Facebook xóa Hoàng Sa, Trường Sa khỏi bản đồ Việt Nam: Sự biện minh khó chấp nhận!

Thứ năm, 16/04/2020 18:31 PM - 0 Trả lời

(CLO) Việc Facebook một lần nữa cung cấp bản đồ sai lệch về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang khiến dư luận phẫn nộ. "Một lỗi kỹ thuật liên quan tới bản đồ được sử dụng trong các công cụ chọn mục tiêu quảng cáo tại Việt Nam"- thực sự là sự biện minh khó có thể chấp nhận.

1. Bắt đầu từ tối 15/4, người dùng mạng xã hội Facebook tại Việt Nam xôn xao, bức xúc khi phát hiện lỗi cung cấp sai lệch thông tin về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Cụ thể, khi nhập tên Trung Quốc vào đối tượng chạy quảng cáo, Facebook khoanh vùng và hiển thị vị trí lãnh thổ quốc gia này theo màu sắc. Tuy nhiên, khi chọn vị trí hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam thì hiển thị trùng màu xanh cùng với các phần lãnh thổ còn lại của Trung Quốc. Thêm nữa, nếu chọn Việt Nam ở mục đối tượng chạy quảng cáo thì 2 quần đảo này lại không hiển thị. Tìm đến phần bản đồ của Trung Quốc, thì trên công cụ bản đồ của Facebook lại xuất hiện tên 2 quần đảo này.

Facebook đã xoá Trường Sa, Hoàng Sa ra khỏi bản đồ Trung Quốc.

Facebook đã xoá Trường Sa, Hoàng Sa ra khỏi bản đồ Trung Quốc.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin này, đại diện Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin - Truyền thông) đã yêu cầu Facebook làm rõ sự việc. Cục PTTH&TTĐT cũng yêu cầu chỉnh sửa lại bản đồ, hiển thị 2 quần đảo này lên bản đồ của Việt Nam và xóa bỏ ngay lập tức chúng trên bản đồ của Trung Quốc.

Trước phản ứng quyết liệt của Việt Nam, người phát ngôn của Facebook đã phải chính thức lên tiếng về vấn đề này. Theo đó phía Facebook biện minh rằng họ đã được thông báo về một lỗi kỹ thuật liên quan đến bản đồ được sử dụng trong các công cụ chọn mục tiêu quảng cáo tại Việt Nam. Facebook cam kết sẽ cho rà soát, xử lý ngay lập tức, rằng hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa sẽ không hiển thị thuộc lãnh thổ Trung Quốc nữa.

Tuy nhiên, một điều khá lạ lùng là sau khi Facebook tuyên bố đã sửa lỗi, cả hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa đều bị xóa sạch khỏi bản đồ Việt Nam.

Về vấn đề này, Facebook lại lên tiếng lý giải, rằng tên của hai quần đảo không được hiển thị trong Trình quản lý Quảng cáo, rằng lỗi này chỉ ảnh hưởng đến việc hiển thị của bản đồ trong Trình quản lý quảng cáo và không ảnh hưởng việc chạy quảng cáo tại các khu vực địa lý này.

2. Điều đáng lưu tâm là đây không phải là lần đầu tiên Facebook vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sự việc xảy đến lần này gần như một sự mô phỏng hoàn hảo sự việc diễn ra cách đây gần 2 năm, tháng 7/2018. Thời điểm đó, khi truy cập vào mục bản đồ trong tính năng chạy quảng cáo của Facebook, người dùng không hề thấy sự xuất hiện của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng lạ lùng là khi tìm đến phần bản đồ của Trung Quốc thì trên công cụ bản đồ của Facebook lại xuất hiện tên 2 quần đảo này.

Còn nhớ, thời điểm đó, người phát ngôn Facebook lên tiếng "biện minh" rằng: "Chúng tôi đã điều tra và phát hiện đây là lỗi kỹ thuật. Chúng tôi đã sửa lỗi và đang triển khai bản cập nhật trên toàn cầu. Chúng tôi xin lỗi vì gây ra sự nhầm lẫn này cho người dùng”.

Như vậy, từ "tiền lệ" này để thấy những lý giải, biện minh kiểu "lỗi kỹ thuật" , không cố ý,  dường như khó có thể chấp nhận, nhất là khi điều này xảy ra với một mạng xã hội ở vị thế hàng đầu, hùng mạnh về nhiều mặt, luôn có hệ thống giám sát hoạt động hết sức kỹ càng như Facebook. Hai "sự cố lỗi" na ná như nhau xảy ra chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm, trên cùng một đối tượng, rõ ràng không hề là sự vô ý, nhầm lẫn. 

3. Từ trước tới nay, Việt Nam luôn khẳng định một cách nhất quán: Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử, pháp lý và đã nhiều lần khẳng định chủ quyền không thể chối cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam và sự thực ấy đã được chứng minh qua nhiều văn bản mang tính lịch sử pháp lý cao được cộng đồng quốc tế công nhận. 

Đại Nam nhất thống toàn đồ của tác giả Phan Huy Chú (1834) khẳng định rõ chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa.

Đại Nam nhất thống toàn đồ của tác giả Phan Huy Chú (1834) khẳng định rõ chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa.

Các thư tịch cổ của các triều đại phong kiến Việt Nam như “Đại Việt sử ký tục biên” (1775), “Đại Nam thực lục tiền biên” (1821), “Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ” (1851), “Đại Nam nhất thống chí” (1882)... , các bản đồ như “Hồng Đức bản đồ” (1490), “Đại Nam nhất thống toàn đồ” (1838)..., các công trình khảo cứu như “Lịch triều hiến chương loại chí” (1821) của Phan Huy Chú, “Việt sử cương giám khảo lược” (1877) của Nguyễn Thông...  đều thể hiện rõ Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. 

Từ xa xưa, phương Tây cũng đã ghi nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này. Hành trăm đầu sách địa lý của phương Tây có ghi rõ Paracel (Hoàng Sa) thuộc “Vương quốc An Nam”, nhiều bản đồ phương Tây đã thể hiện hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là một phần lãnh thổ của Việt Nam như bản đồ “Atlas Thế giới” (1827) của Philippe Vandermaelen, “An Nam đại quốc họa đồ” (1838) của Jean-Louis Taberd... Bản thân một số tư liệu Trung Quốc cũng ghi nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Việc Việt Nam khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng phù hợp với luật pháp quốc tế khi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển đã được xác định theo các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. 

Như vậy, chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể chối cãi, không thể phủ nhận, như hàng nghìn năm trước, vị tướng tài Lý Thường Kiệt đã viết: "Rành rành định phận ở sách trời"...

Người Việt Nam xưa cũng có câu "Nhập gia tùy tục...". Facebook từng nhiều lần tuyên bố Việt Nam là thị trường quan trọng của Facebook, Facebook cam kết đầu tư vào nhân sự và các nguồn lực để hỗ trợ đối tác, đồng thời góp phần xây dựng và phát triển cộng đồng Facebook tại Việt Nam.

Tuy nhiên, với liên tiếp những động thái ảnh hưởng nghiêm trọng tới chủ quyền đã được khẳng định của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thiết nghĩ, Facebook cũng nên xem xét lại "tấm chân tình" cũng như cách hành xử của mình với "đối tác", liệu đã phù hợp với đạo lý và cả pháp luật quốc tế hay chưa. Một cụm từ "do lỗi kỹ thuật" được đưa ra, hoàn toàn là sự biện minh chưa đủ và chưa thể chấp nhận được. 

Hồng Sâm

Tin khác

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

(NB&CL) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), bắt đầu từ số báo này, chuyên trang Tư liệu Báo Nhà báo và Công luận có chuyên đề mang tên: “Điện Biên Phủ - Khúc tráng ca vang mãi”, cùng nhìn lại những dấu ấn không thể quên của chiến thắng vĩ đại này.

Góc nhìn
Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

(NB&CL) Có thể nói, chưa bao giờ, NHNN lại chịu nhiều sức ép trong quản lý thị trường vàng như hiện nay. Đó là sức ép từ nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, sức ép từ người dân và sức ép từ nhóm lợi ích doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Góc nhìn
Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

(NB&CL) Tuần qua, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Phiên họp tháng 3/2024) đã được dư luận quan tâm, đánh giá cao sự công khai, dân chủ, trách nhiệm trong hoạt động của Quốc hội và ngày càng gần dân hơn.

Góc nhìn
Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

(NB&CL) Trước những tổn thất tiềm ẩn đối với tổng giá trị xuất khẩu nông sản, chuyên gia cho rằng, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam là việc làm cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt lúc này là muộn, nhưng vẫn còn hơn không.

Góc nhìn
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

(NB&CL) Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ những làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới.

Góc nhìn