Xử lí vi phạm pháp luật về môi trường chưa đủ sức răn đe
(CLO) Báo cáo về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm của Chính phủ cho thấy, việc xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường chưa đủ sức răn đe, số vụ xử lý hình sự chưa nhiều so với số vi phạm phát hiện được.
Theo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm vẫn diễn ra phổ biến trên các lĩnh vực. Trong lĩnh vực công nghiệp, một số doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm các quy định của pháp luật về môi trường nhằm giảm chi phí, như: Không thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, không vận hành hoặc chỉ vận hành đối phó hệ thống xử lý nước thải, khí thải không đạt quy chuẩn ra môi trường; giao chất thải cho các tổ chức, cá nhân không có năng lực xử lý dẫn tới tình trạng chôn lấp, đổ trộm chất thải trái phép... khiến các lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai, Nhuệ - Đáy, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải... bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn tình trạng lạm dụng hóa chất công nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật trong nuôi trồng kéo theo tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại các sông, hồ, đồng ruộng, đe dọa thảm thực vật tự nhiên.

Tình trạng khai thác rừng trái phép đang xảy ra nghiêm trọng (ảnh st)
Tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản diễn ra ở nhiều địa phương, nhất là khai thác cát, sỏi lòng sông. Tình trạng khai thác rừng trái phép vẫn diễn ra nghiêm trọng, nhất là tại các khu vực Tây Nguyên.
Hoạt động mua bán, vận chuyển, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái pháp luật và chống lại lực lượng chức năng diễn ra ở nhiều nơi. Hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, quý hiếm có chiều hướng gia tăng, thậm chí diễn ra công khai trên mạng Internet.
Vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm vẫn diễn biến rất phức tạp, nhất là các hành vi sử dụng hóa chất bảo quản thực phẩm, sử dụng chất kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi nhưng chưa đủ thời gian cách ly an toàn khi đưa vào sử dụng, bơm tạp chất, chế biến gia súc, gia cầm bị nhiễm bệnh làm thực phẩm... dẫn đến xảy ra nhiều vụ ngộ độc tập thể tại Hà Giang, Hà Nội, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Lâm Đồng...
Đã phát hiện 25.256 vụ vi phạm pháp luật về môi trường (tăng 12,07%) với 3.093 tổ chức và 22.560 cá nhân vi phạm; cơ quan điều tra đã khởi tố 425 vụ, 432 bị can; xử lý hành chính 22.899 trường hợp, phạt trên 270,95 tỷ đồng.
Nhìn chung, việc xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường chưa đủ sức răn đe, số vụ xử lý hình sự chưa nhiều so với số vi phạm phát hiện được (chiếm 1,68%), nguyên nhân chủ yếu là một số tội danh về lĩnh vực môi trường khó xác định thiệt hại nên rất khó khăn trong xử lý.