Xử lý các dự án tồn đọng, vướng mắc kéo dài phải 'tôn trọng' hiện trạng, chịu sự mất mát
(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, vừa qua có nhiều dự án tồn đọng kéo dài nhưng với sự nỗ lực của Bộ Chính trị, của Quốc hội và của Chính phủ cho đến nay, 12 đại dự án tồn đọng, kéo dài cơ bản xin chủ trương xong của Bộ Chính trị. Việc xử lý các dự án tồn đọng, vướng mắc kéo dài phải 'tôn trọng' hiện trạng, chịu sự mất mát.
Chiều 12/11, tham gia chất vấn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng cho biết, vấn đề chống lãng phí là chủ đề được Đảng và Nhà nước đặt ra cấp bách hiện nay. Trong đó, việc xử lý các dự án chậm tiến độ là giải pháp quan trọng để chống lãng phí.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, thời gian qua, cử tri đánh giá cao sự quyết liệt, quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ qua việc xử lý các dự án tồn đọng, vướng mắc kéo dài nhiều năm ở Trung ương và các địa phương, trong đó có thành phố Đà Nẵng cũng như các tổ chức tín dụng yếu kém và đã có nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, còn một số dự án tồn đọng và tổ chức tín dụng yếu kém vẫn chưa được xử lý. Từ đó, Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết nguyên nhân, giải pháp, nhất là giải pháp về cơ chế và tiến độ trong thời gian tới như thế nào?

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo giải trình trước Quốc hội về kinh tế - xã hội.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, vừa qua có nhiều dự án tồn đọng kéo dài nhưng với sự nỗ lực của Bộ Chính trị, của Quốc hội và của Chính phủ cho đến nay, 12 đại dự án tồn đọng, kéo dài cơ bản xin chủ trương xong của Bộ Chính trị. "Sau khi rà soát, đánh giá, xin cơ chế, chính sách và Bộ Chính trị đã đồng ý. Trên cơ sở đó Chính phủ đang thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Còn việc nào vượt nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ thì Chính phủ sẽ báo cáo với Quốc hội, xin ý kiến Quốc hội", Thủ tướng nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết, trên cơ sở đó phải rà soát lại xem còn các dự án nào tương tự như thế, xử lý luôn trên tinh thần tôn trọng hiện trạng, chụp lại hiện trạng còn đâu đã thất thoát, đã mất mát, ai vi phạm đã xử lý. "Nhưng bây giờ nếu theo pháp luật rõ ràng đang vướng, chúng ta phải tiếp tục tháo gỡ vướng mắc của pháp luật. Thuộc thẩm quyền của Chính phủ Chính phủ sẽ xử lý, thẩm quyền Quốc hội sẽ xin Quốc hội. Theo hướng như vậy chúng ta sẽ xử lý được", Thủ tướng nêu rõ.
Cũng theo Thủ tướng, với tinh thần như trên đã xử lý 12 dự án và xử lý kể cả đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Trung tâm nhiệt điện Ô Môn, mỏ khí Lô B cũng hơn 20 năm, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình, v.v.. "Trên cơ sở đó thì cơ bản nhất là phải tôn trọng thực tại và phải tôn trọng cái đã vỡ rồi thì không thể lành được, ta phải chịu sự mất mát đó, có hàn gắn lại thì nó cũng thành sẹo. Nguyên tắc là như thế", Thủ tướng nhắc lại và cho biết, từ đó thì cho các cơ chế, chính sách để mà xử lý, còn thẩm quyền của ai thì người đó phải làm.
Thủ tướng cũng cho biết thêm, về ngân hàng, có 4 ngân hàng vừa rồi đã chuyển giao bắt buộc xong 2 ngân hàng còn 2 ngân hàng thì đang làm. Còn một ngân hàng lớn nữa là SCB thì tinh thần chỉ đạo là làm sao cho an toàn hệ thống, phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, kiểm soát chặt chẽ tài sản không để cho thất thoát, có lộ trình thực hiện phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng.
Trước đó, báo cáo giải trình về kinh tế - xã hội trước Quốc hội trong đó về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, công tác này còn nhiều tồn tại, hạn chế và nguyên nhân là do: Có tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết và còn mâu thuẫn, chồng chéo dẫn đến lãng phí nguồn lực.
Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính ở một số dự án còn chưa nghiêm. Sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chậm; tình trạng lãng phí về thời gian, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản chậm được khắc phục. Thủ tục hành chính còn rườm rà. Việc sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm chi phí thường xuyên, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn chậm…
Có nguyên nhân do một số quy định pháp lý, hiện tượng buông lỏng quản lý, tổ chức thực hiện còn bất cập, chưa theo kịp thực tiễn và yêu cầu phát triển; chưa quyết liệt, kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh; trình độ, năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế; sự phối hợp giữa các cơ quan còn chưa chặt chẽ, gây chậm trễ, kéo dài; nhận thức và văn hóa về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chưa đầy đủ, toàn diện…
Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội nêu cụ thể 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí; 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ; 19 dự án chậm triển khai, có khó khăn, vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí và trên 1.250 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng giai đoạn 2016-2021. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo tiếp tục rà soát các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, lãng phí.