Nhà báo Nguyễn Ngọc Hiển – Tổng Biên tập báo Lao Động:

Công nghệ & Con ngườI sử dụng công nghệ phải luôn được đầu tư phát triển song hành

Thứ ba, 21/06/2022 10:35 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Không chỉ là bài toán của các tờ báo điện tử, nhiều thương hiệu báo in lớn đã chuyển dần sang sản xuất các sản phẩm báo chí áp dụng các công nghệ hiện đại cả chục năm nay.

Bài liên quan

Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Nguyễn Ngọc Hiển – Tổng Biên tập Báo Lao động xung quanh vấn đề ứng dụng công nghệ vào quy trình làm báo điện tử như thế nào trong xu thế chuyển đổi số hiện nay. Quan điểm xuyên suốt của người đứng đầu tờ báo có bề dày truyền thống vào diện lâu đời nhất của làng báo Việt Nam chính là việc đón bắt cơ hội, ứng dụng phù hợp và quan tâm đặc biệt đến bài toán con người trong việc vận hành công nghệ.

Báo điện tử cũng phải lo “phát hành” như báo in

+ Nếu xét về sự “thức thời” tôi cho rằng báo Lao động là một điển hình của tờ báo in truyền thống mà lại vô cùng hiện đại khi nhanh chóng đón bắt cơ hội chuyển mình ngoạn mục sang phát triển tờ báo điện tử. Thưa Tổng Biên tập, sự chuyển động ấy đã được bắt đầu như thế nào?

cong nghe con nguoi su dung cong nghe phai luon duoc dau tu phat trien song hanh hinh 1

Nhà báo Nguyễn Ngọc Hiển – Tổng biên tập báo Lao Động.

- Dù ở điểm xuất phát nào, với báo chí nói chung thì đều không thể phủ nhận vai trò quan trọng của công nghệ và việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động báo chí là tất yếu. Bởi xã hội hiện nay là xã hội số hóa, công nghệ hóa. Chúng tôi đã sớm đón bắt xu hướng này hàng chục năm, chuyển đổi và đầu tư từng bước sang báo điện tử với chiếc chìa khóa “công nghệ” được áp dụng hiệu quả. Bởi tôi cho rằng, báo điện tử muốn đến được với bạn đọc thì hàm lượng công nghệ chí ít cũng phải chiếm đến 40%.

Tác phẩm báo chí hay đến mấy nhưng mạng chậm, trình bày, thể hiện không tốt hoặc khả năng tìm kiếm không nhiều thì bạn đọc cũng không tiếp cận được. Nói một cách nôm na rằng “báo điện tử cũng phải lo phát hành như báo in”. Chỉ là phương thức phát hành báo in thì đưa tận tay, còn báo điện tử thì đưa qua mạng. Nếu hiểu như vậy thì quá trình chuyển đổi công nghệ của báo chí Việt Nam đang rất gấp rút. Nhưng phải nói thật là, ngay cả ở thời điểm này thì không phải báo nào cũng có thể làm tốt được việc đó.

Chỉ có những tờ báo có tiềm lực lớn, có kinh nghiệm, có sự “đi tắt đón đầu” thì mới có thể đạt được hiệu quả như mong muốn. Thậm chí, trên thực tế hiện nay cũng chỉ có một số ít báo tự chủ được về công nghệ, còn phần lớn đều phối hợp, hợp tác hoặc thuê các công ty công nghệ...

+ Tự chủ công nghệ thực sự là bài toán khó, với Báo Lao động thì sao, một tờ báo với bề dày hơn 90 năm, sự chuyển mình hẳn phải là một… cuộc cách mạng, thưa ông?

- Với chúng tôi, rõ ràng thời điểm bắt đầu là rất quan trọng. Cách đây 10 năm, Báo Lao Động đã xác định được điều này và bắt đầu xây dựng một mô hình báo chí ứng dụng công nghệ của riêng tòa soạn. Cho nên là từ giao diện, hệ thống quản trị nội dung (CMS), trình bày,… tất cả đều do đội ngũ cán bộ kỹ thuật của báo tự làm.

Đến bây giờ, toàn bộ CMS của báo điện tử đều do báo làm chủ, tự quản lý, tự viết, tự nâng cấp, điều chỉnh theo từng giai đoạn phù hợp. Chia sẻ điều này là bởi, trên thực tế, đối với những báo không làm chủ công nghệ, nếu như muốn thay đổi giao diện, cập nhật, nâng cấp tính năng mới,… thì phải thuê đơn vị ngoài vào làm, tốn rất nhiều thời gian, kéo theo chậm nhịp cả một quá trình đổi mới.

Chính vì vậy, đầu tư về công nghệ, tiền chỉ là một phần, quan trọng là phải xác định ngay từ đầu, đi từ sớm nhưng không đi vội mà đi từng bước một thì mới chắc chắn. Một điều cực kỳ quan trọng trên kinh nghiệm của chúng tôi là, nếu đã xác định ứng dụng công nghệ trong sản xuất thì phải chuẩn bị đội ngũ cán bộ kỹ thuật, phóng viên trẻ, nếu không sẽ không thể cập nhật công nghệ và nắm bắt nhanh để vận hành được. Hai yếu tố là công nghệ và con người sử dụng công nghệ phải luôn được đầu tư phát triển song hành.

Mục tiêu cuối cùng là phải có nhiều người đọc

+ Vậy thưa ông, con người sử dụng công nghệ được nâng cấp và đào tạo như thế nào để đảm bảo bắt nhịp và phù hợp?

- Trong xây dựng con người, phải xây dựng có tính kế cận, đó chính là định hướng của chúng tôi. Ngay trong đội ngũ công nghệ, phóng viên của Báo Lao Động phân biệt rất rõ, đồng đều và đầy đủ các lứa tuổi từ 6,7,8,9X để tiệm cận, truyền cho nhau thì mới đồng hành chuyển đổi được. Lãnh đạo nói chuyển đổi số, quán triệt những lợi ích của chuyển đổi số thì rất đơn giản nhưng làm sao để thực sự chuyển đổi số lại phụ thuộc vào yếu tố con người, những người trực tiếp thực hiện. Tất cả phải chung tay vào mới làm được, chứ nếu như chỉ nói là phải chuyển đổi số, phải điện tử hóa mà phóng viên, người lao động thấy thiệt thòi thì họ sẽ không làm, thậm chí họ nghỉ việc. 

+ Hẳn Tổng Biên tập cũng đã trăn trở không ít khi đưa ra quyết định để thuyết phục số đông chuyển đổi từ báo in sang báo điện tử với những ứng dụng công nghệ mới?

  - Tôi nhớ là, thời điểm ấy, khi bắt đầu chuyển đổi, rất nhiều người tại tòa soạn không chấp nhận khi bị yêu cầu đăng bài trên báo điện tử vì đăng trên báo in có nhuận bút ngay còn đăng trên báo điện tử phải đủ lượt view, lượng traffic mới được trả nhuận bút. Báo đã đưa ra giải pháp, cân nhắc với một số chuyên mục, dạng bài không cần có người đọc cũng trả nhuận bút và một số chuyên mục, dạng bài cần phải đủ lượt view, lượng traffic mới được trả nhuận bút.

Nói thật là, cách đây cũng tầm khoảng 4 năm, có những phóng viên gạo cội, có tên tuổi ở báo đã xin chuyển đi vì không chấp nhận, không thích ứng với việc tính lượt view. BBT Báo cũng phải thuyết phục mọi người rất nhiều vì một bài báo có lan tỏa không? Có tác dụng xã hội không?… là phải cân đo đong đếm vào lượng người đọc, lượng người đọc phản ánh chất lượng của bài báo.

Bởi mục tiêu cuối cùng là phải có nhiều người đọc, người đón nhận chứ viết mà không ai đọc thì hiệu quả sẽ bằng không. Chúng tôi cho rằng, việc phải làm là câu chuyện ấy, vấn đề như vậy làm sao để chuyển đổi từ báo in sang báo điện tử mà vẫn giữ được lượng bạn đọc.

Đặt vấn đề sớm, đi từng bước để con người kịp nắm bắt, kịp chuyển đổi

+ Được biết, Báo Lao Động là một trong số ít tờ báo được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập Trung tâm Truyền thông đa phương tiện. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

- Đúng vậy, Trung tâm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào khoảng năm 2017. Trung tâm Truyền thông đa phương tiện được ứng dụng toàn bộ những công nghệ mới, hiện đại. Trừ những báo lớn, chỉ có Báo Lao Động hiện nay có được hệ thống 4 trường quay trở lên với những camera chuyên dụng thế hệ mới nhất tương đương với các Đài truyền hình hàng đầu Việt Nam.

Ngoài chức năng sản xuất nội dung, trường quay này còn có chức năng như một trung tâm chỉ huy điều hành tác nghiệp đa phương tiện của toàn bộ tòa soạn. Đây là trường quay đầu tiên tại Việt Nam sử dụng công nghệ kết nối tín hiệu NDI thế hệ thứ năm, đồng bộ tín hiệu với các trường quay đặt tại các cơ quan thường trú, văn phòng đại diện; nhờ đó, báo sẵn sàng tích hợp các giải pháp điều hành sản xuất - phân phối nội dung đa phương tiện theo tiêu chuẩn quốc tế.

Cuối cùng, việc định hướng nội dung, sản xuất và xuất bản tin bài của báo được thực hiện dựa trên các công cụ phân tích dữ liệu thông tin nội dung và dữ liệu nhân khẩu học, hành vi của độc giả… Có được sự chuyên nghiệp ấy, là cả một quá trình 10 năm, đặt vấn đề sớm, đi từng bước để con người kịp nắm bắt, kịp chuyển đổi.

+ Hành trình của 10 năm “chuyển dịch” quyết liệt ấy, tờ báo đã gặt hái được những gì, thưa ông?

- Thực tế, quá trình đầu tư ấy mang lại rất nhiều nhiều thứ. Một là đảm bảo được nhiệm vụ tuyên truyền mà cấp trên giao, thứ hai là đảm bảo được việc đưa thông tin đến bạn đọc sớm nhất. Thứ ba, trong bối cảnh báo giấy suy giảm, lượng bạn đọc vốn có của báo không mất đi mà chỉ chuyển từ báo in sang báo điện tử và thậm chí lượng bạn đọc ngày càng gia tăng thêm rất nhiều. Kế tiếp, việc chuyển đổi về công nghệ giúp cho báo vốn là báo in đỡ “bị sốc” khi mà quảng cáo trên báo in không có, giảm nguồn thu.

Thực tế đã chứng minh rằng, lượng bạn đọc trên báo in giảm nhưng trên báo điện tử tăng lên, đồng thời quảng cáo cũng tăng, tạo ra nguồn thu cao. Và vì thế, dù phát hành báo in của Báo Lao Động đã giảm 3/4 so với 15 năm trước đây nhưng tổng doanh thu của báo đến thời điểm này vẫn tăng.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hà Vân (Thực hiện)

Bình Luận

Tin khác

Nam Định hưởng ứng Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Nam Định hưởng ứng Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

(CLO) Ngày 26/4, Ban Chỉ đạo Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ IX - năm 2024 tỉnh tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch hưởng ứng Giải Búa liềm vàng toàn quốc lần thứ IX - năm 2024.

Nghề báo
Nhà báo Phùng Công Sưởng được phân công làm Phó Tổng Biên tập phụ trách báo Tiền Phong

Nhà báo Phùng Công Sưởng được phân công làm Phó Tổng Biên tập phụ trách báo Tiền Phong

(CLO) Theo quyết định của T.Ư Đoàn, nhà báo Lê Xuân Sơn - Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong - sẽ nghỉ hưu từ ngày 1/5/2024; Nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong - sẽ phụ trách Báo Tiền Phong từ ngày 1/5/2024 cho đến khi kiện toàn chức danh Tổng Biên tập.

Nghề báo
Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn Truyền thông về công tác Hội nhập, ASEAN và UNESCO

Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn Truyền thông về công tác Hội nhập, ASEAN và UNESCO

(CLO) Chiều ngày 25/4, nhằm Triển khai Kế hoạch công tác năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị tập huấn Truyền thông về công tác Hội nhập, ASEAN và UNESCO năm 2024.

Nghề báo
Giải thưởng Báo chí TTXVN 2023: Ghi nhận sự cống hiến, tâm huyết với nghề

Giải thưởng Báo chí TTXVN 2023: Ghi nhận sự cống hiến, tâm huyết với nghề

(CLO) Chiều 25/4, Lễ trao Giải thưởng Báo chí Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) năm 2023 đã diễn ra tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (số 5 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội). 

Nghề báo
Tạp chí Thanh niên phát động cuộc thi viết “Vượt lên số phận”

Tạp chí Thanh niên phát động cuộc thi viết “Vượt lên số phận”

(CLO) Ngày 25/4, tại Hà Nội, Tạp chí Thanh niên phối hợp cùng Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam phát động cuộc thi viết “Vượt lên số phận” lần thứ VII.

Nghề báo