Xé hủy tác phẩm "Nhật ký Anne Frank": Phân biệt chủng tộc đang trở lại?
Xé hủy tác phẩm "Nhật ký Anne Frank": Phân biệt chủng tộc đang trở lại?
(Congluan.vn) - Nhiều cuốn "Nhật ký Anne Frank" đã bị hủy và xé ở thư viện công cộng Nhật Bản. Báo động nạn Đức Quốc Xã hay phân biệt chủng tộc đang trở lại? Ở Việt Nam, bạn đọc đã biết đến cuốn Nhật ký nổi tiếng này lần đầu tiên qua bản dịch của dịch giả Bửu Ý...
Những trang trong cuốn sách "Nhật ký Anne Frank" bị phá hủy
(Ảnh: AFP)
Theo hãng tin AP, hơn 100 bản in cuốn "Nhật ký Anne Frank" đã bị xé và phá hủy trong một thư viện công cộng ở thành phố Tokyo - Nhật Bản. Phóng viên có được nguồn tin này từ một quan chức chính phủ.
Cụ thể, nhiều trang sách bị xé rời, ít nhất từ 265 bản in của cuốn Nhật ký và các cuốn sách khác có liên quan.
Vẫn theo quan chức trên, đến nay sự việc vẫn đang tìm hiểu, điều tra chứ chưa rõ ai, tổ chức nào đứng sau vụ phá hoại sách này. Một nhóm đấu tranh cho quyền của người Do Thái ở Hoa Kỳ đã lên tiếng kêu gọi cảnh sát khẩn thiết điều tra.
Cuốn "Nhật ký Anne Frank" mà tên đầy đủ là "Nhật ký của một em gái" (Diary of a Young girl) kể lại chuyện một cô bé tuổi thiếu niên gốc Do Thái và gia đình phải sống chui lủi lẩn trốn quân phát xít ở thủ đô Amsterdam.
Bức ảnh còn sót lại của gia đình Anne Frank
trước biến cố phân biệt chủng tộc, bài trừ
và tiêu diệt người Do Thái của phát xít Đức
Cuốn sách được phát hiện tình cờ khi cô bé và cả gia đình bị bắt đã đưa cái tên Anne Frank trở thành biểu tượng cho những gì khủng khiếp, phân biệt, chia rẽ và đau đớn mà người Do Thái phải trải qua trong thời Thế chiến thứ II.
Theo bản tin trên BBC, Chủ tịch Hội đồng thư viện Nhật Bản, ông Satomi Murata nói với hãng thông tấn rằng có đến năm phường ở Tokyo báo cáo đã xảy ra vụ phá hoại. Có nghĩa kẻ tiêu hủy chủ đích tìm cuốn "Nhật ký Anne Frank" tại đây và các vùng lân cận để hành động.
“Chúng tôi không rõ vì sao điều này lại xảy ra hay ai đã làm điều đó! Động cơ chính là gì vẫn chưa xác định rõ...” - Ông Satomi Murata cho biết.
Di ảnh Anne Frank, tác giả cuốn Nhật ký
Trong khi đó, Toshihiro Obayashi, một nhân viên thư viện ở phía Tây Tokyo nói: “Mọi cuốn sách có trong danh sách ghi về Anne Frank đều bị phá ở thư viện chúng tôi...”. Tổ chức nhân quyền toàn cầu cho người Do Thái, Simon Wiesenthal Centre, phát ngôn rất sốc và quan ngại về sự việc này. Và họ kêu gọi chính quyền tiến hành việc điều tra.
"Vụ việc xảy ra trên diện rộng cho thấy mạnh mẽ rằng có tổ chức nhằm phỉ báng "ký ức" của nhân vật nổi tiếng nhất từ 1.5 triệu trẻ em Do Thái bị giết hại bởi quân Phát xít trong thảm họa diệt chủng Do Thái thời Thế chiến thứ II...”. Người phó viện trưởng Abraham Cooper nói.
Dịch giả Bửu Ý, người chuyển dịch tác phẩm "Nhật ký Anne Frank"
đầu tiên ở Việt Nam
Trở lại lịch sử cuốn sách. Tập "Nhật ký Anne Frank" lần đầu tiên được xuất bản bằng tiếng Đức ở Amsterdam năm 1947 và nhận được cả chỉ trích, khen ngợi lẫn sự chú ý rộng lớn của dư luận bạn đọc trên toàn thế giới. Bản thân tác giả, cô bé Anne Frank, cũng đã bị bắt và thủ tiêu trong trại tập trung của chế độ Nazi ở châu Âu trong các đợt truy bắt và giết người Do Thái. Sau đó cuốn sách được một nhà xuất bản của Mỹ phối hợp với Anh quốc giới thiệu bản tiếng Anh.
Tại Việt Nam, "Nhật ký Anne Frank" được chuyển dịch bởi dịch giả Bửu Ý từ bản tiếng Pháp cuối những năm 1960. Gần đây sách được dịch trở lại vào năm 2006 và đã được báo chí ca ngợi là "cuốn nhật ký gây chấn động thế giới". Ngoài tư liệu chân thực, sống động, cuốn Nhật ký Anne Frank" còn được xem như hiện thân của một tác phẩm văn học độc đáo.
ĐÔNG DƯƠNG dịch & tổng hợp(Từ các nguồn AFP, BBC...)