Xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng: Muộn còn hơn không!

Thứ năm, 06/08/2020 09:40 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) UBND TP. Đà Nẵng vừa phê duyệt phương án tổ chức xét nghiệm Covid-19 diện rộng trên toàn địa bàn. Bộ Y tế cũng đã vừa chỉ đạo huy động các đơn vị y tế tư nhân đủ năng lực phải tiến hành xét nghiệm SARS-CoV-2, thay vì ngăn cấm như hồi tháng 4/2020. Đó là việc làm cần thiết, dẫu muộn.

1. Cho tới nay, khi thế giới chưa có vaccine và thuốc đặc hiệu dành cho Covid-19, nên các quốc gia buộc phải tiến hành xét nghiệm và cách ly người bệnh để phòng và chống dịch. “Xét nghiệm, xét nghiệm và xét nghiệm” là cách mà nhiều nước đang áp dụng, như Hàn Quốc, Mỹ, Singapore, Nga,… để có thể phát hiện ra số lượng người nhiễm bệnh, chuẩn đoán, theo dõi, cách ly, khoanh vùng dịch bệnh và hạn chế lây lan cho cộng đồng. Nhất là khi các nghiên cứu uy tín đã cho thấy: Trên 75% người mang virus Corona chủng mới không có triệu chứng.

Bộ Y tế vừa chỉ đạo huy động khối y tế tư nhân tiến hành xét nghiệm Covid-19. Ảnh.TTXVN

Bộ Y tế vừa chỉ đạo huy động khối y tế tư nhân tiến hành xét nghiệm Covid-19. Ảnh.TTXVN

Khi các quốc gia tích cực “xét nghiệm, xét nghiệm và xét nghiệm”, thì tháng 4/2020, Bộ Y tế lại có công văn khẩn không cho phép làm xét nghiệm Covid-19 theo yêu cầu, các phòng xét nghiệm thực hiện xét nghiệm theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia… Rồi trong đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 2 tại Việt Nam, người bệnh đã không biết mình nhiễm bệnh, và thậm chí cả các cơ sở y tế đã không biết để theo dõi, cách ly, dẫn tới việc chật vật trong cách ly, khoanh vùng, để dịch lây lan ra cộng đồng ở mức độ khó có thể kiểm soát.

Đơn cử như trường hợp bệnh nhân nam R.M.G (57 tuổi, võ sư, quốc tịch Mỹ) và bạn gái là N.T (44 tuổi) đã đi qua hàng loạt các cơ sở y tế cả công lập và tư nhân tại Đà Nẵng và TP.HCM nhưng không hề được cho xét nghiệm dù có hàng loạt triệu chứng. Bệnh nhân tiếp tục di chuyển qua nhiều địa điểm, tiếp xúc với nhiều người, đã khiến các cơ quan hữu trách rất vất vả để xác minh, cách ly, phong tỏa, và hàng triệu người dân hoang mang, lo sợ.

Từ tháng 4/2020 tới nay, người dân muốn được xét nghiệm Covid-19 cũng chẳng biết đi đâu, hỏi ai, khi mà các cơ sở y tế bị Bộ Y tế cấm xét nghiệm tự nguyện, vô tình ngăn cản người dân và khối y tế tư nhân chung sức cùng Chính phủ phòng chống phát sinh và lây lan dịch bệnh.

2. Gần 4 tháng sau lệnh cấm, Bộ Y tế trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng quá lớn, đã vừa chỉ đạo “huy động các đơn vị y tế tư nhân đủ năng lực xét nghiệm phải tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2”.

Cụ thể, Bộ Y tế đề nghị: UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đầu tư trang thiết bị, nhân lực, sinh phẩm cho các phòng xét nghiệm đảm bảo xét nghiệm SAR-CoV-2 tại chỗ; sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khác thực hiện xét nghiệm;

Đà Nẵng sẽ xét nghiệm diện rộng toàn thành phố.

Đà Nẵng sẽ xét nghiệm diện rộng toàn thành phố.

Các đơn vị có đủ năng lực phải thực hiện xét nghiệm mà không chờ các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur đánh giá, thẩm định; Các phòng xét nghiệm đã được xác nhận đủ năng lực xét nghiệm khẳng định thì không cần gửi mẫu đến các phòng xét nghiệm khác để khẳng định lại trong trường hợp kết quả dương tính;… Đáng chú ý, Bộ Y tế chính thức đề nghị UBND các tỉnh, thành phố triển khai huy động các đơn vị y tế tư nhân đủ năng lực xét nghiệm phải tiến hành xét nghiệm SARS-CoV-2.

Với chỉ đạo trên, người dân được thở phào khi được tự đăng ký xét nghiệm tại các cơ sở y tế đủ điều kiện, tự bảo vệ bản thân và gia đình. Các cơ sở y tế, nhất là khối tư nhân cũng mau mắn chung tay với Chính phủ sau khi đã đầu tư trang thiết bị, chờ đợi để cung cấp dịch vụ (xét nghiệm Covid-19) cho người dân, bởi tất cả đều ý thức rõ: Để tới khi người bệnh nhập viện, có triệu chứng nặng rồi mới xét nghiệm thì nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng sao có thể đoán lường?

Đáng chú ý, ngày 1/8 vừa qua, UBND TP. Đà Nẵng - nơi đang là “tâm dịch” - đã ban hành văn bản phê duyệt phương án tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 diện rộng trên địa bàn. Theo đó, việc thực hiện xét nghiệm sớm đối với người bệnh, nhân viên y tế ở bệnh viện và người dân ở các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao hoặc có biểu hiện nghi ngờ (sốt, ho, khó thở…) để phát hiện sớm ca bệnh, cách ly kịp thời; giúp các cơ quan chuyên môn nhanh chóng có biện pháp triển khai kiểm soát khoanh vùng, dập dịch kịp thời, không để dịch lây lan trên địa bàn thành phố.

Việc xét nghiệm trên diện rộng sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền của và đầu tư, xét nghiệm tự nguyện sẽ tiêu tốn chi phí của chính người dân, nhưng nói như Umair Irfan - nhà báo của Vox.com: “Sẽ chẳng có biện pháp nào đơn giản và rẻ hơn”. Còn ông chủ của Amazon Jeff Bezos thì khẳng định: “Chỉ có xét nghiệm thường xuyên ở mức độ toàn cầu mới giữ cho dân chúng an toàn, nền kinh tế quay trở lại và bước tiếp!”

3. Chia sẻ với người viết, một chuyên gia y tế tại Pháp đánh giá tích cực về việc Việt Nam có phương án tổ chức xét nghiệm Covid-19 diện rộng, cho phép các cơ sở y tế cả công lập và ngoài công lập được tổ chức xét nghiệm Covid-19 theo yêu cầu. “Châu Âu đã khống chế được tình hình quá tải bệnh viện, đã thông biên giới EU, cuộc sống dần trở lại bình thường. Tuy nhiên các biện pháp tránh lây lan vẫn được áp dụng nghiêm ngặt. Covid-19 đã biến mất đâu. Chúng ta phải có kế hoạch và chấp nhận sự tồn tại của nó cho đến khi có vaccine”, vị này nói.

ttxvn_so_ca_nhiem_covid19_tai_duc_tang_hon_160_nguoi_4484016

Việt Nam thực tế không quá bất ngờ khi Covid-19 trở lại. Ngay trong thông điệp khi khôi phục lại nền kinh tế, Chính phủ đã đưa ra mục tiêu kép là vừa phải ưu tiên phòng, chống dịch vừa đồng thời phát triển kinh tế.

Mới đây, tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố về phòng chống dịch Covid-19 chiều 02/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các địa phương chưa giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 vẫn phải bảo đảm sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy nền kinh tế. “Lần này dịch ở cấp độ mới, sẽ diễn ra trên diện rộng nếu như không ngăn chặn có hiệu quả. Vì vậy, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi ngôi nhà, thôn, bản, xóm, làng, khu phố là một pháo đài chống dịch. Chúng ta cần phải bảo vệ chính mình, gia đình mình và địa phương mình cư trú”, Thủ tướng lưu ý.

Như chỉ đạo của Thủ tướng, muốn mỗi người dân là một “chiến sĩ chống Covid-19”, tự bảo vệ bản thân, gia đình, thì việc để cho họ chủ động xét nghiệm tự nguyên là vô cùng cấp bách. Dù muốn hay không thì việc xét nghiệm diện rộng cộng đồng, việc kêu gọi các cơ sở y tế tư nhân đủ năng lực xét nghiệm phải tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 là vũ khí quan trọng để khống chế dịch bệnh và không làm phương hại nặng nề tới các hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ, giảm tải cho khối y tế công và ngân sách nhà nước.

Việt Nam đã cấm các cơ sở y tế làm xét nghiệm Covid-19 theo yêu cầu trong suốt 4 tháng qua. Thì nay, khi dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, không thể nắm bắt nguồn lây nhiễm, thì việc “mở cửa” để người dân chủ động xét nghiệm theo yêu cầu, kêu gọi cả khối y tế tư nhân tham gia dẫu là muộn, nhưng còn hơn không.

Như các chuyên gia trên thế giới đã phân tích, chỉ có xét nghiệm diện rộng  mới là giải pháp hữu hiệu để phát hiện, cách ly người bệnh, khoanh vùng lây nhiễm, sớm dập dịch thành công và sớm đưa cuộc sống bình an trở lại.

Kiên Giang

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn