Bác Hồ, Người có nhiều duyên nợ với báo chí

Thứ năm, 25/04/2019 14:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) “Bác Hồ, Người có nhiều duyên nợ với báo chí” của tác giả - nhà báo, nhà văn Phan Quang. Một tập hợp công phu hơn 30 bài của Phan Quang đã đăng báo, in sách, viết nhân một sự kiện nào đó của đất nước.

Đúng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, trước thềm kỷ niệm 44 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (1975 - 2019); 69 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (1950 - 2019), 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019), tôi nhận được một tập sách quý “Bác Hồ, Người có nhiều duyên nợ với báo chí” của tác giả - nhà báo, nhà văn Phan Quang. Một tập hợp công phu hơn 30 bài của Phan Quang đã đăng báo, in sách, viết nhân một sự kiện nào đó của đất nước, trong bối cảnh chính trị xã hội nhất định, cùng hướng về việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách báo chí Hồ Chí Minh. Tôi đọc một mạch hơn 250 trang sách và cảm nhận được rất nhiều bài học sâu sắc từ Bác Hồ, của Bác Hồ về báo chí, dưới góc nhìn của đồng nghiệp lão thành Phan Quang, một cây đại thụ báo chí nước nhà…

Viết cho đúng, cho hay, có nhiều người đọc

Đó là lời chúc đầu năm mới Tết Bính Thân - 1956, cách đây đã hơn 63 năm mà Bác Hồ dành cho nhà báo Phan Quang, cũng là dành cho giới báo chí, sau ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng, đi lên chủ nghĩa xã hội, cả nước đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.

Mở đầu tập sách, nhà báo, nhà văn Phan Quang viết: “Đời tôi có cái may và niềm vui là sau ngày hòa bình lập lại năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Hà Nội, tôi là một trong số không nhiều phóng viên được phân công phục vụ các chuyến đi của Người thăm đồng bào, bộ đội, cán bộ miền Nam tập kết… tại nhiều nơi trên miền Bắc, đến các công trường quan sát bữa cơm ngày thường của công nhân, về các miền quê động viên nông dân phòng hạn chống lụt, ra hải đảo thăm hỏi những người giữ biển, vào gần những vùng giới tuyến nói chuyện với đồng bào chiến sĩ… để thông tin về những sự kiện ấy” (Sách đã dẫn, trang 7).

 Phan Quang viết tiếp trong lời thưa: “Lần đầu tôi được nhìn thấy Hồ Chủ tịch là ngày 1 tháng 1 năm 1955 tại Quảng trường Ba Đình” trong “Lễ mừng Hồ Chủ tịch và Chính phủ về Thủ đô trang nghiêm, phấn khởi và vĩ đại chưa từng có trong lịch sử nước ta”. Phan Quang viết tiếp: “Và đúng là duyên may, một năm sau, sáng mùng một Tết Bính Thân 1956, Bác Hồ bất ngờ ghé vào tòa soạn báo (Báo Nhân Dân - PQT). Khi tôi tiễn Bác ra xe, Bác nắm tay tôi tươi cười: “Chú là phóng viên, là nhà báo, năm mới Bác chúc nhà báo viết cho đúng, cho hay, có nhiều người đọc” - một tờ báo được nhiều người đọc chính là tờ báo viết đúng, viết hay, hấp dẫn, có sức lôi cuốn được nhiều người ham chuộng (Lời của Bác Hồ). Lời chúc đầu năm của Bác Hồ hơn 63 năm trước như Phan Quang khẳng định đã “định hướng cho cuộc đời nghề nghiệp của tôi” (Sách đã dẫn, trang 7).

20190417214055-1555545544324

Tác phẩm “Bác Hồ, Người có nhiều duyên nợ với báo chí”, có những câu chuyện hết sức cảm động, những bài học sâu sắc về nghề nghiệp, tư tưởng, tư duy, đạo đức, phong cách báo chí Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh là chiến sĩ giải phóng dân tộc lỗi lạc, người cộng sản quốc tế trong sáng, danh nhân văn hóa thế giới. Người là nhà báo bậc thầy, “nhà báo lớn nhất của Việt Nam trong mọi thời đại, một cây bút ngang tầm những tên tuổi nổi bật về văn hóa và báo chí trên thế giới” (Phan Quang); Người viết hàng ngàn bài báo, với 170 bút danh khác nhau, người sáng lập và rèn luyện nền báo chí cách mạng Việt Nam. Phan Quang lý giải và minh chứng cho nhận định ấy qua nhiều bài viết trong tập sách. Trong bài “Niềm vui xuyên suốt đời nghề” (Sách đã dẫn, trang 210), Phan Quang viết: “Trong đời làm báo, tôi có một niềm vui. Sinh thời Bác Hồ hai lần đến thăm và nói chuyện với Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam (năm 1959 và năm 1962), tôi may mắn đều có mặt và hai lần được trực tiếp nghe lời Người dạy bảo”. Dù đang rất bận, Bác Hồ vẫn dành khá nhiều thời gian trò chuyện với 250 đại biểu dự Đại hội lần thứ II Hội những người viết báo Việt Nam, mở đầu với câu: “Là một người có nhiều duyên nợ với báo chí, Bác nêu vài ý kiến, giúp các cô, các chú tham khảo”. “Vài ý kiến tham khảo” của Người đã đề cập đến những vấn đề trọng đại, có câu đã trở thành danh ngôn bởi nó phù hợp với thực tế muôn đời. Bác đặt câu hỏi: “Báo chí phải phục vụ ai?” và giải đáp luôn: “Báo chí ta cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới”. Bác nói về nghề báo, về đạo đức làm nghề: “Nghề nào cũng khó, không có nghề nào dễ. Phải có chí tự cường, tự lập, mình còn kém thì phải cố mà học”. Bác khuyên các nhà báo chớ ham muốn làm ra cái gì đó để “lưu danh thiên cổ, viết bài là để cho oai, chỉ thích đăng bài mình lên các báo lớn và coi thường các tờ báo chưa thuộc loại hàng đầu.”

Ba năm sau, ngày 8/9/1962, cũng vào buổi chiều, Bác Hồ đến thăm Đại hội III Hội Nhà báo Việt Nam và nói chuyện với các đại biểu. Lần này, Bác Hồ “lấy tư cách một đồng chí có ít nhiều kinh nghiệm về báo chí”, Người nêu “Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông, ngắn gọn, dễ đọc? Viết xong thì nhờ anh em xem và sửa giùm. Chớ tự cho bài mình viết ra thế này là tuyệt rồi”. Bác khuyên nhà báo ra sức coi trọng, bảo vệ sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ. Kết thúc bài phát biểu, Bác Hồ khuyên cho tất cả những ai làm báo, lời khuyên ấy như là một danh ngôn vĩnh cửu: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ …”

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, như các trích dẫn trong tập sách của Phan Quang: “Báo chí là một mặt trận, anh chị em nhà báo là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Nhiệm vụ của nhà báo, vinh dự của báo chí là “Viết cho đúng, cho hay, có nhiều người đọc”.

Phong cách báo chí Hồ Chí Minh

Phan Quang khiêm nhường viết trong lời thưa: “Hồ Chí Minh là cánh rừng bạt ngàn trên đỉnh Hoàng Liên Sơn, tôi đứng ở chân núi chỉ có thể nhìn thấy mấy cây trước mắt”. Phan Quang muốn chuyển đến bạn đọc một thông điệp: Tư tưởng, đạo đức, phong cách báo chí Hồ Chí Minh là trùng điệp, to lớn, vĩ đại, chỉ trong hơn 30 bài viết trong tập sách không thể diễn tả hết. Tuy nhiên, đọc hết hơn 250 trang sách, chúng ta cảm nhận đầy đủ, xuyên suốt: Tư tưởng, đạo đức, phong cách báo chí Hồ Chí Minh, thông qua ngòi bút sắc sảo của Phan Quang.

Nhà báo, nhà văn Phan Quang.

Nhà báo, nhà văn Phan Quang.

Trong bài “Kỷ niệm sâu sắc nhất đời tôi” (Sách đã dẫn, trang 217), Phan Quang kể lại tác phong đọc báo, phê bình báo thật chi tiết và cụ thể của Bác Hồ. Ngày 5/1/1958, Bác Hồ về thăm tỉnh Hưng Yên, lúc đó đang hạn hán nặng. Bác lội bộ giữa cánh đồng nứt nẻ khô hạn thăm hỏi bà con nông dân đào mương dẫn nước chống hạn. Buổi tối về tòa soạn, Phan Quang (phóng viên tháp tùng Bác Hồ) viết tường thuật đăng trên báo Nhân Dân. Sáng hôm sau Bác gọi đích danh Phan Quang đến Phủ Chủ tịch. Khi phóng viên Phan Quang bước vào phòng thì Bác đang làm việc. Ngước mắt thấy Phan Quang đứng chắp tay trước mặt, Bác hỏi hiền từ: “Chú Quang đấy à? Bác đã đọc bài của chú. Chú viết như thế là được. Nhưng Bác hỏi chú: Chú viết Hồ Chủ tịch đi bộ mấy cây số liền giữa cánh đồng (chi tiết này tôi tâm đắc lắm, nhắc đến hai lần trong bài). Vậy là từ xưa tới nay Bác Hồ không đi bộ bao giờ à?”. Rồi cao giọng, Bác nói gần như gắt: “Bác Hồ đi bộ giữa cánh đồng, thì có gì mà nói lắm thế?”. Phan Quang rút ra bài học nghề báo: Mỗi cử chỉ bình thường, mỗi lời nói bất thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều là bài học nhớ đời của người làm báo, thấm đượm tính khiêm nhường và tính nhân văn sâu sắc.

Tham luận tại hội thảo “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (sách đã dẫn, trang 112), Phan Quang minh chứng và phân tích phong cách báo chí Hồ Chí Minh. Mỗi dịp đến thăm báo chí, bất cứ lúc nào Bác Hồ đều chỉ dẫn các nhà báo “dấn thân”, “gần gũi quần chúng”. Bác Hồ khuyên nhà báo khi đặt bút viết tin, viết bài, chụp ảnh - dù với thể loại nào đều phải tự hỏi mình: Viết cho ai?, viết để làm gì?, vì ai mình viết? Phan Quang và nhiều nhà báo khác đã làm đúng những điều Bác dạy, khi tác nghiệp, khi “dấn thân” với nghề báo. Bác Hồ dạy: Về văn phong báo chí, cần “giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, hoạt bát …”.

Báo chí trong bất cứ trường hợp nào cũng là diễn đàn của nhân dân. Tác phẩm mang dấu ấn cá nhân của người làm ra nó, song tờ báo bất cứ lúc nào cũng phải là công sức, tâm huyết của một tập thể. Tính tập thể trong tư duy Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện trước hết và chủ yếu về mặt nội dung mà còn cả “lối làm việc hài hòa giữa các đồng nghiệp và của tất cả những người trong tòa soạn, bao gồm người viết, người in, người sửa bài, người phát hành … (tất cả phải) ăn khớp với nhau”…

Ngày 6/9/2018, Đài Tiếng nói Việt Nam kỷ niệm 73 năm ngày thành lập, cũng là ngày ra mắt tập sách “Phan Quang - 90 tuổi đời, 70 tuổi nghề” - PGS, TS Nguyễn Thị Trường Giang sưu tầm, tuyển chọn. Tại buổi lễ kỷ niệm trọng thể, nhiều ý nghĩa này, có đông các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, đồng nghiệp, bạn bè quý thân đến dự, chia vui, Phan Quang phát biểu như một lời tâm sự chí tình: “Tôi đam mê văn học từ hồi bé nhưng lớn lên, tổ chức lại phân công làm báo. Vâng lời dạy của Bác Hồ, tôi đã nỗ lực hết mình, và để tự an ủi, tôi nghĩ báo và văn là con cùng một mẹ, người mẹ ngôn từ, hai anh em trưởng thành đi làm ăn mỗi người một nẻo nhưng phân mà không cắt, phân rồi lại hợp, có hợp có phân, dù rạch ròi báo - văn, trong văn có báo, trong báo có văn, ta hãy cố làm tốt bất cứ việc gì có ích, chớ có mơ màng chuyện viển vông. Ngày ngày tôi trõm mắt viết bài, đọc tin, sửa duyệt bài của anh em, đêm đêm bên ánh đèn không đủ sáng tôi làm văn, viết truyện, dịch tác phẩm văn học nước ngoài… Tôi đã để nghề báo ngập lụt cuộc đời mình”. Và Phan Quang đã phấn đấu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nghề báo và nghiệp văn. Ngoài tuổi 90, vẫn một Phan Quang thông tuệ, uyên bác, lịch lãm và khiêm nhường cho ra mắt bạn đọc: “Bác Hồ, Người có nhiều duyên nợ với báo chí” - Thật đáng quý và đáng trân trọng biết bao sức làm việc không ngừng nghỉ mà đồng nghiệp lão thành Phan Quang dành cho đời, cho nghề, cho sự nghiệp báo chí và văn chương.

Nhà báo lão thành Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, nguyên Tổng biên tập báo Nhân Dân, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng Sản đã cảm nhận khi đọc tác phẩm Bác Hồ, Người có nhiều duyên nợ với báo chí: “Phan Quang là một cây bút sắc sảo, đa tài - Phan Quang, một nhà báo lỗi lạc, một cây đại thụ trong làng báo chí cách mạng nước ta hiện nay. Phan Quang đã viết, dẫn chứng để khẳng định: Bác Hồ đã tỏa sáng như những ngọn thiên sơn; là người con kiệt xuất của đất nước, vị kế thừa và phát huy xuất sắc cốt cách dân tộc để hòa quyện vào tinh hoa nhân loại” (Báo Dân trí, 18/4/2019).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng biên tập báo Nhân Dân, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương đã cảm nhận về cuốn sách của Phan Quang: “Đây là một cuốn sách có ý nghĩa lý luận - thực tiễn về báo chí kịp thời, góp phần soi sáng và cổ vũ con đường phát triển đúng đắn của báo chí Việt Nam trong thời đổi mới và hội nhập quốc tế. Gấp cuốn sách lại, tôi nể phục tác giả - Phan Quang - vì trong số hơn 30 bài được tuyển chọn in, có bài viết cách đây đã 65 năm, nhưng vẫn còn nguyên giá trị thời sự…” (Báo Nhân Dân, 19/4/2019).    

Nhà báo Phạm Quốc Toàn (Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam)

Tin khác

Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

(CLO) Tham gia Đoàn công tác số 6/2024 thăm quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK-I, các phóng viên báo chí đã có một tuần trải nghiệm, tác nghiệp vất vả nhưng hạnh phúc giữa trùng khơi sóng vỗ...

Nghề báo
Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

(CLO) Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ, Sở này đã đón tiếp, cấp thẻ, hỗ trợ tác nghiệp cho 251 phóng viên thuộc 66 cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương trong dịp Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Nghề báo
Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

(NB&CL) Có một “điểm chạm” trong cảm xúc “về nguồn” của những người làm báo khi nhắc nhớ về một ngôi trường đặc biệt – Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Đó là cảm xúc tự hào về một “mốc son lịch sử” gắn liền với những chặng đường làm báo vinh quang dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy đầu tiên của báo chí cách mạng… Dù thời gian có xa xanh thì khí phách của một thời đẹp đẽ ấy sẽ mãi là những giá trị trường tồn, tiếp lửa cho thế hệ hôm nay.

Nghề báo
Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

(NB&CL) Thành công của năm 2023 tiếp tục tạo đà cho Hội Nhà báo Việt Nam trong năm 2024 bứt tốc hơn nữa với nhiều nhiệm vụ mới. Đặc biệt, 2024 là năm thứ 3 các tổ chức Hội triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, các Nghị quyết của Ban Chấp hành và Chương trình công tác toàn khóa nhiệm kỳ 2020 - 2025...

Nghề báo
Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

(CLO) Tối 17/4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Bộ Thông tin & Truyền thông phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba năm 2024.

Nghề báo