Xe nước mía qua 7 thập kỷ vẫn đông nghịt khách như ngày đầu
(CLO) Người dân sống gần khu vực đường Cô Giang (phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, TP. HCM) từ lâu đã quen với sự tồn tại của xe nước mía to màu vàng, có tên Kiên Ký. Người chủ cho biết xe nước mía này đã tồn tại được gần 70 năm, truyền qua 3 thế hệ.
Xe nước mía qua 3 đời, gắn bó với tuổi thơ của nhiều thế hệ
Xe nước mía Kiên Ký được bán cách tuần. Nếu tuần này bán ở số 30 đường Cô Giang (quận 1), thì tuần sau sẽ bán ở hẻm 76 Đề Thám (quận 1). Cứ 9h sáng mỗi ngày, tiếng máy xay mía lại vang lên, gợi nhớ tuổi thơ của bao người.
Mấy ngày qua, trời Sài Gòn nắng nóng nên tiệm càng đông khách, tiếng máy xay vì thế cũng đều đặn đến 22h mới ngưng.

Xe nước mía Kiên Ký bán qua 3 thế hệ
Chú Lý Tùng (63 tuổi) - chủ xe mía Kiên Ký cho biết, nước mía ở đây ngon, hút khách không chỉ bởi giá rẻ, mà còn vì chất lượng. Về nguyên liệu, chú Tùng đặt mua của các thương lái từ Đồng Nai giao đến. Mía được chọn phải là mía loại 1, khoảng 70 nghìn/bó mía.
Một ly nước mía có giá từ 10 nghìn đến 20 nghìn đồng/ly. Ngoài ra, nơi đây còn bán thêm món trà tắc với cùng mức giá.

Những ngày trời nóng, xe nước mía càng thêm đắt khách
“Người ta thích uống nước mía chỗ tôi vì ngon, ngọt thanh, mát, uống vào thôi là đã biết đây là mía loại 1, loại mía chất lượng nhất”, chú Tùng nói.
Vào mùa nắng nóng, khách đến mua nước mía đông hơn ngày thường. Có ngày người ta "bu nghẹt" quanh xe nước mía, ai nấy đều xách về 5, 6 ly.
"Bỏ 10 nghìn mua ly nước mía mà bao kỷ niệm ùa về"
Chú Tùng kể, lúc trước gia đình chú di cư từ Tiều Châu (Trung Quốc) vào Việt Nam lập nghiệp. Đến năm 1952, cả gia đình mở xe nước mía để bán, kiếm tiền mưu sinh.
Xe nước mía lúc trước được đặt ở ngã tư trên đường Cô Giang, thế nhưng sau này xã hội phát triển, người ta không cho bán lề đường nên quyết định bán tại nhà.

Những bức tranh ngược được các nghệ nhân vẽ bằng tay trên xe nước mía vẫn còn nguyên vẹn suốt 68 năm
Trải qua gần 7 thập niên, gia đình chú Tùng cùng xe nước mía đã chứng kiến bao đổi thay của Sài Gòn hoa lệ. Thế nhưng, dù nơi này có phát triển, con người nơi đây vẫn giữ mãi những điều tưởng chừng chỉ còn trong ký ức.
“Có mấy gia đình uống nước mía ở đây lâu lắm rồi. Nhà tôi 3 đời bán nước mía, thì nhà họ 3 đời uống nước mía nhà tôi. Họ dắt cháu chắt, cháu nội rồi dắt con tới đây uống. Hỏi bộ 'ghiền' nước mía ở đây hả thì họ trả lời do uống quen rồi, uống chỗ khác không đã bằng”, chú Tùng cười nói.
Chú Tùng kể, lúc trước chú có đến 2, 3 xe nước mía, nhưng đều hư cả rồi. Chỉ có xe này là dùng tốt suốt 68 năm qua, chú nghĩ bụng "chắc mình có duyên với nó", nên ráng bảo dưỡng mà dùng tiếp. Ngoài ra khách họ quen với hình tượng xe nước mía màu vàng rồi, "đổi thì cũng buồn”.

Xe nước mía Kiên Ký gắn với tuổi thơ của bao thế hệ người Sài Gòn
“Tôi nhớ hồi trước giải phóng, lúc đó vui lắm. Mấy chục ông đạp xe xích lô chỉ thích uống nước mía ở chỗ tôi thôi. Cứ hễ chiều, họ đạp xích lô xong, ai nấy mồ hôi nhễ nhại cũng ghé đây uống nước mía, rồi xếp hàng dài cả phố đứng nói chuyện rôm rả. Họ nói chỉ thích uống nước mía ở đây thôi, vì nó “đã”. Phải chi hồi đó có máy quay phim là tôi ghi hình lại khoảnh khắc đó liền, vì vui lắm. Tới giờ vẫn mong được quay lại khoảng thời gian đó”, chú Tùng nhớ lại kỉ niệm xưa.
Đến mua nước mía, anh Nguyễn Hoàng Tùng (ngụ quận 1) cho biết mình là "khách ruột" của Kiên Ký.
"Không chỉ ngon, rẻ, mà khi uống một ngụm nước mía tại đây là bao ký ức về tuổi thơ của tôi ùa về. Bỏ 10 nghìn ra mua một ly nước mía mà được hồi tưởng bao kỷ niệm, kể ra mình 'lời' nhiều quá rồi”, anh Tùng tươi cười nói.
Một số hình ảnh xe nước mía Kiên Ký do PV báo Nhà báo và Công luận ghi nhận:






Kỳ Hoa - Thuý Vy