(CLO) Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD) (tháng 9/2016), tổng số nợ xấu nội bảng của các TCTD, bao gồm cả nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) vào khoảng 400.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 5,8%/tổng dư nợ. Nhiều chuyên gia nhận định, số lượng nợ xấu lớn như vậy đe dọa không chỉ an ninh tiền tệ quốc gia mà toàn bộ hệ thống tài chính.
[caption id="attachment_164881" align="aligncenter" width="660"]
Nhìn chung, việc xử lý nợ xấu của hệ thống các ngân hàng thương mại bước đầu đã đạt được kết quả khả quan, nhưng pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm còn nhiều bất cập. (Ảnh internet)[/caption]
Nợ xấu đến từ đâu?
Báo cáo của các TCTD cho thấy, năm 2012, nợ xấu lên đến 17,4% tổng dư nợ tín dụng. Sau thời gian nỗ lực xử lý - trong đó có các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ, phát mại tài sản, thu hồi nợ từ thi hành án... - đến nay, nợ xấu đã giảm khoảng một nửa.
Tính đến tháng 1-2017, các tổ chức tín dụng đã xử lý được 616.700 tỉ đồng, trong đó nợ xấu tự xử lý là 349.700 tỉ đồng, chiếm 56,7% tổng nợ xấu được xử lý, còn lại là bán nợ cho các tổ chức, cá nhân khác. Theo đó, tỉ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 3-2017 giảm xuống còn 2,56% tổng dư nợ tín dụng, tính cả khối lượng đã bán cho Công ty Quản lý tài sản là 5,81%.
Tại Hội thảo “Xử lý nợ xấu nhìn từ góc độ chính sách và pháp luật”, TS Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết: Nợ xấu dù được xử lý rốt ráo nhưng vẫn là lực cản lớn trong sự phát triển của các tổ chức tín dụng và nền kinh tế.
[su_column][su_note note_color="#f1f0f2" text_color="#0d0f0d"]"Nợ xấu có thể ví giống như sản phẩm tồn đọng, như hàng hoá khuyết tật, như đồ dùng quá hạn, như thời trang lỗi mốt. Vì vậy, yêu cầu cấp thiết là phải giải quyết thanh lý, hạ giá, giải toả càng nhanh càng tốt. Vậy mà thanh lý không được, hạ giá không xong, giải toả không nổi do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự trở ngại, khó khăn, vướng mắc, bế tắc pháp lý" - Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO.[/su_note][/su_column]
Trả lời câu hỏi nợ xấu đến từ đâu?, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam dẫn giải: Nếu khách trả được nợ thì làm gì có nợ xấu. Các quốc gia phát triển thì nợ xấu thấp. Các quốc gia kinh tế vĩ mô có vấn đề thì nợ xấu cao. Việt Nam trong 10 năm qua được đánh giá là nền kinh tế khó khăn nhất, hàng nghìn doanh nghiệp phá sản thì gây ra nợ xấu.
Còn theo đánh giá của TS.Lê Xuân Nghĩa, việc xử lý nợ xấu và tái cấu trúc ngân hàng đang là vấn đề cấp bách nhất hiện nay. Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại và VAMC thì tổng số nợ xấu chưa được xử lý vào khoảng 450 đến 500 nghìn tỷ đồng, tương đương với khoảng 20 đến 25 tỷ USD. Điều đáng quan ngại là số nợ xấu này tập trung vào một số ngân hàng yếu kém đang trong quá trình tái cơ cấu, với nguồn vốn bổ sung rất hạn chế.
Nguyên nhân dẫn đến tình hình nợ xấu hoành hành cũng không thể không nhắc đến cơ chế, chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu chưa hoàn thiện, quy định của pháp luật đối với việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ còn nhiều bất cập, chưa bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp, chính đáng của các TCTD, làm hạn chế hiệu quả của việc xử lý nợ xấu.
Điểm mới trong xử lý nợ xấu còn gây tranh cãi
Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc Hội cho biết bốn điểm mới của Nghị quyết xử lý nợ xấu đang trình Quốc hội bao gồm:
Thứ nhất, Nghị quyết có điểm bắt đầu và kết thúc. Theo đó, việc đề ra và xử lý nợ xấu sẽ được giới hạn trong một khoảng thời gian nhất định, tránh tạo tâm lý ỷ lại cho các bên có liên quan.
Thứ hai, không phân biệt đối xử theo thành phần sở hữu của các TCTD. Nghị quyết sẽ được áp dụng đồng bộ đối với tất cả các TCTD hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt là ngân hàng quốc doanh, cổ phần hay có vốn đầu tư nước ngoài.
Thứ ba, giới hạn thời gian xử lý nợ xấu. Theo đó, giới hạn các khoản nợ xấu được đưa ra xử lý tất cả các khoản nợ phát sinh trước ngày 31/12/2016.
Thứ tư, quy trình xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) không trái Hiến pháp, không xung đột với Luật khác. Đối với TSBĐ mà chủ tài sản đồng ý giao lại TCTD thì việc thực hiện theo thoả thuận trong hợp đồng kinh tế hai bên. Nếu chủ tài sản không đồng ý sẽ xử lý tại Toà án theo quy trình rút gọn, mọi chi phí phát sinh sẽ do chính họ chi trả.
Ông Kiên cũng nêu rõ quan điểm của Quốc hội trong việc ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu lần này là: không sử dụng ngân sách nhà nước; không thực hiện trái với Hiến pháp (2013); có hiệu lưc thi hành ngay chứ không cần phải sau 6 tháng đăng công báo; áp dụng nguyên tắc thị trường trong việc xử lý tài sản và không loại trừ trách nhiệm của cá nhân vi phạm tạo ra nợ xấu.
Ông Nguyễn Đức Hưởng - Cố vấn cấp cao của LienVietPostBank cho biết, trong bốn điểm mới ông Kiên đưa ra có hai điểm sẽ khiến Nghị quyết mới thành... cũ. Đó là phạm vi dự thảo Nghị quyết phân khúc xử lý nợ từ 31/12/2016 trở về trước và quyền thu giữ tài sản chia làm hai bước.
"Còn sản xuất hàng hoá, kinh tế còn phát triển, đồ thị chu kỳ phát triển kinh tế là lăng kính phản ánh nợ xấu. Điều này có nghĩa là nợ xấu sẽ không ngừng phát sinh trong khi Nghị quyết là tạm thời sẽ không xuyên suốt". Như vậy muốn thực sử xử lý được nợ xấu, cần phải sửa đổi Luật để có thể áp dụng trong một khoản thời gian dài về sau, tháo gỡ triệt để tận gốc của vấn đề", ông Hưởng nhấn mạnh
Đối với hai trường hợp trong xử lý nợ xấu, ông Hưởng cho rằng nếu quy định có trường hợp "Nếu chủ TSBĐ không đồng thuận thì trình ra toà án để xử lý theo hồ sơ rút gọn" thì không khác gì so với trước đây. Đứng trên góc độ người mang nợ xấu thì chắc chắn sẽ chọn phương án này. Ngân hàng đã đứng để cho vay nhưng lại quỳ để thu nợ.
Đồng quan điểm, ông Đoàn Thái Sơn - Vụ Trưởng Vụ pháp chế NHNN cũng cho rằng, việc giới hạn khối lượng xử lý nợ chỉ đến 31/12/2016 là bất hợp lý. Điều này làm cho khối lượng nợ xấu xử lý bị hạn chế và tạo ra cơ chế không đồng bộ trong việc xử lý các khoản nợ phát sinh trước và sau thời gian Nghị quyết ban hành.
Bảo Quyên