Xuân về nơi từng là “pháo đài” chống dịch nóng nhất Thủ đô

Chủ nhật, 30/01/2022 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Qua những ngày giông bão, đến nay, tại những “pháo đài” chống dịch nóng nhất Thủ đô, cuộc sống, sinh hoạt của người dân đã dần trở lại bình thường mới.

Ai ai cũng tất bật, hối hả chuẩn bị cho một năm mới bình an, và không quên nhắc nhở nhau về những ngày căng mình với dịch bệnh và cùng nhắc nhau bảo vệ thành quả quý giá đang có.

Những ngày không quên

Ổ dịch phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) bùng phát từ ngày 23/8/2021, trước diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường, khoảng 700 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu đã bị phong toả, đã có gần 600 ca nhiễm liên quan đến ổ dịch này.

xuan ve noi tung la phao dai chong dich nong nhat thu do hinh 1

Niềm vui của những người dân khi chuẩn bị trở về ngôi nhà thân yêu của mình sau một tháng xa nhà. (ổ dịch phường Tanh Xuân Trung)

Tới đầu tháng 9/2021, để xử lý triệt để ổ dịch, giảm nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh ra cộng đồng, chính quyền địa phương đã phải di chuyển hơn 1.200 người dân ra khỏi ổ dịch. Sau những ngày gian nan, đến ngày 28/9/2021, ổ dịch được gỡ bỏ phong tỏa, người dân đã được “giải phóng” sau một thời gian dài đồng hành cùng chính quyền chống dịch.

Những ngày cuối năm, phóng viên Nhà báo & Công luận quay trở lại ngõ 328 và 330 Nguyễn Trãi, “qua những ngày giông bão” đến nay cuộc sống, sinh hoạt của người dân đã dần trở lại bình thường mới, ai ai cũng tất bật, hối hả với cuộc sống mưu sinh.

Tìm đến nhà ông Trịnh Thái Dũng thuộc Khu tập thể thuốc lá, ông Dũng vừa là Tổ phó tổ dân phố 12, phường Thanh Xuân Trung, cũng là gia đình có tới 8 người mắc COVID-19 trong đợt dịch vừa qua.

Nhớ lại những ngày chống chọi với dịch, ông Dũng chia sẻ, khi dịch bùng phát ai cũng sợ, cũng hoang mang, nhất là khi số ca mắc tăng nhanh hàng ngày, bản thân ông từ những ngày đầu đã tham gia trực chốt trong khu vực, nhưng không may trong quá trình đi vận động, hỗ trợ người dân, 12 người thuộc tổ trực của ông đều bị mắc COVID-19, riêng đối với ông Dũng khi trở về nhà đã không may tiếp tục lây nhiễm cho cả gia đình.

“Nhớ lại hình ảnh hôm vợ con dắt díu mấy đứa cháu mới 2-3 tuổi lếch thếch bộ quần áo lên xe y tế 911 đi cách ly, tôi không cầm được nước mắt, thương cho cả nhà, lúc đấy khổ lắm, xót xa lắm. Hoàn cảnh của gia đình tôi cũng cùng chung với hoàn cảnh của cả khu phố lúc bấy giờ”, ông Dũng xót xa.

Kém may mắn hơn các gia đình khác, COVID-19 đã cướp đi người vợ hiền của ông Trần Minh Quang (75 tuổi). Những ngày cuối năm, ông Quang một mình lủi thủi trong căn nhà nhỏ thuộc Khu tập thể xà phòng, nơi đây đã vơi đi tiếng nói cười.

xuan ve noi tung la phao dai chong dich nong nhat thu do hinh 2

Nhiều người dân mang cờ và hoa ra sở chỉ huy dã chiến để chúc mừng” ngày dỡ bỏ phong toả ổ dịch phường Giáp Bát.

Khi dịch bùng phát mạnh, cả 2 vợ chồng đều mắc COVID-19, nhưng không may do có bệnh nền và sức khoẻ yếu nên vợ ông đã qua đời. “Trải qua mới thấy dịch bệnh COVID-19 nguy hiểm đến nhường nào, hơn cả thời chiến tranh mà tôi từng đối diện, nó âm thầm, vô hình, cướp đi vợ tôi để giờ đây tôi hụt hẫng, đơn độc”, ông Quang nghẹn ngào.

Là cán bộ tham gia hoạt động mặt trận tại tổ dân phố số 12 Thanh Xuân Trung, ông Trịnh Văn Hữu (71 tuổi) chia sẻ, mặc dù cũng đã có sự phòng chống ngay từ ban đầu khi trên địa bàn Hà Nội xuất hiện các ca dương tính, tuy nhiên dịch đến quá bất ngờ, không rõ từ đâu, giai đoạn đầu vẫn còn người dân mất cảnh giác, đến khi dịch tới nơi mọi người rất khủng hoảng và để dịch bùng phát rất đáng tiếc.

Trải qua những ngày căng thẳng của dịch, ông Hữu rút ra bài học, khi kinh qua mới thấu hết, đối mặt với COVID-19 chúng ta không nên hoảng hốt, hoảng hốt làm dao động tinh thần mọi người, đó sẽ là điều kiện rất dễ khiến cho dịch bệnh lây lan nhanh hơn. Đây là lúc cần sự bình tĩnh và ý thức, nhất là thực hiện nghiêm túc 5K của Bộ Y tế.

“Khi bùng dịch và mắc bệnh mới thấy hết sự nguy hiểm của COVID-19, nhất là đối với người cao tuổi và có bệnh nền như tôi, rất may trong quá trình điều trị, tôi nhận được sự nhiệt tình, quan tâm từ các y, bác sĩ ngày đêm chăm sóc, động viên và bản thân tuân thủ những lời khuyên, tập luyện thể dục, ăn uống… nên rất may tôi đã qua khỏi”, ông Hữu chia sẻ.

Hân hoan ngày “giải phóng” dỡ bỏ phong tỏa

Cùng ổ dịch tại Thanh Xuân Trung, nhiều ổ dịch khác trong đó có ổ dịch COVID-19 phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), ổ dịch ngõ 24 Kim Đồng (phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai) cũng từng là điểm nóng phải phong toả khi xuất hiện nhiều ca mắc COVID-19.

Ổ dịch COVID-19 phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm là ổ dịch rất lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội, bùng phát vào ngày 30/7/2021. Quận Hoàn Kiếm đã phải phong tỏa toàn phường với hàng chục nghìn người bị cách ly tại địa bàn. 

xuan ve noi tung la phao dai chong dich nong nhat thu do hinh 3

Cuộc sống, sinh hoạt của người dân đã dần trở lại bình thường mới.

Mặc dù thuộc quận trung tâm của Hà Nội, nhưng phường Chương Dương lại khá biệt lập, nằm ven sông Hồng và bị ngăn cách với phố xá bởi bờ đê Yên Phụ. Phường có mật độ dân số rất cao, nhiều lao động tự do và tỉnh ngoài. Tại đây cũng có nhiều khu tập thể cũ từ những năm 1960 và nhiều nhà dân lụp xụp, nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao.

Nhớ lại những ngày phong toả, người dân không thể nào quên, hàng trăm con ngõ trên địa bàn đều được lập chốt, do lực lượng dân quân, tổ dân phố và người dân canh chốt, hàng chục điểm là cửa khẩu giao nhau với các phường giáp ranh và cửa khẩu bờ đê đi ra tuyến đường chính cũng được lực lượng công an trực chốt.

Ông Hoàng Văn Việt (Bí thư Chi bộ Hồng Hà 3) nhớ lại, những ngày đó “ai ở đâu, ở yên đó”, cả khu vắng vẻ, mọi người đều chấp hành ở trong nhà, nhân dân rất cảm động bởi sự quan tâm, lo lắng và vì nhân dân của chính quyền, ví dụ như việc mua mớ rau cũng được lãnh đạo phường, quận trả lời trên nhóm Zalo. Lương thực, thực phẩm được đảm bảo đến từ hộ gia đình không để ai bị thiếu ăn.

Sau những tháng ngày phong toả, giãn cách, giờ đây cuộc sống của người dân đã cơ bản bình thường trở lại. Ngồi trong góc sân chơi nhỏ, ngắm nhìn các cháu bé vui cười, chơi đùa, ông Đinh Văn Hưởng (Tổ trưởng tổ dân phố 4 phường Chương Dương) mong muốn người dân nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh, không chủ quan lơ là để dịch bùng phát trở lại, “qua đợt khó khăn cấm vận, nhân dân thấu hiểu được sự mất tự do, vất vả… để có được những giây phút bình yên, an toàn như hiện nay, chúng ta đã phải nỗ lực rất nhiều và cũng đã có những mất mát về cả người và của, tôi mong rằng người dân tiếp tục chấp hành thật tốt các quy định phòng chống dịch”.

“Tôi rất vui vì người dân đồng thuận, chung tay cùng nhau chống dịch, nhớ ngày được “giải phóng” bà con mừng rỡ, ùa ra ngoài, nửa đêm còn kéo nhau chạy nhảy múa hát rộn ràng, vui mừng phấn khởi”, ông Hưởng chia sẻ.

Nhớ lại những ngày cao điểm trong tâm dịch, ông Nguyễn Văn Sơn (Tổ trưởng tổ dân phố 15 phường Giáp Bát) vui mừng khi những ngày căng thẳng nhất của dịch đã đi qua: “Sống trong khu vực phong tỏa, chúng tôi mới cảm nhận được nguy cơ rình rập của dịch bệnh, từ thói quen sinh hoạt hàng ngày cho đến giao tiếp ngoài xã hội. Từ đó, nâng cao ý thức, thấu hiểu, thông cảm hơn với những quyết sách của chính quyền. Thời gian phong tỏa là khoảng thời gian nhiều cư dân lúc nào cũng phải sống trong lo lắng và thấp thỏm và chỉ mong bình an đến cho gia đình và những người đang ngày đêm phải điều trị trong bệnh viện”.

Đối với ông Sơn và bà con trong các khu phong tỏa, giây phút công bố quyết định tháo dỡ phong tỏa có lẽ mãi không quên, “người dân đếm từng giờ, chờ từng ngày một được quay lại với những thói quen, cuộc sống hàng ngày sau những ngày gò bó, lúc đó hạnh phúc như vỡ oà. Nhiều người dân mang cờ và hoa ra sở chỉ huy dã chiến để chúc mừng”, ông Sơn kể lại.

Dịch COVID-19 đi qua tàn phá cuộc sống bình yên của biết bao gia đình. Thế nhưng chính những thời điểm đó đã giúp cho mỗi người nhìn lại, ý thức được tầm quan trọng của việc phòng chống dịch bệnh. Dịch bệnh được kiểm soát, ý thức và trách nhiệm của người dân được nâng lên, những mất mát rồi cũng sẽ dần nguôi ngoai, cuộc sống sẽ dần trở lại bình thường mới, và giờ đây bình an cho mỗi gia đình trong năm mới là điều chúng ta đều cầu mong.

Hà Đương

Bình Luận

Tin khác

Ngôi nhà 3 tầng ở Hà Nội bốc cháy trong đêm

Ngôi nhà 3 tầng ở Hà Nội bốc cháy trong đêm

(CLO) Một vụ hoả hoạn vừa xảy ra tại ngôi nhà 3 tầng ở quận Thanh Xuân (Hà Nội), may mắn không có thương vong về người.

Đời sống
Bắc Ninh: Tìm thấy thi thể 2 nữ sinh lớp 9 nghi nhảy cầu Kinh Dương Vương

Bắc Ninh: Tìm thấy thi thể 2 nữ sinh lớp 9 nghi nhảy cầu Kinh Dương Vương

(CLO) Chiều 14/5, Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, lực lượng chức năng cùng người nhà đã tìm thấy thi thể hai nữ sinh lớp 9 nghi nhảy cầu Kinh Dương Vương (cầu nối giữa huyện Tiên Du và thị xã Thuận Thành, Bắc Ninh).

Đời sống
Bắc Ninh: Triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024

Bắc Ninh: Triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024

(CLO) Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên kiểm tra rà soát, đánh giá hiện trạng công trình chống lũ, chống úng, xác định các trọng điểm xung yếu, xây dựng phương án, chuẩn bị các điều kiện cần thiết với phương châm “4 tại chỗ”, chủ động triển khai đối phó với thiên tai.

Đời sống
Dự báo thời tiết ngày 15/5: Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ ngày nắng

Dự báo thời tiết ngày 15/5: Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ ngày nắng

(CLO) Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia: Dự báo thời tiết 15/5/2024, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ ngày nắng. Phía Nam có nắng nóng trên 35 độ C, Đông Nam Bộ nắng nóng.

Đời sống
Những “Giọt nước nghĩa tình” tiếp sức người dân vùng hạn mặn Bến Tre, Tiền Giang

Những “Giọt nước nghĩa tình” tiếp sức người dân vùng hạn mặn Bến Tre, Tiền Giang

(CLO) Công ty Tân Hiệp Phát cùng Báo Công An TP. HCM, Hội Phụ nữ Công an TP. HCM, Công an Tiền Giang, Công an Bến Tre, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bến Tre vừa trao tặng gần 200.000 sản phẩm nước tinh khiết Number 1 và 620 khối nước ngọt đến cho người dân vùng hạn mặn Bến Tre, Tiền Giang.

Đời sống