Dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương do Công ty TNHH điện lực JAKS Hải Dương là đại diện chủ đầu tư được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương ngày 17/9/2018, Bộ Công Thương ký Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh chuyển giao ngày 28/6/2011 (sửa đổi lần thứ 05 ngày 15/11/2017), được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư năm 2011 (điều chỉnh lần thứ 3 ngày 25/11/2019), địa điểm thực hiện dự án thuộc địa giới hành chính 02 xã Quang Thành và Lê Ninh, thị xã Kinh Môn, công suất phát điện 1.200MW.
Theo Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng của UBND tỉnh Hải Dương: Dự án có tổng diện tích 1932.011,8m2, trong đó khu nhà máy chính 854,218,2m2, khu nhà ở và dịch vụ 82306,0m2, khu công 187.933,6m2, diện tích đường, hành lang đường điện và chân cột điện 60,424m2, khu bãi thải xỉ 747.130m2.
Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường về tình hình chấp hành pháp luật về đất đai, môi trường của Nhà máy Nhiệt điện BOT cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện khu bãi thải xỉ thuộc dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT còn một số tồn tại, vi phạm trong lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản.
Cụ thể, diện tích bãi thải xỉ chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều chỉnh ra khỏi hành lang thoát lũ khu vực nên công trình chưa có giấy phép xây dựng. Do sức ép tiến độ nên trong quá trình thi công, vận hành bãi thải xỉ có một số vi phạm như làm mất các mốc ranh giới được bàn giao trên thực địa, thi công vượt độ cao cho phép, thu hồi một phần đất phát sinh từ hoạt động thi công nhưng không đăng ký. Vận chuyển một phần đất thu hồi ra ngoài khi chưa được UBND tỉnh cho phép. Quá trình vận hành nhà máy làm phát sinh một số vấn đề môi trường khiến người dân có ý kiến...
Điều khiến dư luận địa phương bức xúc bởi những sai phạm trong quá trình thi công dự án đã diễn ra trong thời gian dài, đến nay nhà máy chính đã hoàn thành, tổ máy 01 đã vận hành thương mại, tổ máy 02 đang trong quá trình thử nghiệm, ước tính dự án đã hoàn thành được 97%. Tuy nhiên, những vi phạm của chủ đầu tư và đơn vị thi công là Công ty CP Đông Hải 27-7 đã không được xử lí kịp thời. Đến nay cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương lại phải đau đầu họp bàn tìm giải pháp để hợp thức hóa cho sai phạm.
Theo báo cáo tài chính doanh nghiệp giai đoạn 2016-2019 chỉ tiêu doanh thu thuần của CTCP Đông Hải 27/7 có xu hướng tăng trưởng mạnh, từ mức 37 tỷ đồng năm 2016 lên 458 tỷ đồng năm 2019, tương ứng tăng gấp 12,3 lần. Dù vậy, lợi nhuận thuần tương ứng lại khá khiêm tốn, đạt đỉnh vào năm 2017 với 12,4 tỷ đồng, riêng năm 2016 lỗ thuần 678 triệu đồng, 2018 và 2019 lãi thuần lần lượt là 379 triệu đồng và 3,6 tỷ đồng.
Quy mô tổng tài sản của Công ty Đông Hải cũng được mở rộng trong giai đoạn này, tại ngày 31/12/2019, chỉ tiêu này ở mức 441 tỷ đồng, tăng 297% so với năm 2016.
Là doanh nghiệp có tiếng trên địa bàn thị xã Kinh Môn không chỉ về kinh doanh mà nhiều năm trước doanh nghiệp này còn được biết đến với khả năng "quan hệ khủng" khi được ưu ái cấp biển xanh 80M 019.99 gắn cảđèn ưu tiên trên 1 siêu xe GMC đứng tên công ty.
Cụ thể, báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Hải Dương tháo gỡ những vướng mắc hiện nay của dự án bằng cách có giải pháp loại diện tích khu vực bãi thải xỉ dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương ra khỏi quy hoạch hành lang thoát lũ khu vực, đồng thời vẫn phải bảo đảm an toàn khu vực trong mùa mưa lũ; trên cơ sở đó hỗ trợ chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục xây dựng bãi thải xỉ theo quy định.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị UBND tỉnh Hải Dương giao Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu giải pháp điều chỉnh loại rừng, bổ sung rừng phòng hộ ở vị trí khác để thay thế cho 17,75ha rừng phòng hộ đã được UBND tỉnh điều chỉnh giảm để thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương, bảo đảm vẫn giữ nguyên chỉ tiêu đất rừng phòng hộ như yêu cầu tại Nghị quyết số 87/NQ-CP ngày 07/10/2019 của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Ngoài ra, Sở này cũng đề nghị UBND tỉnh Hải Dương, sau khi vướng mắc liên quan đến đất rừng phòng hộ đã được giải quyết thì khẩn trương tham mưu UBND tỉnh quyết định cho thuê đất, cấp GCNQSD đất và tổ chức bàn giao đất trên thực địa đối với phần diện tích này.
Trưng dụng Trung tâm Tài nguyên và Môi trường đo đạc, tính toán cụ thể diện tích đã thi công khu vực bãi thải xỉ, cao độ thực tế đã thi công, khối lượng đất đã thu hồi để làm cơ sở pháp lý xử lý tiếp theo. Trên cơ sở kết quả đo đạc thực địa, tham mưu biện pháp để chuẩn hóa hồ sơ, giải quyết sự sai khác số liệu diện tích khu vực bãi thải xỉ giữa hồ sơ và thực địa, giữa quy hoạch chi tiết xây dựng (điều chỉnh lần 2) của UBND tỉnh và phê duyệt Báo cáo ĐTM của Bộ Tài nguyên và Môi trường bảo đảm đúng pháp luật.
Yêu cầu Công ty TNHH điện lực JAKS Hải Dương tiếp tục rà soát, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung so với Báo cáo ĐTM được duyệt, về việc xin gia hạn thời gian vận hành thử nghiệm; khẩn trương khắc phục những hạn chế, thiếu ổn định trong hệ thống xử lý chất thải hiện nay, bảo đảm hệ thống xử lý chất thải hoạt động đạt yêu cầu, không gây ô nhiễm môi trường xung quanh; đồng thời phối hợp chặt chẽ với UBND thị xã Kinh Môn, các cơ quan liên quan trong đánh giá tác động, đề xuất biện pháp giải quyết ảnh hưởng từ vận hành băng tải tro xỉ đối với các hộ dân xung quanh - báo cáo cho biết.
Báo Nhà báo và Công luận sẽ tiếp tục thông tin.