Xe ôm phải có thẻ hoạt động vận chuyển: Lo nhiêu khê, phát sinh thủ tục không cần thiết

03/12/2024 09:52

(CLO) Trước thông tin TP Hà Nội quy định người hành nghề xe ôm phải có thẻ hoạt động vận chuyển, nhiều ý kiến cho rằng điều này là bất hợp lý, nhiêu khê và phát sinh thêm thủ tục không cần thiết.

Hiện UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến về dự thảo quyết định việc sử dụng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ để kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa.

Đáng chú ý dự thảo nêu rõ, những người dùng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ để chở khách hay hàng hóa phải đủ 16 tuổi trở lên và phải đăng ký với UBND phường, xã, thị trấn để xác nhận đóng dấu vào thẻ hoạt động vận chuyển. Thẻ này do tổ chức, cá nhân tự in ấn theo mẫu.

xe om phai co the hoat dong van chuyen lo nhieu khe phat sinh thu tuc khong can thiet hinh 1

Thị trường xe hai bánh chở khách và chở hàng hóa đang phát triển rất sôi động tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Bên cạnh đó người hành nghề chở khách, hàng hóa phải mang theo giấy chứng nhận đăng ký xe; giấy phép lái xe; giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực; giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân còn hiệu lực; thẻ hoạt động vận chuyển trong lúc hành nghề.

Trước đó vào cuối 2019, tại Dự thảo “Quy định về quản lý và sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, môtô hai bánh và các loại tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn TP Hà Nội” do Sở Giao thông Vận tải xây dựng có nội dung: Người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe môtô hai bánh và các loại xe tương tự trên địa bàn thành phố phải mang biển hiệu (thẻ hoạt động vận chuyển) do cơ quan có thẩm quyền cấp tại vị trí ngực áo bên trái. Nhưng sau đó quy định đã không được thực hiện.

UBND các quận, huyện, thị xã quy định vị trí đón trả khách và xếp dỡ hàng hóa cho xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ để kinh doanh vận chuyển hành khách và hàng hóa tại nơi công cộng thuộc địa phương quản lý.

Đối với cá nhân kinh doanh vận chuyển phải gửi đăng ký hoạt động và thẻ hoạt động vận chuyển đến UBND phường, xã, thị trấn nơi mình cư trú để đóng dấu xác nhận.

Trước thông tin trên, anh Quang Hưng (quê Nghệ An) đang làm lái xe ôm tại Hà Nội cho rằng điều này là bất hợp lý và phát sinh nhiều rắc rối, thủ thục không cần thiết.

“Tôi chạy xe theo app của hãng, đã đăng ký đầy đủ thông tin và cũng công khai trên ứng dụng của thiết bị cả mặt mũi, biển số xe lẫn thông tin cá nhân.

Bây giờ lại yêu cầu thêm một chiếc thẻ đeo ở người, không những vậy còn phải đến nơi cư trú xin xác minh, thêm thủ tục liệu có cần thiết?”, anh Hưng băn khoăn.

Đồng quan điểm, chú Bắc (quê Hòa Bình) chia sẻ, việc yêu cầu cấp giấy phép hành nghề này không rõ ràng về mục đích. Đối với dịch vụ xe ôm công nghệ, các vấn đề như kiểm tra bằng lái, mua bảo hiểm đã được các ứng dụng gọi xe yêu cầu tài xế thực hiện.

Do đó việc đòi hỏi thêm giấy phép hành nghề chỉ tạo thêm rào cản hành chính và gây khó khăn cho những người lái xe ôm, đa số có thu nhập thấp.

Trao đổi với PV, một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông vận tải cho biết, việc quản lý bằng thẻ hành nghề phải đồng bộ với đăng ký kinh doanh. Người ta đăng ký kinh doanh bằng ngành nghề mới có cơ sở quản lý việc cấp giấy phép hành nghề.

Nhưng thực tế các loại hình đang vận hành dưới dạng kinh tế chia sẻ, thời gian nhàn rỗi người ta chạy thêm để có thêm thu nhập. Các quy định pháp luật về kinh doanh cũng chưa bắt buộc người kinh doanh nhỏ phải đăng ký kinh doanh.

Việc cấp thẻ phải có mục tiêu rõ ràng và có tác động quản lý từ phía cơ quan chuyên môn để nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn giao thông.

Nhưng nếu như dự thảo, ai đang hành nghề đến phường, xã đăng ký để được cấp thẻ thì không có nhiều ý nghĩa mà lại thêm một thủ tục.

Dù chưa có thống kê số lượng chính thức song thực tế, thị trường xe hai bánh chở khách và chở hàng hóa đang phát triển rất sôi động tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành cả nước với sự góp mặt của các hãng trong nước cũng như nước ngoài.

Đa phần các hãng đều có logo thương hiệu riêng để phân biệt và giúp người tiêu dùng nhận diện. Tình trạng phóng nhanh vượt ẩu, mất an toàn giao thông của các tài xế này cũng là vấn đề cần được giải quyết.

Tuy nhiên câu chuyện quản lý thế nào đối với đội ngũ tài xế xe hai bánh này hiện nay cũng đang khá loay hoay.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Xe ôm phải có thẻ hoạt động vận chuyển: Lo nhiêu khê, phát sinh thủ tục không cần thiết
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO