(CLO) Hiện cả nước có hơn 13 nghìn cơ sở y tế các loại từ trung ương đến địa phương bao gồm: Cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở y tế dự phòng, cơ sở đào tạo, nghiên cứu và trạm y tế xã, phường, thị trấn. Vấn đề xử lý rác thải y tế là vấn đề luôn nóng nhưng đến nay nhiều đơn vị chưa quan tâm và đầu tư đúng mức, cân xứng với sự nguy hại của nó.
Gần 40% BV chưa có hệ thống xử lý nước thải đạt yêu cầu
Theo số liệu của Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế), cả nước hiện nay có 94,3% bệnh viện tuyến trung ương, 92% bệnh viện tuyến tỉnh và 82% bệnh viện tuyến huyện thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại đúng quy định. Có trên 60% bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải y tế đạt yêu cầu. Các cơ sở y tế đều đã có hệ thống thu gom, xử lý nước thải y tế từ đơn giản đến hệ thống xử lý nước thải quy mô nhưng nhiều hệ thống đã quá tải, xuống cấp hoặc chưa đạt yêu cầu.
[caption id="attachment_135224" align="aligncenter" width="640"]
Hiện trường vụ chôn rác thải cuả BVĐK Hà Bắc (Hòa Bình) bị cơ quan chức năng phát hiện và tạm thời bị phong tỏa, chờ cơ quan chức năng giải quyết. Ảnh: Xuân Tuấn.[/caption]
Như vậy, có tới gần 40% bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải chưa đạt yêu cầu và trên dưới 10% bệnh viện các tuyến từ Trung ương đến địa phương thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại không đúng quy định sẽ được thải ra ngoài môi trường mà ngày ngày cộng đồng đang phải gánh chịu những hậu quả về ô nhiễm môi trường không khí, nước,…là tác nhân góp phần gây ra bệnh tật.
Đó là chưa kể đến việc một số cơ sở y tế đã lén lún tiêu hủy rác thải y tế rắn bằng nhiều cách như: Bệnh viện Đa khoa Đà Bắc (Hòa Bình) đã tự chôn lấp chất thải rắn y tế tại khuôn viên bệnh viện. Hay hơn 10 tấn rác thải y tế chưa qua phân loại được chất thành “núi” tại bãi rác giữa xã Văn Môn, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) được lực lượng chức năng tỉnh Bắc Ninh xác định của Công ty TNHH Bảo Ngọc – một đơn vị chuyên thu gom rác thải y tế trên địa bàn.
Quản lý như thế nào?
Trao đổi với phóng viên về công tác quản lý chất thải y tế thời gian qua, bà Nguyễn Thị Liên Hương – Cục Trưởng cục Quản lý môi trường Y tế (Bộ Y tế) cho hay: Từ năm 2011 đến nay, hàng năm, Bộ Y tế đều tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Cảnh sát môi trường và địa phương để kiểm tra công tác quản lý chất thải y tế tại các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị có vi phạm chấn chỉnh, khắc phục ngay những vấn đề còn tồn tại trong công tác quản lý chất thải y tế và báo cáo kết quả khắc phục về Bộ Y tế.
Nguyên nhân dẫn đến một số cơ sở y tế chưa thực hiện tốt công tác quản lý chất thải y tế là do: Các cơ sở y tế thiếu kinh phí để đầu tư, xử lý chất thải y tế đạt yêu cầu; công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng địa phương chưa được thực hiện thường xuyên; Lãnh đạo các cơ sở y tế và chủ cơ sở vận chuyển, xử lý chất thải y tế bên ngoài cơ sở y tế chưa nghiêm túc thực hiện Luật BVMT; cán bộ y tế chưa nâng cao ý thức về quản lý chất thải y tế; người bệnh, người nhà người bệnh chưa được phổ biến, hướng dẫn về phân loại đúng chất thải y tế.
Để quản lý tốt vấn đề này, theo bà Hương, một trong những biện pháp tốt nhất là cần tiếp tục rà soát, xây dựng và hoàn thiện các văn bản, chính sách liên quan về quản lý chất thải y tế. Phải xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật về xử lý chất thải y tế phù hợp với từng loại hình cơ sở y tế. Huy động nguồn lực tài chính để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế, đặc biệt là nguồn lực xã hội hóa nhằm giảm ngân sách Nhà nước.
Trên đây chỉ là số liệu thống kê của các đơn vị y tế công lập nhưng đã hết sức quan ngại. Quản lý y tế công lập đã khó, quản lý y tế tư nhân còn khó hơn nhiều. Điều này, là hoàn toàn tất yếu.
"Xử lý rác thải y tế không hẳn là nhiệm vụ riêng của bệnh viện, của ngành y tế mà còn là nhiệm vụ chung của người bệnh, người nhà bệnh nhân, của toàn xã hội. Toàn xã hội cần một cái “bắt tay” chặt vì môi trường mà mỗi cá nhân chính là người trực tiếp thụ hưởng", bà Hương nhấn mạnh.
Phương Linh