Bài 3: Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh: Nguồn tin chính thống phải trở thành kênh truyền thông mạnh, hấp dẫn, tin cậy
(CLO) “Các nguồn tin chính thống phải trở thành các kênh truyền thông mạnh, hấp dẫn, tin cậy, để công chúng lựa chọn làm nguồn tin cho mình. Đây là cách chúng ta chủ động không tiếp cận với tin giả, nguồn tin giả”, Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh khẳng định.
Không phải đến bây giờ vấn nạn tin giả mới nhức nhối nhưng thực tế là trong đại dịch Covid -19, “bão” tin giả đang thực sự khó kiểm soát. Dưới góc độ một chuyên gia truyền thông ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?
Tin giả ngày càng tinh vi, khó nhận biết. Nếu trước đây, tin giả đi theo hướng bịa đặt, đồn thổi, lấy chuyện của nước ngoài gán vào tin giả về Việt Nam, hoặc lấy chuyện cũ, từ nhiều năm trước để bịa thành tin mới, thì tin giả thời gian gần đây lấy một phần sự thật, hiện tượng và thêm thắt các chi tiết giả vào, hoặc là gán tin giả cho một người nào đó, khoác những chức vị, công việc chuyên môn, để tung các thuyết âm mưu. Nếu người đọc không tinh ý thì rất dễ bị lừa.
Nhiều người bị cảm xúc chi phối, rất dễ tin các loại tin giả như vậy, vô tình tiếp tục chia sẻ và lan toả. Đã có báo cáo tổng kết cho biết tin giả dễ lôi kéo tương tác gấp 6 lần tin thật.

Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh
Bài liên quan
Bài 2: Báo chí có trách nhiệm nắn dòng thông tin sai lệch, lấn át tin giả, lấy lại niềm tin độc giả
Cũng có nhiều tin giả xuất phát từ các dự thảo văn bản, nội dung các cuộc thảo luận trong cơ quan nhà nước, nhưng không được thông qua, nghĩa là không phải sự thật. Tôi gọi đây là loại thông tin “cầm đèn đi trước ô tô”, vội vã đăng tải khi nó chưa trở thành tin. Loại thông tin này cũng nguy hiểm, vì nó là một nửa sự thật.
Các thuyết âm mưu liên quan đến Covid-19 có rất nhiều, từ những suy đoán thiếu căn cứ về virus, về vắc xin, về các giải pháp chữa trị không có cơ sở khoa học, đến các thông tin về hoạt động chống dịch bệnh. Thông thường thì thuyết âm mưu đánh vào định kiến của người đọc nên rất dễ thuyết phục, dễ được chia sẻ, lan truyền.
Tôi cho rằng mặt trận truyền thông của chúng ta hiện nay chưa mạnh, chưa đủ sức ngăn chặn sự lây lan của tin giả. Đó là trở ngại rất lớn cho các nỗ lực phòng chống Covid-19 của chính phủ và nhân dân ta.
Cơ quan báo chí tạo "vùng xanh” tin tức thông qua các chuyên mục, chuyên đề, các chương trình phát sóng... Nhiều group chống tin giả, group trên mạng xã hội cũng vào cuộc lan tỏa các tin tức thật, sạch, kiểm chứng thông tin... phần nào thể hiện được sự “vào cuộc” rất quyết liệt của báo chí - truyền thông. Thưa ông, điều đó đã có hiệu quả như thế nào trong cuộc chiến này?
Đáng mừng là chúng ta đã ý thức rất rõ về tác hại của tin giả. Vì thế nên các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý và nhiều người có trách nhiệm trên mạng xã hội đã lên tiếng cảnh báo, tham gia vào quá trình kiểm chứng thông tin. Điều này giúp cho những người có ý thức có thể tự kiểm tra các thông tin họ nhận được, và tất nhiên sẽ dễ dàng phát hiện tin nào là giả, là không thật hoặc bị bóp méo.
Tôi thấy đã có rất nhiều người trên mạng xã hội bình luận, cảnh báo người đưa tin giả, hoặc chủ động thông báo cho nhau cái gì là giả. Đó có thể là nhờ họ tiếp nhận thông tin từ các nguồn fact-check của báo chí, hoặc tự họ đã có được vắc xin miễn nhiễm tin giả. Đó là những chuyển biến rất tích cực.
Báo chí truyền thông đang trở thành lực lượng chủ lực trong cuộc chiến chống tin giả. Nhưng để việc chống tin tức giả mạo, “dập dịch tin giả” hiệu quả chúng ta cần những giải pháp đồng bộ, trong đó thậm chí có cả vấn đề xử phạt hình sự. Thưa ông, thời gian tới chúng ta cần đẩy mạnh và tăng cường hơn nữa như thế nào vấn đề này?
Vâng, tất nhiên là cuộc chiến chống tin giả không đơn giản. Nó đòi hỏi nhiều biện pháp đồng bộ, mà trong đó việc bóc trần tin giả, kiểm chứng thông tin chỉ là một. Như đã nhiều lần chia sẻ, tôi cho rằng chúng ta cần phải triển khai đồng bộ mấy giải pháp như sau:
Thứ nhất, cần phải hướng dẫn cho cộng đồng biết cách tự phát hiện tin giả, bằng cách kiểm chứng nguồn tin có chính danh không, có đúng là nguồn tin phù hợp với nội dung đăng tải không, có các nguồn tin tin cậy nào cũng đăng tải nội dung đó không. Việc báo chí kiểm chứng, phát hiện tin giả cũng là để giúp bạn đọc tự trang bị công cụ phát hiện tin giả. Có thể gọi một cách hình tượng đây là giải pháp vắc xin chống tin giả.
Thứ hai, các nguồn tin chính thống phải trở thành các kênh truyền thông mạnh, hấp dẫn, tin cậy, để công chúng lựa chọn làm nguồn tin cho mình. Đây là cách chúng ta chủ động không tiếp cận với tin giả, nguồn tin giả.
Thứ ba, phải mạnh tay xử lý các nguồn tin phát tán tin giả, không loại trừ biện pháp hình sự, nếu có bằng chứng cho thấy người phát tán tin giả là cố tình hay là trục lợi từ tin giả. Các hình thức xử phạt hành chính cũng phải nghiêm minh và có tính răn đe cao. Nên căn cứ vào mức độ lan toả ảnh hưởng của người tung tin giả để đưa ra mức độ xử phạt tương ứng, chứ không phải dàn đều, đổ đồng như chính sách hiện nay.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Sông Mây (thực hiện)