(CLO) Sau 06 tháng đầu năm 2016, các ngân hàng đồng loạt đưa ra các báo cáo tài chính hợp nhất công bố kết quả hoạt động kinh doanh trong đó có báo cáo về tình hình nợ xấu. Điểm đáng chú ý là việc xử lý nợ xấu không có chuyển biến tích cực. Và những tháng cuối năm vấn đề nợ xấu lại bước vào giai đoạn "nóng"
[caption id="attachment_113048" align="aligncenter" width="600"]
Nợ xấu của 3 ngân hàng thương mại lớn đều gia tăng trong nừa đầu năm 2016, chỉ riêng có Techcombank là có tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,03% xuống 1,87% - Ảnh minh họa[/caption]
Mới đây, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã công bố báo cáo cho thấy, nợ xấu của ngân hàng này đã tăng mạnh trong nửa đầu năm nay, lên thêm đến 3.000 tỷ đồng, lên tới 13.183,84 tỷ đồng so với mức 10.053,68 tỷ đồng cuối 2015.
Tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), tỷ lệ nợ xấu cũng tăng từ 1,86% cuối 2015 lên tới 5,3% cuối quý 2/2016.
Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), thuộc khối ngân hàng thương mại cổ phần không có tỷ lệ sở hữu Nhà nước cũng công bố tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh trong nửa đầu năm nay lên 2,83% so với mức 1,85% cuối 2015.
Đánh giá chung về tình hình nợ xấu tại một số ngân hàng, có thể thấy, tỷ lệ nợ xấu không tăng mạnh mà chỉ tăng ở giá trị tuyệt đối. Bởi hầu hết các ngân hàng đều “báo lãi” về tình hình kinh doanh trong nửa đầu năm 2016, đặc biệt là tăng trưởng tín dụng đều đạt mức khá.
Tuy nhiên, nếu tín dụng tăng trưởng mà không có những cơ chế, chính sách điều chỉnh phù hợp thì sẽ dẫn đến tình trạng tăng trưởng “nóng”, đây là nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến cơ cấu nợ xấu trong tương lai.
Trong thời gian dài vừa qua, xử lý nợ xấu đã được Chính phủ và các cơ quan liên quan khẳng định là vấn đề cần nhanh chóng được giải quyết. Nhiều văn bản, chỉ đạo về vấn đề này đã được đề ra đơn cử như phương án xây dựng “sàn” mua bán nợ xấu để tiến hành dựa trên nhu cầu thị trường.
Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Thị Mùi - chuyên gia tài chính – ngân hàng, việc Chính phủ cho phép thành lập Công ty Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC) với chế tài đủ mạnh buộc các TCTD từng bước lộ diện nợ xấu của các ngân hàng, giúp thị trường minh bạch hơn, “nút thắt” nợ xấu từ đó cũng được giải quyết phần nào, nguồn vốn tín dụng tiếp tục đến được nền kinh tế nhiều hơn.
Bên cạnh đó, cái được lớn chính là bằng cơ chế chính sách về hoạt động ngân hàng nói chung và tín dụng nói riêng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cùng với việc hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) tự xử lý bằng nhiều biện pháp quyết liệt, nợ xấu tồn tại hàng chục năm nay đã được lộ diện, đưa xuống mức dưới 3% vào cuối năm 2015.
Tuy nhiên, bà Mùi cũng cho rằng, tiến trình xử lý còn quá chậm khiến một lượng vốn (dưới dạng nợ xấu) không quay vòng được, chi phí vốn của các ngân hàng tăng lên. “Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các ngân hàng thương mại khó hạ lãi suất cho vay”, bà Mùi nhận định thêm.
Tại buổi Tọa đàm giải quyết các tranh chấp tín dụng tại toà án và xử lý tài sản đảm bảo (TSBĐ) do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Tòa án Nhân dân tối cao và IFC phối hợp tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội, nhiều các chuyên gia đã đánh giá, dù có nhiều kiến nghị về việc phải thay đổi hành lang pháp lý để thay đổi cách thức xử lý nợ xấu nhưng tình hình chưa có nhiều biến chuyển tích cực.
Đơn cử như xử lý TSBĐ không hề được hỗ trợ cả về luật hay từ các cơ quan chức năng liên quan. Quy định ở các bộ luật về vấn đề này đều chung chung, khiến cho người thực hiện cảm giác không yên tâm, liệu có đúng theo quy định hay không, chưa kể có quy định đang đi ngược nguyên lý thị trường.
Bên cạnh dó, pháp luật Việt Nam lại đi bảo vệ quyền con nợ thay vì bảo vệ quyền chủ nợ. Đây cũng là điều được chuyên gia – TS. Nguyễn Trí Hiếu đề cập và phản ánh rất nhiều lần khi được hỏi về vấn đề này.
Về công cụ xử lý thì nợ xấu của các ngân hàng hiện nay hầu như đều chỉ được bán cho VAMC nhưng quá trình xử lý của VAMC lại vướng vào vấn đề xử lý TSBĐ. Vì luật không cụ thể nên quá trình vận hành của VAMC cũng trở nên khó khăn hơn.
Chính những điều này khiến nợ xấu chỉ giảm về tỷ lệ nhưng giá trị tuyệt đối thì không mấy suy chuyển. Các ngân hàng cũng không thể cứ bán mãi nợ xấu cho VAMC vì VAMC không thể mãi là “cái thùng không đáy”.
Bởi lẽ, nếu tổng lượng đã mua quá lớn so với tỷ lệ đã xử lý được mà vẫn càng gia tăng mua thêm thì tỷ lệ xử lý được càng trở nên nhỏ bé, càng hạn chế trong thể hiện hiệu quả của VAMC. Và VAMC chỉ có thể tiến hành mua bán thêm nợ xấu mới khi những nợ xấu kia đã được xử lý xong.
Sau nửa đầu năm 2016, ngoài những điểm sáng trong tình hình kinh doanh của các ngân hàng thì những mảng xám cũng đã cho thấy một vấn đề: phải nhanh chóng đẩy mạnh một công cuộc “cải cách” quá trình xử lý nợ xấu, tạo một hàng lang pháp lý hoàn chỉnh, cụ thể hơn để các ngân hàng và cả VAMC có thể dễ dàng “gỡ rối” vấn đề hóc búa này cho hệ thống ngân hàng.
Quỳnh Liên