Xử lý người tham gia giao thông uống rượu bia: Tránh tình trạng để ‘nhờn’ luật

15/12/2021 16:43

(CLO) Ðể ngăn chặn tình trạng người tham gia giao thông uống rượu bia, các cơ quan chức năng bên cạnh các biện pháp tuyên truyền, cần áp dụng các biện pháp chế tài xử lý nghiêm, tránh tình trạng để “nhờn” luật.

Thói quen khó bỏ

Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu, bia. Ước tính mỗi năm, chi phí tiêu thụ rượu bia của cả nước khoảng 3,4 tỷ USD.

Rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra đều bắt nguồn từ bia rượu. Theo một khảo sát của Ủy ban ATGT quốc gia và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện tại 10 địa phương năm 2020 cho thấy, tỷ lệ các vụ tai nạn giao thông do rượu bia chiếm khoảng 40%.

Một thống kê khác cho thấy, mỗi năm nước ta có khoảng 18.000 nạn nhân nhập viện do tai nạn giao thông trong đó có 36,9%  ca tai nạn giao thông liên quan đến bia rượu, 36% số người lái xe máy có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép, 66,8% số lái ô tô vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện và 11% số người tử vong do tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia…

xu ly nguoi tham gia giao thong uong ruou bia tranh tinh trang de nhon luat hinh 1

Những dịp lễ Tết, tình trạng sử dụng rượu bia lại tăng vọt, kéo theo nguy cơ tai nạn giao thông tăng cao. Ảnh minh họa

Mặc dù quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn đã được đưa vào Luật Giao thông đường bộ, tuy nhiên, việc tuyên truyền, phòng, chống vi phạm nồng độ cồn còn chưa hiệu quả do thói quen uống rượu bia của người dân khá phổ biến, chén rượu được coi là một phần không thể thiếu trong văn hóa và đời sống của người dân. Những dịp lễ Tết, tình trạng sử dụng rượu bia lại tăng vọt, kéo theo nguy cơ tai nạn giao thông tăng theo, gây ra nhiều hệ lụy phức tạp.

Bên cạnh đó ý thức của người tham gia giao thông còn chưa cao, việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông vẫn còn phổ biến… chính vì vậy mà việc tuyên truyền giảm bớt sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi người tham giao thông phải tự ý thức được những mối nguy hiểm với họ và những người xung quanh khi sử dụng rượu bia mà tham gia giao thông.

Tình trạng sử dụng rượu, bia có dấu hiệu gia tăng trở lại

Thực tế cho thấy, sau khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, tại nhiều các địa phương, việc chấp hành luật được người dân thực hiện khá nghiêm túc. Nhất là trong thời kỳ dịch bệnh, giãn cách xã hội, việc sử dụng rượu bia tại các hàng quán, nơi công cộng gần như không còn.

Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, tình trạng sử dụng rượu, bia đang có những dấu hiệu gia tăng trở lại. Không chỉ tại các đô thị lớn, hình ảnh các quán "nhậu" hoạt động rôm rả, thu hút đông đảo khách hàng sử dụng rượu, bia có thể bắt gặp ở bất cứ đâu. Đáng lo ngại là một bộ phận khách sử dụng bia rượu quá nhiều, trong thời gian dài, không chỉ gây mất an ninh trật tự mà còn tiềm ẩn nguy cơ về tai nạn giao thông đối với chính người sử dụng rượu, bia.

Theo quy định của pháp luật, các cá nhân lái xe gây tai nạn khi đã uống rượu, bia, tùy mức độ có thể bị phạt tù đến 15 năm, phạt hành chính ở mức cao và bị tước giấy phép lái xe. Sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông cũng là tình tiết tăng nặng đối với lái xe gây tai nạn.

Chế tài đã có và rất nghiêm khắc, thế nhưng, trước những cuộc vui, sự kiện hằng ngày, nhiều người vẫn bất chấp. Nhiều người sử dụng rượu, bia gây ra tai nạn dẫn đến chết người đã phải nhận những bản án nghiêm minh, có tính răn đe. Tai nạn giao thông do sử dụng quá mức về rượu, bia cũng để lại nhiều hậu quả rất lớn về mặt xã hội, kinh tế.

Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, tỷ lệ công dân tự điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia chiếm 68%, trong đó khoảng 40% người say rượu, bia vẫn tiếp tục lái xe.

Dịp cuối năm, lễ, Tết mỗi người đều có rất nhiều lý do để sử dụng rượu, bia. Vì thế, để giảm bớt tình trạng này, nhất là kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa các nguy cơ về tai nạn giao thông, các cơ quan chức năng cần quyết liệt triển khai các biện pháp về kiểm tra, xử lý và xử phạt thật nặng để bảo đảm tính răn đe.

Các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100-NÐ/CP của Chính phủ triển khai đã đáp ứng đúng đòi hỏi của tình hình và nguyện vọng của người dân về ngăn chặn, đẩy lùi tác hại của rượu, bia đối với đời sống xã hội, qua đó bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Ðể sử dụng rượu, bia trở thành nếp văn hóa lành mạnh, phù hợp cuộc sống, các cơ quan chức năng bên cạnh áp dụng các biện pháp chế tài xử lý nghiêm, cần triển khai đồng bộ, kiên trì và hiệu quả các biện pháp tuyên truyền. Theo từng đối tượng, các giải pháp cần có những cách làm khác nhau, phù hợp. Ðối với giới trẻ là học sinh, sinh viên cần tuyên truyền cụ thể tác hại của rượu, bia ảnh hưởng đến sức khỏe và trách nhiệm đối với cộng đồng khi tham gia giao thông. Ðối với người lớn, có thể đánh mạnh vào túi tiền của họ để khiến họ phải cân nhắc trước khi quyết định uống rượu, bia.

Các cơ quan chức năng cũng cần quyết liệt hơn với loại hàng hóa này, nhất là siết chặt công tác quản lý kinh doanh, buôn bán để hạn chế đối tượng tiếp cận. Đồng thời, công tác này cần được triển khai đồng bộ, kiên trì mới tạo được hiệu quả. Thực tế cho thấy, nhiều chủ trương, quy định dù rất thiết thực, có giá trị thực tiễn cao nhưng khi triển khai chỉ thực hiện theo đợt, phong trào dẫn đến hiệu quả thấp, dễ bị "chìm" bởi những thói quen xấu của một bộ phận người dân.

Minh Lý

    Nổi bật
        Mới nhất
        Xử lý người tham gia giao thông uống rượu bia: Tránh tình trạng để ‘nhờn’ luật
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO