Chủ mưu vụ khủng bố ở sân bay Kabul, tổ chức Nhà nước Hồi giáo Khorasan là ai?

Thứ sáu, 27/08/2021 10:42 AM - 0 Trả lời

(CLO) Các vụ đánh bom tại sân bay Kabul ngày hôm qua (26/8) khiến hơn 70 dân thường và binh lính Mỹ thiệt mạng cho thấy chi nhánh của Nhà nước Hồi giáo ở Trung Á, IS-K, là một mối đe dọa an ninh lớn ở Afghanistan và trên toàn cầu.

Các vụ nổ làm rung chuyển sân bay Kabul khi các cuộc sơ tán tiếp tục. Ảnh: Reuters

Các vụ nổ làm rung chuyển sân bay Kabul khi các cuộc sơ tán tiếp tục. Ảnh: Reuters

Bài liên quan

IS-K nhận trách nhiệm với vụ khủng bố đẫm máu ở sân bay Kabul

Điều ai cũng lo sợ đã xảy ra vào thứ Năm (26/8): Rất nhiều người đã thiệt mạng trong một số vụ nổ tại Sân bay quốc tế Hamid Karzai của Kabul. Vụ nổ xảy ra sau khi các cơ quan tình báo phương Tây trước đó cảnh báo công dân không đến sân bay vì mối đe dọa khủng bố.

Chi nhánh Afghanistan của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo, được gọi là ISIS-Khorasan, IS-K hoặc ISIS-K đã lên tiếng nhận trách nhiệm về các vụ tấn công. Nhóm này lấy tên từ tỉnh Khorasan, một khu vực từng bao gồm nhiều vùng rộng lớn của Afghanistan, Iran và Trung Á vào thời Trung cổ.

Các quan chức Mỹ nói với The New York Times rằng các cuộc tấn công sân bay là cuộc tấn công chiến lược chống lại cả Mỹ và Taliban, nơi mà các nhà lãnh đạo mới của Afghanistan đang cố gắng chứng minh với thế giới rằng họ kiểm soát đất nước.

Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố hôm thứ Ba (24/8) rằng các nỗ lực sơ tán sẽ hoàn thành vào ngày 31/8, ông đã viện dẫn Nhà nước Hồi giáo IS chứ không phải Taliban là lý do để bám sát thời hạn. "Mỗi ngày chúng tôi ở đó là một ngày mà chúng tôi biết ISIS-K sẽ nhắm mục tiêu vào sân bay và tấn công người Mỹ cũng như các đồng minh và dân thường vô tội".

IS-K và Taliban đã giao tranh đẫm máu với nhau trong một thời gian. Trước vụ nổ hôm thứ Năm (26/8), các hãng thông tấn trích dẫn các nguồn tin quân sự cho biết Taliban đã chặn và tiêu diệt một số sát thủ IS tại các trạm kiểm soát của Taliban xung quanh sân bay. Ngoài ra, một số lính canh Taliban cũng được cho là đã thiệt mạng trong các vụ đánh bom.

Một hố sâu ý thức hệ ngăn cách hai nhóm chiến binh. Trong khi IS thuộc phong trào Salafist của Hồi giáo; Taliban tuân theo trường phái Deobandi. Trong khi Taliban có vẻ hài lòng - ít nhất là hiện tại - với một tiểu vương quốc cho mình ở Afghanistan, nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Afghanistan và Pakistan cố gắng thiết lập một 'triều đại' trên khắp Nam và Trung Á và kêu gọi về một cuộc thánh chiến trên toàn thế giới chống lại những người không theo đạo Hồi.

Đối với IS-K, quan điểm của Taliban là không đủ nghiêm khắc. Các chiến binh IS đã gọi Taliban là những kẻ bội đạo và những người Hồi giáo xấu vì họ sẵn sàng đàm phán một thỏa thuận hòa bình với Mỹ. Làm như vậy, họ đã phản bội các mục tiêu của thánh chiến, các chiến binh IS nói.

Các chiến binh Taliban quan sát mọi người trước bệnh viện khi tình nguyện viên chăm sóc những người bị thương. Ảnh: Getty

Các chiến binh Taliban quan sát mọi người trước bệnh viện khi tình nguyện viên chăm sóc những người bị thương. Ảnh: Getty

Nhà nước Hồi giáo Khorasan tổ chức và hoạt động thế nào?

Đó cũng là lý do tại sao nhiều nhóm thánh chiến đã chúc mừng Taliban khi họ tiến quân vào Kabul hai tuần trước nhưng các nhóm Nhà nước Hồi giáo thì không. Thay vào đó, IS-K tuyên bố sẽ tiếp tục chiến đấu chống lại Taliban. Các tay súng Taliban đã cùng với các lực lượng chính phủ Mỹ và Afghanistan đánh đuổi Nhà nước Hồi giáo khỏi các khu vực đông bắc Afghanistan.

Theo báo cáo ngày 15/7 của Liên Hợp Quốc, IS-K có từ 500 đến 1.500 chiến binh ở Afghanistan và đã củng cố các vị trí của chúng trong và xung quanh thủ đô Kabul, nơi chúng thực hiện hầu hết các cuộc tấn công. Nhóm này hy vọng sẽ mở rộng cấp bậc của mình bằng cách tuyển mộ các chiến binh Taliban bất mãn, những người từ chối các cuộc đàm phán hòa bình gần đây với Mỹ.

IS cũng đang dựa vào một lượng lớn các chiến binh từ Syria, Iraq và các khu vực xung đột khác. Trong một báo cáo hồi tháng 6 của Liên Hợp Quốc, tổ chức này ước tính rằng có khoảng 8.000 đến 10.000 chiến binh nước ngoài hiện đang ở Afghanistan.

Phái bộ Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Afghanistan (UNAMA) đã thống kê được 77 cuộc tấn công của các chiến binh IS chỉ trong 4 tháng đầu năm 2021. Con số này gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái. Một vụ đánh bom xe hồi tháng 5 tại một trường học có học sinh chủ yếu là học sinh dòng Shiite ở Kabul khiến 85 người thiệt mạng và 300 người khác bị thương. Hoa Kỳ đổ lỗi cho IS-K về vụ tấn công.

Một tháng sau, các tay súng IS-K phục kích và giết chết 10 người làm việc với một tổ chức phi chính phủ chống bom mìn ở tỉnh Baghlan, miền bắc Afghanistan. Những người thiệt mạng thuộc về HALO Trust, một tổ chức từ thiện của Anh được thành lập vào năm 1988 để giúp các quốc gia khôi phục sau các cuộc xung đột bằng cách loại bỏ bom mìn. Giám đốc điều hành của tổ chức phi chính phủ sau đó nói với BBC rằng các chiến binh Taliban địa phương đã tiêu diệt những kẻ tấn công, điều này làm gia tăng căng thẳng giữa hai nhóm.

IS-K đã ra tay chống lại Taliban vào năm 2017 khi chúng đánh đuổi Taliban ra khỏi vùng núi Tora-Bora. Hệ thống đường hầm sâu của Tora-Bora là nơi thủ lĩnh của al-Qaeda, Osama bin Laden ban đầu ẩn náu, tránh khỏi các cuộc tấn công trả đũa của Mỹ sau vụ tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001 tại Uni.

IS-K ban đầu nổi lên ở Pakistan với tư cách là một nhóm sinh viên vũ trang thuộc tổ chức bảo trợ, Tehrik-i-Taliban Pakistan. Lo sợ bị khủng bố tại quê nhà, họ chạy qua biên giới tới Afghanistan và cam kết trung thành với Nhà nước Hồi giáo và thủ lĩnh IS là Baghdadi vào năm 2014, kẻ hiện đã bị giết.

Vào mùa xuân năm 2015, IS chính thức đưa những kẻ khủng bố vào mạng lưới của chúng và tuyên bố mở rộng sang Trung Á với tên gọi IS-K. Vào thời điểm đó, IS đang ở đỉnh cao quyền lực ở Iraq và Syria, chúng có thể cung cấp hỗ trợ tài chính và nhân sự cho các chi nhánh của chúng ở Afghanistan. Sự hỗ trợ đó phần lớn đã cạn kiệt. Nhưng theo LHQ, giới lãnh đạo IS ở Syria và Iraq, từ đó hoạt động ngầm, vẫn duy trì liên lạc với IS-K.

Hoàng Long

Bình Luận

Tin khác

Căng thẳng Mỹ - Nga lan ra cả ngoài không gian

Căng thẳng Mỹ - Nga lan ra cả ngoài không gian

(CLO) Ngày 24/4, Nga đã bác bỏ một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc do Mỹ soạn thảo kêu gọi các quốc gia ngăn chặn chạy đua vũ trang ngoài không gian. Động thái này cho thấy căng thẳng giữa hai cường quốc đã lan ra ngoài không gian.

Thế giới 24h
WHO: Việc sử dụng rượu và thuốc lá điện tử ở giới trẻ đáng 'báo động'

WHO: Việc sử dụng rượu và thuốc lá điện tử ở giới trẻ đáng 'báo động'

(CLO) Theo một báo cáo công bố hôm thứ Năm (25/4) của chi nhánh Châu Âu thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc sử dụng rộng rãi rượu và thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên là “đáng báo động”.

Thế giới 24h
Mỹ sẽ gửi vũ khí tới Ukraine qua Đức và Ba Lan

Mỹ sẽ gửi vũ khí tới Ukraine qua Đức và Ba Lan

(CLO) Trong nhiều tháng, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chuẩn bị cho ngày Hạ viện Mỹ phê duyệt gói viện trợ mới cho Ukraine trị giá 61 tỷ USD.

Thế giới 24h
NASA sắp lắp đặt mạng 4G để chuẩn bị cho con người trên Mặt trăng

NASA sắp lắp đặt mạng 4G để chuẩn bị cho con người trên Mặt trăng

(CLO) NASA và Nokia đã hợp tác lắp đặt mạng di động trên Mặt trăng nhằm chuẩn bị cho sự hiện diện lâu dài của con người trên các hành tinh ngoài Trái đất.

Thế giới 24h
Nga tiếp tục dồn ép trên chiến trường khi Ukraine chờ viện trợ Mỹ

Nga tiếp tục dồn ép trên chiến trường khi Ukraine chờ viện trợ Mỹ

(CLO) Khi Mỹ chuẩn bị chuyển 61 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine, các báo cáo từ miền đông Ukraine tiếp tục nêu bật sự thất thế của Kiev trên chiến trường.

Thế giới 24h