Xung quanh việc "Quốc bảo" sâm Ngọc Linh chết hàng loạt: Kiến nghị khoanh, giãn nợ cho người dân vay vốn trồng sâm
(CLO) Ôm mộng thoát nghèo từ Quốc bảo sâm Ngọc Linh, người dân huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã vay mượn hàng trăm triệu đồng để đầu tư trồng cây triệu đô. Thế nhưng, chỉ trong 1 thời gian ngắn mưa đá, sâu bệnh khiến nhiều vườn sâm “chết trắng”, ước tính thiệt hại lên đến hơn 20 tỷ đồng.
Dân “ôm nợ” vì cây triệu đô chết hàng loạt
Sâm Ngọc Linh được mệnh danh là Quốc bảo Việt Nam, được xem là cây thoát nghèo của đồng bào dân tộc ở huyện Tu Mơ Rông. Với hy vọng sẽ thoát khỏi cảnh nghèo đói, những năm gần đây người dân đã ồ ạt vay mượn ngân hàng để đầu tư trồng sâm Ngọc Linh. Thế nhưng, khi vừa xuống giống chưa được bao lâu thì những vườn sâm này bỗng chết hàng loạt. Cuộc sống của dân nghèo vốn dĩ đã khó nay càng khó hơn bởi món nợ khủng từ trên trời giáng xuống.
Anh A Chung (làng Kon Dơn, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) thất thần nhiều tháng nay vì hàng nghìn cây sâm Ngọc Linh của gia đình vốn đang phát triển tươi tốt bỗng chết đồng loạt.

Quốc bảo sâm Ngọc Linh được xem là cây thoát nghèo của người dân huyện Tu Mơ Rông
Trò chuyện với chúng tôi, anh Chung rầu rĩ nói: “Thấy sâm Ngọc Linh mang lại giá trị cao, gia đình đã vay hơn 150 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư mua hạt giống sâm Ngọc Linh về trồng trên đỉnh núi cao hơn 2.000m. Đầu năm nay, những cây sâm trong vườn vẫn đang phát triển tốt, trung bình mỗi cây cao từ 5-10cm. Thế nhưng, đến tháng 4 sau những trận mưa dài ngày, hàng loạt cây sâm từ 1-4 năm tuổi bắt đầu có dấu hiệu vàng lá rồi chết đồng loạt. Số tiền đầu tư vào trồng sâm của gia đình đều là vay ngân hàng chính sách xã hội. Giờ sâm chết hết, không biết lấy gì để trả".
Theo số liệu thống kê của UBND huyện Tu Mơ Rông, qua rà soát tính đến thời điểm hiện tại, tổng số cây sâm Ngọc Linh thiệt hại trên địa bàn toàn huyện là 39.224 cây của 408 hộ. Ước tính giá trị thiệt hại của sâm Ngọc Linh khoảng hơn 20 tỷ đồng.

Chỉ trong 1 thời gian ngắn, gần 40.000 cây sâm Ngọc Linh 1 năm tuổi ở huyện Tu Mơ Rông bỗng bị rụng lá, thối rễ rồi chết dần
Trong đó, thiệt hại nặng nhất là do sâu bệnh với 38.412 cây sâm Ngọc Linh của 393 hộ dân bị chết. Số lượng sâm Ngọc Linh bị chết, ảnh hưởng do mưa đá là 812 cây của 27 hộ dân. Trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông, xã Măng Ri bị thiệt hại nặng nhất khi có 23.210 cây sâm bị chết.
Đại diện UBND huyện Tu Mơ Rông thông tin, tình trạng các cây sâm Ngọc Linh bị nhiễm bệnh và chết hàng loạt chỉ mới xảy ra trong năm nay. Các cây sâm bị chết đều rơi vào diện tích người dân tự đầu tư trồng.
Ngay sau khi xuất hiện tình trạng sâm Ngọc Linh chết hàng loạt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với Chi cục Kiểm lâm và các cơ quan chuyên môn, UBND xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông tiến hành kiểm tra tình hình bệnh trên cây sâm Ngọc Linh.
Từ các triệu chứng bệnh trên cây, tổ kiểm tra xác định sâm Ngọc Linh bị bệnh chết rạp do nấm Rhizoctonia sp, Phytopthora gây ra. Cùng với diễn biến thời tiết năm 2022 bất thường, trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông mưa kéo dài làm cho cây sâm ở vườn ươm, cây 1 năm tuổi bị dập gãy, rụng lá, thối gốc và chết.
Kiến nghị khoanh, giãn nợ cho người dân vay vốn trồng sâm
Trước thực trạng sâm Ngọc Linh bị chết đồng loạt, UBND tỉnh Kon Tum cũng đã có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, kiểm soát sâu bệnh hại trên cây sâm Ngọc Linh. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, phương pháp trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh để người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện có hiệu quả.
Đồng thời, UBND tỉnh Kon Tum cũng đã chỉ đạo UBND 2 huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei quản lý chặt chẽ nguồn gốc giống sâm Ngọc Linh đảm bảo và an toàn với dịch bệnh. Không để tình trạng mua bán giống sâm Ngọc Linh không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc không rõ ràng xảy ra trên địa bàn, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Phần lớn sâm Ngọc Linh chết do nấm bệnh
Theo UBND huyện Tu Mơ Rông, đa số các hộ dân trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện là người dân tộc thiểu số và sử dụng vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội huyện để đầu tư. Chính vì vậy, để giảm thiểu thiệt hại cho người dân trồng Sâm Ngọc Linh, UBND huyện Tu Mơ Rông kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu các chính sách để hỗ trợ cho người dân trồng Sâm Ngọc Linh.
Bên cạnh đó, UBND huyện Tu Mơ Rông cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ngân hàng chính sách xã hội có phương án khoanh, giãn nợ cho người dân vay vốn để trồng sâm Ngọc Linh; chỉ đạo cho các doanh nghiệp cung ứng giống sâm Ngọc Linh cho người dân trên địa bàn huyện để khôi phục các diện tích bị chết.

Trước thực trạng sâm Ngọc Linh chết hàng loạt, UBND tỉnh Kon Tum cũng đã có văn bản chỉ đạo quản lý chặt chẽ nguồn gốc giống sâm Ngọc Linh đảm bảo và an toàn với dịch bệnh.
Ở một diễn biến khác, Chi cục Kiểm lâm Kon Tum cũng đã có hướng dẫn tạm thời kỹ thuật trồng sâm Ngọc Linh gửi các huyện.
Theo Chi cục Kiểm lâm, quá trình tập huấn cho người dân cần lưu ý một số nội dung như: Lô thiết kế trồng Sâm Ngọc Linh phải lựa chọn các vùng đất dưới tán rừng tự nhiên ở độ cao từ 1.500m trở lên, còn giữ kết cấu rừng tự nhiên và có độ che phủ rừng trên 70%, giàu mùn, đủ ẩm.
Đối với băng chừa, cần giữ nguyên hiện trạng, không tác động dưới mọi hình thức. Còn đối với băng trồng, chỉ được phát dọn dây leo, bụi rậm. Trong các băng trồng, cần thiết kế 3-4 luống trong, mỗi luống rộng 15-20m để trồng sâm. Giữa các luống, cần phát dọn dây leo, bụi rậm tạo lối đi lại rộng 30-35cm. Mật độ trồng khoảng 10.000 cây/ha, hàng cách hàng từ 40-45cm, cây cách cây từ 30-35cm.
Đất được cuốc toàn bộ, nhặt bỏ rễ cây, xới cho đất thật nhỏ, tơi xốp và san phẳng; sử dụng cây khô, cây đổ ngã be bờ làm luống, sau đó rải mùn núi dày 15-20cm để trồng. Chỉ sử dụng mùn trên núi cao hoặc các giá thể sinh học được công nhận; không sử dụng phân bón hóa học hoặc phân hữu cơ chưa qua xử lý để trồng sâm. Cây giống đem trồng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đủ 1 năm tuổi, có 1 lá kép với 5 lá chét có hình chân vịt, mọc ở đỉnh thân, cuống lá hình trứng ngược, hình mác hoặc bầu dục…