(NB&CL) Hiện nay, huyện Yên Phong có hàng chục nghìn tấn rác thải tồn đọng và mỗi ngày thải ra khoảng 100 tấn rác thải sinh hoạt. Do vậy, vấn đề cấp bách đặt ra là đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải nhằm đảm bảo môi trường, tạo điều kiện để phát triển KT-XH, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Trước vấn đề môi trường đang rất bức xúc, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh, UBND huyện Yên Phong đã tiến hành khảo sát và lập hồ sơ xây dựng Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung của huyện, với diện tích 10 ha tại hai xã Dũng Liệt và Tam Đa.
Theo tìm hiểu của PV, vị trí xây dựng nhà máy xử lý rác đã đáp ứng các yêu cầu về khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường áp dụng theo bộ Quy chuẩn Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 02/2010/TT-BXD ngày 05/02/2010 của Bộ Xây dựng. Trên thực tế, vị trí dự án xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt có khoảng cách gần nhất với công trình xây dựng liền kề khác đảm bảo trên 1.000 m.
Trong quá trình triển khai dự án Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đa số người dân đồng tình, ủng hộ. Ngày 12/7/2014, Phòng TN&MT huyện Yên Phong phối hợp với UBND xã Tam Đa và thôn Đức Lý tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB cho các hộ dân. Kết quả: 100% hộ gia đình có đất bị thu hồi thực hiện dự án đã nhận tiền theo phương án được duyệt.
Tuy nhiên, một số hộ dân ở thôn Chân Lạc (xã Dũng Liệt) không có đất nông nghiệp thu hồi còn băn khoăn về vấn đề môi trường, đề nghị tổ chức họp dân để giải thích về công nghệ xử lý; một số ý kiến cho rằng khi thực hiện dự án gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của diện tích canh tác lân cận.
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hòa - Trưởng phòng TN&MT huyện Yên Phong chia sẻ: “Công nghệ được áp dụng để xử lý chất thải của dự án là công nghệ tiên tiến, hiện đại với công suất xử lý 150 đến 200 tấn/ngày. Đó là công nghệ đốt và hầm ủ biogas công nghiệp, sử dụng thiết bị phân loại rác tự động, tỷ lệ chất rắn còn lại phải chôn lấp không quá 10%, thu gom và xử lý triệt để khí thải và nước rỉ rác, không để phát tán ra môi trường không khí, môi trường đất xung quanh. Dự án Khu xử lý rác thải cũng đã được Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường”.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, theo quy trình hoạt động của nhà máy, rác thải sinh hoạt chở bằng xe ép rác chuyên dụng nhập về, qua cân điện tử được đưa vào buồng kín và được phun chất khử mùi. Việc phân loại sơ cấp rác thải được thực hiện ngay trong buồng kín bằng thiết bị tự động điều khiển từ xa.
Sau khi phân loại sơ cấp xong, rác không đốt được và các vật liệu thô được đưa đi chôn lấp hợp vệ sinh. Toàn bộ phần còn lại được chuyển vào nhà kính để phơi sấy khô và khử trùng. Sau khi sấy khô, rác được đưa vào phân loại thứ cấp bằng thiết bị tự động, chia ra nhóm rác khó tái chế, không phân hủy được đốt triệt để trong lò đốt hóa khí an toàn. Nhóm rác hữu cơ dễ phân hủy được đưa vào hầm ủ biogas công nghiệp để chuyển thành nhiên liệu khí gas đưa trở lại lò đốt hoặc thu hồi để phát điện.
Về việc xây dựng đường vào Khu xử lý chất thải, có một số người dân thôn Chân Lạc đưa ra ý kiến không đồng ý cho xây dựng đường qua địa phận thôn do lo ngại khi xây dựng nhà máy xử lý rác thì về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tôn trọng ý kiến của nhân dân, UBND huyện Yên Phong đã tổ chức họp dân nhằm công bố cụ thể dự án, đánh giá tác động môi trường, công nghệ xử lý rác thải để người dân nắm rõ. UBND huyện đã chỉ đạo Phòng TN&MT chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch tuyên truyền để nhân dân biết về chủ trương trên; trả lời những kiến nghị, thắc mắc của nhân dân. Đảng ủy- UBND các xã Dũng Liệt, xã Tam Đa thành lập tổ công tác phối hợp với các đoàn thể nhân dân tuyên truyền, vận động, về chủ trương chính sách của Nhà nước và của tỉnh Bắc Ninh, giải thích những ý kiến còn băn khoăn nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân về vấn đề này.
Bảo vệ môi trường nói chung, quản lý, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt nói riêng là một nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên, là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân vì mục tiêu phát triển xã hội bền vững. UBND huyện Yên Phong chủ trương xây dựng khu xử lý rác thải gắn liền với cuộc sống người dân, đảm bảo nguyện vọng của nhân dân có môi trường trong sạch hơn. Mặc dù vẫn còn nhiều vướng mắc, tuy nhiên, các cấp chính quyền vẫn tích cực phối hợp với nhân dân nhằm giải quyết để sớm triển khai dự án.
P.V