“Cơn sốt” điện mặt trời áp mái liệu có hạ nhiệt trong năm 2021?

Thứ năm, 21/01/2021 10:33 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Sau một năm 2020 bùng nổ về các dự án, công trình điện mặt trời áp mái, năm 2021 có thể là khoảng thời gian quan trọng để kiểm soát, ổn định nguồn năng lượng này.

Nhìn lại “cơn sốt” điện mặt trời trong những năm qua

Những năm trở lại đây, thị trường điện mặt trời, đặc biệt là điện mặt trời áp mái (ĐMTAM) phát triển với tốc độ chóng mặt. Đến hết ngày 31/12/2020 đã có 101.029 công trình ĐMTAM đã được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 9.296 MWp.

Tổng sản lượng phát điện lên lưới từ ĐMTMN lũy kế đến nay đã đạt hơn 1,13 tỷ kW giờ, góp phần bảo đảm cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đưa ra cam kết là sẽ luôn hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển năng lượng tái tạo nói chung và ĐMTAM nói riêng theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ.

dien mat troi

Ngoài ra, theo EVN, hiện còn 4.850 dự án điện mặt trời mái nhà (công suất 2.860 MWp) đăng ký thực hiện trong năm 2020. Việc phát triển ĐMTAM tại nước ta trong ba năm trở lại đây phù hợp với xu thế chung của thế giới, khi biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường ngày càng trở thành vấn đề cần được ưu tiên. Các dạng năng lượng tái tạo như điện mặt trời áp mái bắt đầu có được sự quan tâm của những người làm chính sách bởi nó tận dụng được nguồn tài nguyên vô tận và góp phần giảm tải công suất cho lưới điện quốc gia.

Đặc biệt, sau Quyết định 11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, trong đó có ĐMTAM, rất nhiều công ty trong lĩnh vực năng lượng đã đầu tư vào các thiết bị liên quan. Điều này khiến cho thị trường pin mặt trời áp mái trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Trào lưu sử dụng điện mặt trời để giảm hóa đơn tiền điện hằng tháng ngày càng nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân. ĐMTAM dần cho thấy sự hiệu quả, thân thiện và bền vững khi người tiêu dùng có thể sử dụng điện sạch từ nguồn năng lượng mặt trời, thậm chí có thể bán lại cho điện lưới quốc gia nếu không sử dụng hết.

Sau ngày 31/12/2020: Vẫn lúng túng về chính sách mới cho điện mặt trời áp mái

Về việc phát triển ĐMTAM, theo EVN, sau ngày 31/12/2020, Quyết định 13/2020 của Chính phủ sẽ hết hiệu lực nhưng đến nay chưa có quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn thực hiện tiếp theo của Bộ Công Thương. Hiện Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đã có văn bản cho biết đang phối hợp với các đơn vị tư vấn nghiên cứu các mô hình, quy mô và giá mua bán điện tương ứng cho từng loại hình ĐMTAM. Dự kiến trong quý 1/2021, Cục này mới báo cáo Bộ Công Thương xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích ĐMTAM cho giai đoạn tiếp theo. Do vậy, kể từ 0h ngày 1/1/2021 trở đi, loại hình và giá mua bán điện đối với ĐMTAM chưa được xác định.

EVN cho hay, trong thời gian chờ hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, các đơn vị điện lực trực thuộc sẽ thực hiện chốt danh sách các hệ thống ĐMTAM đã hoàn thành lắp đặt toàn phần hoặc một phần hệ thống vào vận hành thương mại đến thời điểm 24h ngày 31/12/2020.

Đối với các hệ thống ĐMTAM vào vận hành một phần hệ thống đến thời điểm 24h ngày 31/12/2020, các công ty điện lực sẽ lập biên bản xác nhận với chủ đầu tư về quy mô công suất của phần hệ thống đã vào vận hành. Theo đó, các công ty điện lực sẽ dừng tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu về đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện từ các hệ thống này phát triển sau ngày 31/12/2020 cho đến khi có hướng dẫn mới của cơ quan có thẩm quyền. EVN cho biết: “Đối với các công trình ĐMTAM phát triển sau ngày 31/12/2020, các đơn vị điện lực sẽ không ghi nhận điện năng phát lên lưới và không mua điện khi chưa có quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ”.

Về sự lúng túng này, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, cơ quan này cũng đang cân nhắc báo cáo lãnh đạo Bộ Công Thương xin phép Thủ tướng trước mắt để EVN vẫn đấu nối, ghi nhận số điện phát lên lưới cho các dự án vào sau 31,12. Cũng theo ông Dũng: “Cùng với đó, chúng tôi cũng đang gấp rút phối hợp với tư vấn cả trong nước lẫn quốc tế để tính toán giá FIT mới cho ĐMTAM, vì ĐMTAM thì không thể đấu thầu như các dự án điện mặt trời khác mà Bộ đang đề xuất”.

Liệu năm 2021, việc phát triển ĐMTAM có đi vào ổn định?

Mặc dù vậy, theo một số chuyên gia ngành điện, năm 2021 sẽ là năm đầu tiên giá mua điện của lưới điện quốc gia sẽ đi vào ổn định. Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công Thương Việt Nam xây dựng với khung chính sách và pháp lý mới, dự kiến sẽ được phê duyệt vào đầu năm sau. Trước đó, Quy hoạch điện VII đã được ban hành vào tháng 3/2016 dự báo năng lượng mặt trời sẽ có công suất phát triển tương ứng ở mức 4.000 MWp năm 2025 và 12.000 MWp trời sẽ có công suất phát triển tương ứng ở mức 4.000 MWp năm 2025 và 12.000 MWp đến năm 2030.

dienmattroiapmai

Cụ thể, giá mua điện từ các dự án ĐMTAM sẽ ở mức 8,38 UScent/kWh nhân với tỷ giá trung tâm của Việt Nam với đô la Mỹ, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố áp dụng cho ngày cuối cùng của năm trước. Ngoài ra, các chuyên gia đánh giá, ĐMTAM vẫn sẽ là xu hướng lựa chọn của nhiều hộ gia đình hay doanh nghiệp trong năm 2021 sắp tới.

Báo cáo tại hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia Nguyễn Đức Ninh cho biết, trong năm 2020, ngành điện chứng kiến sự tăng trưởng đột biến của năng lượng tái tạo. Trong đó, đáng chú ý là điện mặt trời áp mái.

Do vậy, năm 2021, sẽ cắt giảm khoảng 1,3 tỷ KWh năng lượng tái tạo thay vì con số 365 triệu KWh trong năm nay (gấp 3,56 lần). Trong đó, có hơn 500 triệu KWh do vấn đề thừa nguồn vào các thời điểm trưa, quá tải đường dây 500kw. Cụ thể, số liệu từ tháng 6/2020 cho thấy, sản lượng điện mặt trời áp mái đạt 6.000 MWp, nhưng đến tháng 12/2020 con số này tăng lên 10.000 MWp.

“Chính vì tăng đột biến như vậy, Trung tâm Điều độ hệ thống điện đã phải tiết giảm 365 triệu KWh trong năm 2020”, đại diện EVN cho biết. Việc tiết giảm sản lượng điện mặt trời chủ yếu do quá tải lưới nội vùng ở Ninh Thuận, Bình Thuận và một số tỉnh miền Trung.

Cũng theo vị này, trong các giờ thấp điểm trưa không thể dừng giảm các nguồn khác mà bắt buộc phải cắt nguồn năng lượng tái tạo, nếu tính theo tỉ trọng mà không phải theo công suất đặt năng lượng tái tạo ứng với giờ thấp điểm trưa thì tỉ trọng lên tới 50-60%, đặc biệt các ngày cuối tuần.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của EVN, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Đối với phát triển năng lượng tái tạo, chúng ta giải tỏa công suất nguồn, xây dựng tiêu chí phát triển ĐMTAM. Vừa qua có tình trạng lúng túng nên dẫn tới phát triển ĐMTAM theo phong trào. Do đó phải xem xét hạn chế, nghiên cứu phát triển với tiêu chí rõ ràng, tránh tình trạng trục lợi chính sách”.

Với thực tế trên, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia kiến nghị EVN phê duyệt phương thức phân bổ nghĩa vụ cắt giảm công suất ĐMTAM và điện mặt trời mặt đất.

Đồng thời kiến nghị EVN có báo cáo Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt nguyên tắc huy động nguồn năng lượng tái tạo khi hệ thống thừa nguồn hoặc quá tải lưới điện.

Dương Lâm

Tin khác

Gạo Việt Nam tiếp thục 'thăng hạng', xuất khẩu 3 tháng đạt 1,43 tỷ USD

Gạo Việt Nam tiếp thục "thăng hạng", xuất khẩu 3 tháng đạt 1,43 tỷ USD

(CLO) Quý I/2024, xuất khẩu gạo của Viêt Nam tăng trưởng 2 con số ở cả về lượng, kim ngạch và giá bán, đồng thời tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm.

Thị trường - Doanh nghiệp
UDIC lần thứ 6 được vinh danh Top 10 Nhà thầu xây dựng năm 2024

UDIC lần thứ 6 được vinh danh Top 10 Nhà thầu xây dựng năm 2024

(CLO) Việc UDIC được vinh danh Top 10 Nhà thầu xây dựng năm 2024, tiếp tục khẳng định sự nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đẩy mạnh tái cơ cấu, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao nội lực, biến thách thức thành cơ hội...

Thị trường - Doanh nghiệp
ĐHCĐ Cen Land (CRE) 2024: Mảng kinh doanh mới sẽ mang lại doanh thu

ĐHCĐ Cen Land (CRE) 2024: Mảng kinh doanh mới sẽ mang lại doanh thu

(CLO) Ngày 25/4, Công ty Cổ phần Bất động sản Thế Kỷ Cen Land (CRE) tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.

Thị trường - Doanh nghiệp
CEO Vinamilk: Ưu tiên tiếp tục tăng thị phần, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và cổ tức cho cổ đông​

CEO Vinamilk: Ưu tiên tiếp tục tăng thị phần, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và cổ tức cho cổ đông​

(CLO) Ngày 25/4/2024, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2024. Theo đó, dựa trên kỳ vọng tình hình vĩ mô cải thiện trong năm 2024, công ty đặt mục tiêu tăng trưởng 4,4% về doanh thu và 5% về lợi nhuận trước thuế. Bên cạnh đó, chiến lược đổi mới về thương hiệu, sản phẩm và phát triển bền vững của Vinamilk cũng được cổ đông quan tâm.

Thị trường - Doanh nghiệp
Techcombank huy động thành công khoản vay hợp vốn thứ tư trị giá 200 triệu USD

Techcombank huy động thành công khoản vay hợp vốn thứ tư trị giá 200 triệu USD

(CLO) Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) huy động thành công khoản vay hợp vốn trị giá 200 triệu USD. Đây là giao dịch hợp vốn thứ 4 của Techcombank, thu hút 15 ngân hàng tham gia với tỉ lệ đăng ký cho vay dư ở mức cao.

Thị trường - Doanh nghiệp