn diện với các đối tác, nhà đầu tư Hungary, trong đó đi sâu trao đổi, xuất nhập khẩu hàng hóa, giao lưu văn hóa, hợp tác giáo dục, đào tạo, y tế.

Kinh tế vĩ mô
Lãnh đạo Tập đoàn NVIDIA tiếp tục đến Việt Nam

Lãnh đạo Tập đoàn NVIDIA tiếp tục đến Việt Nam

(CLO) Ngày 22/4, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có buổi làm việc với ông Keith Strier, Phó Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA.

Kinh tế vĩ mô
Bắc Ninh: Khởi công dự án nhà xưởng và nhà kho xây sẵn quy mô 14 ha tại khu công nghiệp Thuận Thành III

Bắc Ninh: Khởi công dự án nhà xưởng và nhà kho xây sẵn quy mô 14 ha tại khu công nghiệp Thuận Thành III

(CLO) Công ty Cổ phần Tập đoàn KCN Việt Nam (KCN Việt Nam)- nhà phát triển bất động sản công nghiệp chuyên nghiệp tại Việt Nam, vừa triển khai xây dựng dự án nhà xưởng và nhà kho xây sẵn với quy mô 14 ha tại KCN Thuận Thành III- Phân khu B, tỉnh Bắc Ninh.

Kinh tế vĩ mô