Xung đột Nga - Ukraine, Venezuela được lợi, kinh tế có thể tăng trưởng 20%
(CLO) Nền kinh tế Venezuela có thể tăng 20% trong năm nay, ngân hàng đầu tư Credit Suisse cho biết trong một báo cáo.
Con số này tăng mạnh so với dự báo trước đó là 4,5% do nhu cầu dầu thô ngày càng tăng kể từ khi Nga bị trừng phạt vì gây hấn với Ukraine.

Một công nhân đi bên cạnh các giàn khoan tại một giếng dầu do công ty dầu khí quốc doanh PDVSA của Venezuela điều hành. (Nguồn: Reuters/Carlos Garcia Rawlins).
Credit Suisse cũng dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 của Venezuela là 8%, tăng so với ước tính trước đó là 3%.
"Đây không phải là lỗi chính tả! Nếu chúng tôi chính xác, đây có thể trở thành một trong những lần tăng trưởng mạnh nhất trên toàn cầu trong những năm gần đây”, đại diện ngân hàng này cho biết trong báo cáo công bố ngày 6/4.
Nền kinh tế Venezuela chạm "đáy" vào năm 2020 và những dự báo mới phần lớn dựa trên kỳ vọng GDP dầu mỏ sẽ tăng hơn 20%.
Một cuộc họp cấp cao giữa các quan chức Mỹ và Venezuela tại thủ đô Caracas vào đầu tháng 3 đã mở đầu cho các cuộc đàm phán về khả năng nới lỏng các biện pháp trừng phạt mà Washington áp đặt đối với ngành dầu mỏ của nước thành viên OPEC kể từ năm 2019.
Credit Suisse cho biết Venezuela có thể bù đắp cho sự thiếu hụt dầu của Nga, chỉ ra rằng mỗi ngày, Hoa Kỳ nhập khẩu khoảng 700.000 thùng các sản phẩm dầu từ Nga vào năm 2021, trong khi năng lực xuất khẩu dầu của Venezuela năm ngoái là từ 500.000 thùng/ngày - 700.000 thùng/ngày.
"Kế hoạch này có vẻ khả thi với việc nới lỏng các lệnh trừng phạt, các nhà chức trách Venezuela có thể tăng số lượng khai thác lên. Đột nhiên, giữa những lo ngại về nguồn cung dầu, một số người đã nhớ rằng trữ lượng dầu được cho là lớn nhất thế giới nằm ở một quốc gia tương đối cách xa Mỹ”, ngân hàng này nói.
Triển vọng nới lỏng các biện pháp trừng phạt có bao gồm công ty dầu khí nhà nước Petroleos de Venezuela (PDVSA) và một số công ty nước ngoài thực hiện các bước với dự đoán xuất khẩu dầu cao hơn. Nhưng dữ liệu xuất khẩu cho thấy PDVSA vẫn gặp khó khăn do quản lý yếu kém trong nhiều năm và thiếu bảo trì cơ bản đối với cơ sở hạ tầng quan trọng để sản xuất, nâng cấp, lọc dầu, lưu trữ và xuất khẩu dầu.
Sơn Tùng (Theo Reuters)