Xuân Thiện: Hiệu quả vốn thấp, máy móc cầm cố, vẫn muốn khảo sát đầu tư dự án Tổ hợp lọc dầu Kim Sơn

13/02/2023 10:13

(CLO) Dù có hiệu quả sử dụng vốn rất thấp, máy móc bị mang đi cầm cố nhưng Tập đoàn Xuân Thiện vẫn muốn khảo sát đầu tư dự án Tổ hợp lọc dầu Kim Sơn có quy mô hàng ngàn ha.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuân Thiện đề nghị được khảo sát đầu tư dự án Tổ hợp lọc dầu Kim Sơn tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình với 3 giai đoạn từ năm 2025 - 2040, công suất 3 triệu tấn dầu thô/năm.

Vị trí khảo sát đầu tư tại vùng ven biển và khu vực biển huyện Kim Sơn có quy mô 1.500 ha đất liền và 1.000 ha mặt nước. Giá trị khảo sát dự kiến là 300 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư dự án được tính toán cụ thể sau khi có kết quả khảo sát.

Tập đoàn Xuân Thiện cam kết, mọi chi phí khảo sát do Tập đoàn chịu trách nhiệm và không có bất kỳ khiếu nại gì nếu trong trường hợp sau này dự án không được chấp thuận chủ trương đầu tư…

Công ty cũng đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình đưa dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Kim Sơn vào quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm căn cứ để triển khai các bước tiếp theo.

xuan thien hieu qua von thap may moc cam co van muon khao sat dau tu du an to hop loc dau kim son hinh 1

Dù có hiệu quả sử dụng vốn rất thấp, máy móc bị mang đi cầm cố nhưng Tập đoàn Xuân Thiện vẫn muốn khảo sát đầu tư dự án Tổ hợp lọc dầu Kim Sơn có quy mô hàng ngàn ha. Ảnh minh họa

Thương vụ thâu tóm của Xuân Thiện Ninh Bình và ông Nguyễn Văn Thiện

Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Thiện thành lập ngày 11/11/2015 với ngành nghề kinh doanh chính là “Sản xuất, truyền tải và phân phối điện”. Thời gian đầu, Công ty cổ phần Tập đoàn Tập đoàn Xuân Thiện có tên Công ty TNHH Năng lượng Sơn La, đăng ký kinh doanh tại Sơn La.

Tới ngày 23/8/2021, công ty mới chuyển về Tòa nhà Xuân Thiện, Khu đô thị Xuân Thành, phường Ninh Khánh, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình.

Tới ngày 22/12/2021, công ty tăng sốc vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 5.950 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm: Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình (sở hữu 43,59% vốn), ông Phạm Văn Tuất (sở hữu 12,834% vốn), bà Phạm Thị Hương (sở hữu 1,904%), ông Nguyễn Huy Hoàng (sở hữu 3,177% vốn), ông Tống Văn Chuẩn (sở hữu 1,059% vốn), ông Nguyễn Văn Thiện (sở hữu 18,481%), ông Bùi Võ Công (sở hữu 0,218% vốn), ông Nguyễn Văn Thùy (sở hữu 11,885%), ông Vũ Cảnh Tuân (sở hữu 4,251% vốn), ông Nguyễn Đức Toàn (sở hữu 1,039% vốn), bà Trần Thị Hồng Nhung (sở hữu 1,039% vốn) và bà Mai Xuân Hương (sở hữu 0,255% vốn).

Tới ngày 26/1/2022, Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình và ông Nguyễn Văn Thiện nâng tỷ lệ sở hữu lên 62,241% (tương đương phần vốn góp 3.644 tỷ đồng) và 28,286% (tương đương phần vốn góp 1.683 tỷ đồng). Từ ngày 28/1/2022, công ty đổi tên thành Tập đoàn Xuân Thiện.

Có thể thấy, Xuân Thiện Ninh Bình và ông Nguyễn Văn Thiện đã có thương vụ thâu tóm thành công Công ty TNHH Năng lượng Sơn La. Xuân Thiện Ninh Bình đã dành tới 60,7% vốn điều lệ để trở thành cổ đông lớn nhất của Tập đoàn Xuân Thiện.

Hiệu quả sử dụng vốn thấp, máy móc cầm cố

Khi vẫn còn là đại gia năng lượng Sơn La, Tập đoàn Xuân Thiện (khi đó vẫn có tên Công ty TNHH Năng lượng Sơn La) dù sở hữu vốn trăm tỷ nhưng hiệu quả kinh doanh vẫn rất thấp.

Thành lập năm 2015 nhưng tới năm 2017, công ty đã âm vốn 40,4 triệu đồng. Từ năm 2018 đến 2020, doanh thu được cải thiện, đạt 18,7 tỷ đồng (năm 2018), 76,9 tỷ đồng (năm 2019) và 67,9 tỷ đồng (năm 2020). Thế nhưng, lợi nhuận sau thuế rất khiêm tốn, chỉ là 67,7 triệu đồng, 176 triệu đồng và 376 triệu đồng.

Năm 2021, sau khi tăng sốc vốn điều lệ và bị cặp đôi Xuân Thiện Ninh Binh – Nguyễn Văn Thiện thâu tóm, công ty ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng vọt lên 201 tỷ đồng và 3,8 tỷ đồng. Dù vậy, hiệu quả sử dụng vốn rất thấp, chỉ đạt 0,006% (nếu tính theo thời điểm 31/12/2021) và 0,76% (nếu tính theo thời điểm 31/12/2020).

Dù hiệu quả sử dụng vốn, công ty vẫn tăng cường đi vay vốn, nâng Nợ phải trả lên đến ngàn tỷ. Tại ngày 31/12/2021, Nợ phải trả của Tập đoàn Xuân Thiện lên tới 1.015 tỷ đồng.

Để nhận được những khoản vay, công ty đã phải cầm cố rất nhiều máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động Nhà máy Thủy điện Háng Đồng A thuộc Dự án Thủy điện Háng Đồng A công suất 16 MW tại địa điểm: Xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La và cổ phần của công ty tại Công ty cổ phần Ea Súp 3, giá trị 150 tỷ đồng.

Trong khi đó, cổ đông lớn nhất của Tập đoàn Xuân Thiện là Xuân Thiện Ninh Bình cũng có nhiều vấn đề. Gần đây, thông tin dự án Cù Lao Mái Nhà của Xuân Thiện Ninh Bình bị bỏ hoang suốt 14 năm qua đã nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận.

Bên cạnh đó, Xuân Thiện Ninh Bình rơi vào tình trạng khả năng trả nợ yếu.

Hồi cuối năm 2021, tài sản ngắn hạn tại Xuân Thiện Ninh Bình đạt 1.681 tỷ đồng nhưng Nợ ngắn hạn lại lên đến 2.930 tỷ đồng. Như vậy, Hệ số khả năng thanh toán hiện thời (Tài sản ngắn hạn/Nợ ngắn hạn) đạt 0,57.

Hệ số nhỏ hơn 1 “Thể hiện khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu, là dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn. Khi hệ số càng dần về 0, doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả, gia tăng nguy cơ phá sản”.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Xuân Thiện: Hiệu quả vốn thấp, máy móc cầm cố, vẫn muốn khảo sát đầu tư dự án Tổ hợp lọc dầu Kim Sơn
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO