Báo chí thời đại dịch: Mong manh hai chữ bảo toàn!

Thứ năm, 09/04/2020 08:00 AM - 0 Trả lời

(CLO) Ngày 1/4, Báo Phụ nữ Thủ đô ra thông báo tạm dừng xuất bản hai ấn phẩm báo giấy là tuần báo Phụ nữ Thủ đô, đặc san Đời sống - Gia đình hai kỳ vì lý do dịch Covid-19, sau đó, tùy tình hình thực tế, báo sẽ tiếp tục xuất bản. "Tùy tình hình" là cụm từ thật bẽ bàng.

Bài liên quan
Sạp báo truyền thống ngày càng khó kiếm, chủ yếu bày bán tạp chí, các ấn phẩm

Sạp báo truyền thống ngày càng khó kiếm, chủ yếu bày bán tạp chí, các ấn phẩm "thị trường". Ảnh minh họa.

1. Trước đó, ngày 30/3, Ban Biên tập báo Việt Nam News (thuộc Thông tấn xã Việt Nam) thông báo sẽ ngừng ấn bản báo in trong 16 ngày (từ 31/3 đến 15/4) sau khi một nữ phóng viên của báo nhiễm virus corona chủng mới. 

Lý do dẫn tới việc Việt Nam News quyết định tạm dừng xuất bản báo in không phải là vấn đề tài chính. Và tờ báo này còn một "đất diễn" khác là phiên bản Việt Nam News điện tử. Nhưng với Phụ nữ Thủ đô thì khác, bởi tuần báo này chỉ có duy nhất phiên bản báo in, việc tạm dừng xuất bản cả tuần báo Phụ nữ Thủ đô và đặc san Đời sống - Gia đình sẽ gây nên sự đứt gãy về thông tin, quảng cáo, phát hành.

Những người trong ngành chia sẻ rằng họ hiểu đại dịch Covid-19 là cơ sở quan trọng dẫn tới việc tạm dừng xuất bản của Phụ nữ Thủ đô, nhưng chính yếu vẫn là vấn đề tài chính. Đó cho thấy sức cạnh tranh của báo in nói chung và tuần báo Phụ nữ Thủ đô cũng như đặc san của nó nói riêng thua thiệt so với một số tờ báo in vẫn "cầm cự" được, so với các nền tảng truyền thông đa phương tiện khác… Và cũng cho thấy kinh tế báo chí thời đại truyền thông số đang đi vào bi đát.

2. Không phải bây giờ, mà từ 15 năm về trước, báo in trên toàn thế giới đã bắt đầu đặt những bước chân đầu tiên của hành trình suy thoái, chật vật tìm mọi phương cách để tồn tại, được khuyến cáo và từng bước chuyển sang nền tảng trực tuyến.

Tại Việt Nam, từ bấy đến nay, đã có nhiều tờ báo in lần lượt phải đóng cửa hoặc chuyển từ nhật báo thành tuần báo, khi mà số lượng phát hành sụt giảm, doanh thu từ quảng cáo tụt dốc không phanh. Cũng vì khó khăn, nhiều cơ quan báo chí buộc phải cắt giảm thu nhập của cán bộ, phóng viên. Tình trạng phóng viên "mồ côi" không lương, không nhuận bút… đã là một hiện thực đầy đau xót của nghề báo.

Đề cập đến khả năng báo in bị “khai tử”, Tổng Biên tập một tờ báo cho rằng khả năng tất cả báo in bị khai tử sẽ không xảy ra, nhưng nhiều tờ báo in sẽ “lần lượt khai tử”, nhất là những tờ mới ra thị trường hoặc những tờ không tìm được cách đi riêng để có độc giả. Số phận của báo giấy còn ở thì tương lai, nhưng cũng dễ đoán biết nếu nhìn vào số lượng phát hành sụt giảm theo từng tháng, từng năm, sạp báo ở các đô thị lớn cũng ngày một khó kiếm. Ở Hà Nội, thời đình cao có tới hơn 700 sạp báo, nay liệu có còn được 200?

Sự suy giảm của báo giấy và các loại hình báo chí truyền thống là "nguy cơ được báo trước", Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ đã nhận định như vậy, và tới nay vẫn nguyên giá trị.

Xu hướng số hoá là không thể đảo ngược trong tiến trình phát triển. Và báo chí, truyền thông - ngành nghề tiếp xúc sớm nhất, phản ứng nhanh nhạy nhất với mọi biến động đương nhiên không thể thoát ra ngoài quỹ đạo. Chúng ta đang đứng trước thời điểm bản lề lịch sử của nghề báo, mà nếu không nhận thức đúng, đề ra cách thức thay đổi, ứng phó phù hợp sẽ tụt hậu, thua cuộc, dù quá khứ là vẻ vang.

3. Quá khứ vẻ vang đã không thể giúp báo in trong kỷ nguyên số đa nền tảng, kể cả những tờ báo có lịch sử và uy tín tầm cỡ thế giới. Báo chí Việt Nam đã và đang rục rịch chuyển mình, như phát triển nền tảng điện tử, các kênh mạng xã hội như Facebook, Youtube, chi tiền nhiều hơn cho quảng cáo Google… Tuy nhiên, ngoài một số tờ báo có tiềm lực và nền tảng công nghệ tốt, đa phần đều rất bị động.

Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HDQT Tập đoàn Truyền thông Lê nhận xét: Xu thế người dùng dần dịch chuyển từ báo chí truyền thống sang truyền thông xã hội là điều không thể tránh khỏi! Ông cho biết đến năm 2021, dự kiến lượng người dùng mạng xã hội (MXH) trên toàn cầu sẽ đạt hơn 3 tỷ. Việt Nam hiện có 57,43% số lượng người sử dụng Facebook và còn tiếp tục gia tăng. Trong đó, 80% người Việt cho rằng mạng xã hội là tích cực và chỉ có 6% cho rằng tiêu cực.

Còn ông Trương Trí Vĩnh, Giám đốc điều hành Tạp chí Nhà Quản Lý cho rằng:  “Việc nhìn nhận báo chí như một loại hàng hóa và việc tái tạo kênh phân phối báo chí trong bối cảnh hiện nay là một điều cần thiết”. Theo ông Vĩnh, sự cạnh tranh lớn nhất của các cơ quan thông tấn là mạng xã hội, và lãnh đạo báo chí phải tư duy như lãnh đạo doanh nghiệp, coi tờ báo của mình như một công ty trong ngành công nghiệp tin tức!

Chỉ ra lợi thế và vai trò quan trọng của báo chí là sản xuất thông tin gốc, ông Vĩnh cho rằng các tờ báo cần tận dụng điều này cũng như tìm kênh phân phối hiệu quả thay vì tìm cách bán được quảng cáo và thắng được mạng xã hội. “Nếu cho rằng các nền tảng như Facebook là đối thủ mà không nhìn lại thị trường thì bài toán phân phối báo chí sẽ bế tắc. Nhà sản xuất không bao giờ đặt vấn đề để thắng kênh phân phối mà làm thế nào sử dụng kênh phân phối hiệu quả nhất”, ông giải thích.

Đáng lo ngại hơn, nhiều tờ báo khi khó khăn trong khai thác quảng cáo, đã tổ chức "bán nội dung" qua các hợp đồng bảo trợ thông tin, các chương trình quảng cáo dưới "vỏ bọc" là tuyến bài kinh tế- xã hội, thị trường. "Bạn đọc rất khó nhận ra đâu là tin bài nội dung, đâu là quảng cáo vì báo chí "trộn" nó vào nhau trong cùng chuyên mục nội dung. Thậm chí có báo chí bán nội dung dưới dạng tuyến bài thời sự, kiếm quảng cáo từ các phi vụ điều tra… Đó là những mầm mống đổ vỡ khó tránh khỏi", lãnh đạo một công ty truyền thông dự báo.

Như vậy rõ ràng, bởi rất nhiều lý do, khách quan và chủ quan, báo chí truyền thống đã mang trong mình quá nhiều bất cập nội tại, mà đại dịch Covid-19 chỉ là cái cớ để mọi thứ lộ rõ hơn, thậm chí như Nhà báo & Công luận đã có bài viết, "như giọt nước tràn ly". Thế nên, ngay từ trong mùa dịch này, nếu các tờ báo không nhanh chóng có cho mình cách thức thay đổi, ứng phó phù hợp, thì e rằng, sẽ khó bảo toàn cho sự tồn tại của mình, 

Kiên Giang

Tin khác

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

(NB&CL) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), bắt đầu từ số báo này, chuyên trang Tư liệu Báo Nhà báo và Công luận có chuyên đề mang tên: “Điện Biên Phủ - Khúc tráng ca vang mãi”, cùng nhìn lại những dấu ấn không thể quên của chiến thắng vĩ đại này.

Góc nhìn
Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

(NB&CL) Có thể nói, chưa bao giờ, NHNN lại chịu nhiều sức ép trong quản lý thị trường vàng như hiện nay. Đó là sức ép từ nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, sức ép từ người dân và sức ép từ nhóm lợi ích doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Góc nhìn
Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

(NB&CL) Tuần qua, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Phiên họp tháng 3/2024) đã được dư luận quan tâm, đánh giá cao sự công khai, dân chủ, trách nhiệm trong hoạt động của Quốc hội và ngày càng gần dân hơn.

Góc nhìn
Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

(NB&CL) Trước những tổn thất tiềm ẩn đối với tổng giá trị xuất khẩu nông sản, chuyên gia cho rằng, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam là việc làm cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt lúc này là muộn, nhưng vẫn còn hơn không.

Góc nhìn
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

(NB&CL) Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ những làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới.

Góc nhìn