(CLO) Nợ xấu được ví như “khối u”, “ung nhọt” của nền kinh tế cần phải được xử lí kịp thời và triệt để. Tuy nhiên, hiện các ngân hàng Việt Nam vẫn đang kỳ vọng tự mình có thể giải quyết được khi thị trường hồi phục và mọi chuyện sẽ qua đi nên vẫn chưa có những biện pháp quyết liệt trong xử lý nợ xấu.
Nhiều vấn đề lo ngại
Theo báo cáo của các ngân hàng (NH) vừa công bố mới đây cho thấy tình trạng nợ xấu rất đáng lo ngại. Đáng báo động là các khoản nợ có khả năng mất vốn lại tăng, chiếm tới khoảng 48% tổng dư nợ, tức là chỉ tính riêng với nhóm các ngân hàng niêm yết, con số đã lên tới hơn 14.000 tỷ đồng.
Đây không phải là điều bất ngờ khi kinh tế vĩ mô còn trì trệ, nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn gặp khó khăn, không bán được hàng nên khó trả nợ vay đúng hạn. Bên cạnh đó, một số NH vẫn chưa kiểm soát tốt các khoản cho vay khi chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Điều này cũng khiến bức tranh nợ xấu của hệ thống NH vẫn còn là màu xám.
Giải quyết triệt để, tăng hiệu quả thu hồi vốn từ các khoản nợ xấu hiện nay không chỉ chờ vào cơ quan chức năng, hay vai trò của Công ty Quản lý và Khai thác tài sản Việt Nam (VAMC) hoặc sự nỗ lực của chính các NH thương mại. Bởi tốc độ xử lý nợ xấu của VAMC phụ thuộc vào các yếu tố: sự ổn định kinh tế vĩ mô, chu kỳ phục hồi thị trường bất động sản. Quan trọng hơn cả là phải vượt qua những điểm nghẽn để giúp cho VAMC cùng các NH xử lý nợ xấu hiệu quả như: tỉ lệ triết khấu trái phiếu đặc biệt mà VAMC trả cho các NH thương mại khi mua nợ xấu; cơ chế thị trường để đấu giá các khoản nợ; việc thi hành án chậm do các khoản vay liên quan đến nhiều tổ chức tín dụng, tài sản chưa được xác minh,....
[caption id="attachment_50747" align="aligncenter" width="500"]
Hiện các ngân hàng vẫn chưa có những biện pháp quyết liệt trong xử lý nợ xấu. (Ảnh nguồn: Internet)[/caption]
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch VAMC cho biết kết quả hoạt động lũy kế đến nay, có 39 tổ chức tín dụng (TCTD) bán nợ cho VAMC với 15.257 khách hàng. Số lượng khoản nợ lên tới 23.206 tỷ đồng. Tổng dư nợ gốc đạt 224.869 tỷ đồng, tổng giá mua là 190.807 tỷ đồng. Sau khi phối kết hợp với TCTD, có nhiều khách hàng rất có thiện chí, chủ động có phương án trả nợ kèm theo xin miễn giảm lãi phạt. Nhờ vậy, năm 2015 kết quả thu hồi nợ đạt 9.827 tỷ đồng.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, từ năm 2012 đến hết tháng 8/2015, hệ thống ngân hàng đã xử lý được 424,14 nghìn tỷ đồng nợ xấu (tương đương 91,2% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9/2012). Trong đó, xử lý nợ xấu qua Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chiếm 41,3%. Còn lại do các tổ chức tín dụng tự xử lý bằng nhiều biện pháp khác nhau như đôn đốc khách hàng trả nợ, sử dụng dự phòng rủi ro, phát mại tài sản đảm bảo, chuyển nợ thành vốn góp. Nhờ đó, tỷ lệ nợ xấu từ mức 4,93% vào thời điểm tháng 9/2012 đến tháng 8/2015 chỉ còn 3,21%. “Dự kiến tỷ lệ nợ xấu vào cuối năm 2015 sẽ ở mức dưới 3% theo đúng mục tiêu đã đề ra”, Phó Thống đốc NHNN khẳng định
Tuy nhiên, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Mặc dù chúng ta giam nợ xấu lại nhưng đó chỉ là bãi đậu tạm thời của nợ xấu. Không phủ nhận nỗ lực của các ngân hàng, của VAMC, của NHNN nhưng nếu 5 năm tới, 7 năm tới không xử lý dứt điểm thì nó lại trở về các ngân hàng”, ông Hiếu nói. Lãnh đạo NHNN cũng thừa nhận, thời điểm vừa qua, việc mua nợ xấu của VAMC “không có con đường nào khác là mua về để đấy đã”.
Gánh nặng đè lên vai VAMC
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch VAMC cho biết, năm 2016, khi tỷ lệ nợ xấu về dưới 3%, VAMC sẽ phải tập trung xử lý khoản nợ và mua nợ theo giá thị trường với các khoản nợ xấu mới phát sinh, hạn chế việc mua nợ xấu bằng phát hành trái phiếu đặc biệt trong bối cảnh rất khó khăn khi không đủ vốn, không có đủ cơ chế.
Ông Hùng chỉ ra khó khăn vướng mắc trong xử lý nợ như về cơ cấu nợ, TCTD không đồng ý cho DN miễn giảm lãi trong trường hợp tài sản bảo đảm có giá trị lớn; quá trình phát mại tài sản thông qua đấu giá mất nhiều thời gian trong khi đó khách hàng không đồng ý bàn giao tài sản; bên bảo đảm không hợp tác trong vấn đề thỏa thuận giá khởi điểm hoặc thuê tổ chức định giá… dẫn đến VAMC, TCTD không thể xử lý để thu hồi nợ. Bên cạnh đó, quá trình thu hồi nợ cũng có nhiều rắc rối khi VAMC không có quyền chủ động xử lý những khoản nợ xấu mua bằng TPĐB, không có nhiều vai trò định đoạt tái sản bảo đảm các khoản nợ xấu đã mua.
Ông Hùng chỉ ra định hướng, năm 2016, VAMC dứt khoát mua bán theo giá thị trường; phân loại và xử lý các khoản nợ đã mua bằng trái phiếu đặc biệt; đấu giá, phát mại tài sản theo Thông tư 18; góp vốn, chuyển nợ thành vốn góp để tái cấu trúc lại DN; cơ cấu các khoản nợ có khả năng phục hồi, triển khai nghiệp vụ bão lãnh cho khách hàng được vay vốn tại các TCTD; đầu tư nâng cấp cho thuê tài sản; tham gia tái cấu trúc TCTD.
" Với cơ chế như hiện nay khó có thể xử lý hết được nợ bởi chưa có thị trường mua bán nợ. Đối tượng được mua bán nợ bị hạn chế theo các quy định của pháp luật. VAMC mua nợ xấu của các TCTD nhưng không thể bán được nợ cho bên thứ ba nếu không có giấy phép kinh doanh về ngành nghề mua bán nợ" - ông Hùng nhấn mạnh.
Thanh Tân (TH)