Yên Thế - Bắc Giang: Mảnh đất người anh hùng áo vải

16/03/2019 09:14

(CLO) Vừa qua, tại Khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám, thị trấn Cầu Gồ, huyện Yên Thế (Bắc Giang) diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao chuẩn bị khai hội kỷ niệm 135 năm Cuộc khởi nghĩa Yên Thế (1884-2019)

Yên Thế là một địa danh thuộc Kinh Bắc xưa được biết đến với cuộc khởi nghĩa nông dân chống thực dân Pháp do người anh hùng Hoàng Hoa Thám lãnh đạo. Đây là cuộc khởi nghĩa oanh liệt nhất trong lịch sử dân tộc từ năm 1884 đến năm 1913 nó đã gây tiếng vang lớn trên thế giới.

Tưng bừng Lễ kỉ niệm 135 năm khởi nghĩa Yên Thế - Ảnh: Diệp Lan

Tưng bừng Lễ kỉ niệm 135 năm khởi nghĩa Yên Thế - Ảnh: Diệp Lan

Hoàng Hoa Thám thuở nhỏ tên là Trương Văn Nghĩa, quê làng Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. 16 tuổi, Hoàng Hoa Thám tham gia khởi nghĩa của Đại Trận (1870-1875). Khi Pháp chiếm Bắc Ninh (3-1884) thì Hoàng Hoa Thám gia nhập nghĩa binh của Trần Quang Loan, rồi nghĩa quân của Hoàng Đình Kinh (1882-1888) và sau đó ông đứng dưới cờ nghĩa của Lương Văn Nắm (tức Đề Nắm). Tháng 4-1892, Đề Nắm bị Đề Sặt sát hại, Hoàng Hoa Thám trở thành thủ lĩnh tối cao của phong trào Yên Thế. Khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân.

Hình ảnh tư liệu về Khởi nghĩa Yên Thế - Ảnh: Wiki

Hình ảnh tư liệu về Khởi nghĩa Yên Thế - Ảnh: Wiki

Trong đó, có cả các dân tộc ít người ở miền núi, diễn ra từ năm 1840 tại nhiều tỉnh thành Bắc Bộ. Qua 10 năm đầu chiến đấu với nghĩa quân Yên Thế, từ năm 1884 đến năm 1894 quân Pháp xâm lược phải gánh nhiều thiệt hại nặng nề. Người dân Yên Thế tỉnh Bắc Giang luôn tự hào về mảnh đất quê hương nơi đã nuôi dưỡng nên Hoàng Hoa Thám, một vị tướng tài năng, một thủ lĩnh của phong trào khởi nghĩa Yên Thế.

Đây là khởi nghĩa nông dân lớn nhất dài nhất trong lịch sử dân tộc ta chống thực dân Pháp kéo dài gần 30 năm từ năm 1884 đến năm 1913. Hình ảnh Hoàng Hoa Thám và cuộc khởi nghĩa đã khắc sâu trong lịch sử và tâm hồn người dân Việt Nam.

Để tưởng nhớ công ơn của người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám, hàng năm bà con nhân dân nơi đây lại tổ chức lễ hội Yên Thế. Lễ hội Yên Thế được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 16 tháng 3 năm 1984 nhân kỷ niệm 100 năm cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Từ đó đến nay cứ đến ngày 16/3 dương lịch lễ hội lại được tổ chức tại trung tâm thị trấn Cầu Gồ, đại bản doanh Phồn Xương năm xưa.

Một nét đặc sắc trong phần lễ của lễ hội Yên Thế đó là lễ dâng hương báo công được tổ chức long trọng. Những thành tựu nổi bật của huyện Yên Thế trong một năm qua đã được báo công và dâng lên vị thủ lĩnh tài ba, anh hùng dân tộc. Phần hội diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao phong phú như múa lân; thả diều; thi nấu cơm niêu; ném còn; kéo co; thi bắn nỏ; chọi gà; thi võ; cờ tướng (cờ người); bóng bàn; bóng đá; hội chợ trưng bày các sản vật của địa phương; hội trại thanh thiếu niên, hát quan họ trên thuyền, biểu diễn nghệ thuật rối nước …

Đặc biệt, tham dự Lễ hội Yên Thế, du khách sẽ được chứng kiến Lễ phóng ngư, thả điểu, có từ hơn 100 năm trước, cho thấy Hoàng Hoa Thám không những là một vị thủ lĩnh tài ba về quân sự mà ông còn là người am hiểu về văn hóa, tín ngưỡng dân gian, về triết lý của nhà Phật.

Tất cả các hoạt động trên nhằm tái hiện một cách sinh động truyền thống yêu nước của cha ông cùng những nét văn hóa bản sắc, mang đặc trưng vùng. Đối với mỗi người dân Yên Thế, dư âm về quá khứ vẫn hiện hữu trong nhịp trống ngày hội. Hình ảnh về một Hoàng Hoa Thám, một thủ lĩnh áo nâu sẽ sống mãi trong từng trang sử, trong tiềm thức của mọi người.

Khi nói về vùng kinh Bắc không thể không nói đến khu di tích lịch sử Yên Thế. Nơi đây chính là minh chứng cho lòng yêu nước, ý chí kiên cường giàu truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Diệp Lan Hi

    Nổi bật
        Mới nhất
        Yên Thế - Bắc Giang: Mảnh đất người anh hùng áo vải
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO