Môi trường

Giao thông đô thị - ‘thủ phạm’ gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội

Phúc Ân 21/07/2025 21:01

(CLO) Theo nhiều nghiên cứu và ý kiến của các chuyên gia, ô nhiễm không khí tại Hà Nội bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng giao thông đô thị vẫn được xem là một trong những tác nhân chính, chiếm tỷ lệ đáng kể trong tổng lượng phát thải.

Chia sẻ tại Tọa đàm “Chuyển đổi xe xăng sang xe điện: Để không ai bị bỏ lại phía sau”, bà Nguyễn Hoàng Ánh - Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, theo báo cáo của TP. Hà Nội, ô nhiễm không khí từ các phương tiện giao thông chiếm trên 60%. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường thì nguồn ô nhiễm từ khí thải phương tiện giao thông chiếm khoảng 12%, bụi hoạt động giao thông là 23%, bụi từ hoạt động xây dựng chiếm tới 29% và hoạt động đốt (rơm rạ, lốp xe) chiếm 15-16%. Đây là những số liệu đã tổng hợp từ nhiều nguồn và đưa vào báo cáo tổng hợp của Bộ để trình lên Thủ tướng.

Tuy vậy, bà Nguyễn Hoàng Ánh cũng lưu ý, để xác định nguyên nhân ô nhiễm đảm bảo tính chuẩn xác thì phải có hoạt động kiểm kê khí thải. Thế nhưng, thực tế các nguồn khí thải là nguồn động, linh hoạt, thay đổi liên hoạt. Bên cạnh đó, kinh phí kiểm kê chưa có và phương pháp kiểm kê chưa chuẩn. Chính vì vậy, nguyên nhân cơ bản gây ô nhiễm môi trường là khí thải phương tiện giao thông, đi kèm khí hậu và thời tiết.

bpgw_9iymer5s5.jpg
Để xác định nguyên nhân ô nhiễm đảm bảo tính chuẩn xác thì phải có hoạt động kiểm kê khí thải (ảnh minh họa).

Dưới góc độ khoa học, PGS.TS. Hoàng Anh Lê – Trưởng Bộ môn Quản lý Môi trường, Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho biết, kết quả nghiên cứu từ nhóm nghiên cứu của các nhà khoa học Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và các nhà khoa học của Anh quốc cho thấy ô nhiễm không khí do phương tiện giao thông có sự phân hóa rõ rệt theo thời gian và loại hình phương tiện. Vào ban ngày, xe máy là nguồn phát thải chủ yếu, song ban đêm, xe tải hạng nặng lại chiếm ưu thế.

Cụ thể, xe máy - phương tiện phổ biến nhất, tiêu thụ nhiều năng lượng, phát thải trực tiếp qua ống xả mà không qua hệ thống xử lý khí thải. Trong khi đó, phần lớn ô tô hiện nay đều được trang bị hệ thống xử lý khí thải trước khi thải ra môi trường, giúp giảm bớt tác động đến chất lượng không khí.

Bên cạnh yếu tố phương tiện, tốc độ di chuyển thấp ở Hà Nội cũng là nguyên nhân làm gia tăng lượng phát thải. Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, tốc độ trung bình các phương tiện chỉ vào khoảng 35 km/giờ. Đây là mức khiến phương tiện tiêu tốn nhiên liệu nhiều hơn và phát thải cao hơn.

Từ bản đồ phát thải được xây dựng, khu vực vành đai 1 của Thủ đô hiện có mật độ phát thải cao nhất do hệ thống giao thông dày đặc và nhiều nút giao cắt. Trong khi đó, các khu vực vành đai 2 và 3 tuy có lượng phát thải thấp hơn nhưng lại dễ phát tán ô nhiễm rộng hơn do không gian mở và điều kiện khuếch tán thuận lợi hơn.

Như vậy, ô nhiễm không khí ở Hà Nội không xuất phát từ một nguyên nhân mà là hệ quả tổng hợp của nhiều yếu tố từ giao thông cho đến điều kiện khí hậu và hạ tầng đô thị… Trong bối cảnh đó, việc kiểm kê khí thải đóng vai trò then chốt để xác định chính xác “thủ phạm” và xây dựng các chính sách kiểm soát phù hợp.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Giao thông đô thị - ‘thủ phạm’ gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO