Nhà báo Nguyễn Hữu Phùng Nguyên - Báo Nhân Dân:

“Giữa đời sống đang đảo lộn vì đại dịch Covid-19, nhà báo cần cái nhìn tỉnh thức”

Thứ hai, 21/06/2021 14:45 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Loạt 5 bài “ Đại dịch Covid-19 - thách thức và cơ hội” của nhà báo Nguyễn Hữu Phùng Nguyên - Báo Nhân Dân được Hội đồng Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV - năm 2020 đánh giá cao. Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện cùng anh về loạt bài này.

Bài liên quan

Tôi cho rằng lựa chọn nhân vật là một yếu tố quan trọng hàng đầu của thể loại phỏng vấn. Đặc biệt, với loạt bài này… những nhân vật mà tôi phỏng vấn phải có uy tín cao, phải thành công trong lĩnh vực của họ, tiếng nói của họ thực sự có “thẩm quyền” và được lắng nghe. Loạt bài triển khai trong đại dịch, có những thời điểm giãn cách xã hội nên tiếp cận nhân vật để phỏng vấn không dễ...”, nhà báo Nguyễn Hữu Phùng Nguyên - Báo Nhân Dân nhấn mạnh trong cuộc trò chuyện xung quanh loạt 5 bài “Đại dịch Covid-19 - thách thức và cơ hội” được Hội đồng Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV - năm 2020 đánh giá cao.

Cần sự luận giải khoa học với tinh thần “trong nguy có cơ”

+ Những khó khăn, thách thức mà đất nước và người dân phải đối mặt trong thời kỳ Covid-19 đã được loạt bài thể hiện rất rõ nét. Vì sao anh lại lựa chọn chủ đề này giữa biển thông tin về Covid-19 lúc nào cũng ngập tràn trên dòng chảy thời sự của báo chí?

- Thời điểm đầu năm 2020, Việt Nam vẫn đang trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, chúng ta bước vào “trạng thái bình thường mới”. Trong bối cảnh đó, Việt Nam là một điểm sáng về phòng chống dịch bệnh khi số ca lây nhiễm và tử vong vào loại ít nhất thế giới. Nhưng chúng ta hiểu, đó mới là “khúc dạo đầu” của đại dịch, khó khăn đang ở phía trước, trong đó làm thế nào thực hiện mục tiêu kép: Vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế là một nhiệm vụ rất nặng nề.

NBPhungNguyen

Trước thực tế đó, người làm báo sẽ viết gì? Đó là câu hỏi mà tôi đặt ra với nhiều trăn trở. Làm sao để “bắt mạch” được thời cuộc, làm thế nào để có những thông tin bạn đọc cần đọc, muốn đọc về một đời sống đang bị đảo lộn. Tôi cho rằng hiện thực đó không chỉ cần sự mô tả mà cần nhiều hơn sự phân tích, luận giải ở nhiều góc độ khác nhau để nhận diện rõ những thách thức và cơ hội. Khi bóng tối do đại dịch đang che phủ, không thể chỉ hoang mang lo sợ mà cần những cái nhìn tỉnh thức, cần sự luận giải khoa học với tinh thần “trong nguy có cơ”. Từ suy nghĩ đó, tôi đã có ý tưởng phỏng vấn các chính khách, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân về chủ đề: Đại dịch Covid-19 - cơ hội và thách thức.

Ý tưởng này được lãnh đạo Ban Nhân Dân Hằng tháng ủng hộ, tạo điều kiện để tôi thực hiện một loạt 5 bài phỏng vấn trên chuyên mục Đối thoại - nhân vật của Báo Nhân Dân Hằng tháng. Lãnh đạo Ban quyết định để tôi thực hiện loạt bài dài hơi về một chủ đề khó là sự tin tưởng nhưng đồng thời cũng đặt ra những kỳ vọng có thể tạo được dấu ấn riêng với bạn đọc khi mà thông tin về Covid-19 lúc nào cũng ngập tràn trên dòng chảy thời sự của báo chí.

+ Loạt bài được thực hiện có tính thời sự, thậm chí đến thời điểm này cũng rất thiết thực, cách đặt vấn đề có nét riêng, có sự đầu tư... Đặc biệt, những nhân vật anh lựa chọn là những người, có thể nói là “chọn mặt gửi vàng”. Với người làm báo, lựa chọn, tiếp cận các nhân vật tầm vóc như thế để trò chuyện thật chẳng dễ, thưa anh?

- Tôi cho rằng lựa chọn nhân vật là một yếu tố quan trọng hàng đầu của thể loại phỏng vấn. Đặc biệt, với loạt bài này, ý tưởng ban đầu, xuyên suốt của tôi là vấn đề thách thức và cơ hội mà đại dịch Covid-19 đặt ra phải được phân tích - luận giải ở nhiều góc độ. Đó là những góc độ gì? Góc độ đời sống - xã hội, góc độ kinh tế, góc độ nghiên cứu - lý luận…

Những nhân vật mà tôi phỏng vấn phải có uy tín cao, phải thành công trong lĩnh vực của họ, tiếng nói của họ thực sự có “thẩm quyền” và được lắng nghe. Loạt bài triển khai trong đại dịch, có những thời điểm giãn cách xã hội nên tiếp cận nhân vật để phỏng vấn không dễ.

May mắn, những nhân vật tôi “chọn mặt gửi vàng” đều nhận lời trả lời phỏng vấn trực tiếp, trừ giáo sư Nguyễn Văn Thọ đang ở Nhật Bản thì trả lời qua mail. GS Trần Đình Thiên khi tôi đặt vấn đề, mặc dù vào ngày nghỉ ông đã lên cơ quan và dành cả một buổi chiều để trò chuyện.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan tuổi cao sức yếu và rất bận nhưng đã dành cho tôi cuộc gặp ở nhà riêng, ông nói “nể cậu lắm” mới trả lời vì thời điểm đó gần như ông không tiếp xúc với báo chí. Khi tôi gửi bài phỏng vấn để ông xem lại, mắt ông mờ không đọc được nhưng vẫn nhờ người khác đọc giúp để góp ý.

GS Trần Văn Thọ ở Nhật Bản đã trao đổi với tôi qua mail nhiều lần về nội dung bài phỏng vấn. Ông dặn tôi gửi cho ông bản điện tử để ông gửi cho Thủ tướng đọc, lúc đó ông đang là thành viên tổ Tư vấn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

GS. Phùng Hữu Phú – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương người chủ trì soạn thảo dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 13 đang rất bận rộn vì thời điểm đó sắp diễn ra Đại hội Đảng Toàn quốc, nhưng ông vẫn dành cho tôi cuộc trò chuyện cởi mở ngoài giờ tại phòng làm việc, đồng thời cung cấp nhiều tài liệu cho bài phỏng vấn.

Điều đó cho thấy những nhân vật tôi phỏng vấn đều hết sức tâm huyết và nhận thấy rõ trách nhiệm cần góp tiếng nói của mình về một vấn đề mới và hệ trọng phải có sự phân tích, luận giải, đó là: thách thức và cơ hội mà Covid-19 đặt ra đối với đất nước chúng ta.

Đại dịch là cơ hội để thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số

+ Loạt bài này không chỉ là phản ánh mà còn mang tính trao đổi, phản biện, phân tích, luận giải sâu sắc đa chiều... Vai trò của người phỏng vấn là phải gợi mở, làm sao để cuộc trò chuyện hấp dẫn nhất. Anh làm thế nào để xây dựng được các câu hỏi chất lượng không chỉ thu hút được người đối diện mà còn thu hút công chúng?

- Dĩ nhiên cần chuẩn bị kỹ vấn đề mình phỏng vấn, người mình sẽ phỏng vấn… Nhưng tôi thích một cuộc phỏng vấn diễn ra tự nhiên như đang trò chuyện, không nhìn sổ để đọc câu hỏi, không hỏi một cách trịnh trọng, mà càng thân mật, càng gần gũi thì càng dễ “kích hoạt” người đối diện với mình. Tôi và các nhân vật cũng như tất cả mọi người, có thể nói đều là “nạn nhân” của Covid-19 khi mà đại dịch tác động tới tất cả, vì thế mà có những cái chung trong câu chuyện để cuộc phỏng vấn trở nên đời thường, sinh động hơn.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan tâm sự, sau giãn cách xã hội, ông đi ăn nhà hàng ở khu vực phố cổ, thấy không ngon như trước nữa, vì đại dịch đã khiến chủ nhà hàng phải cắt giảm nhân sự, đầu bếp giỏi cũng đã ra đi. Một chi tiết nhỏ nhưng nói lên nhiều điều. Hay GS. Phùng Hữu Phú mời tôi ăn kẹo lạc uống nước chè và xuýt xoa nói: Đại dịch Covid-19 cho thấy cuộc sống bình yên là quý giá nhất.

+ Các bài phỏng vấn đã gợi mở những đổi mới về tư duy và thể chế, chỉ ra con đường vượt qua thách thức và tận dụng cơ hội để đưa đất nước phát triển hùng cường... Tôi quan tâm rằng, những gợi mở từ loạt bài này đã có sức lan tỏa, ứng dụng được gì trong thực tiễn, thưa anh? 

- Các nhân vật tôi phỏng vấn đã nhấn mạnh về đổi mới tư duy và thể chế, luận giải và gợi mở nhiều điều mà nếu thực hiện, tôi cho rằng Việt Nam sẽ “biến nguy thành cơ”. Họ đều nhấn mạnh đại dịch là cơ hội để thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. GS. Trần Đình Thiên cho rằng sau đại dịch nền kinh tế VN phải có một chân dung khác, nền kinh tế số đang thay thế nền kinh tế vật thể, trong đó ông cho rằng cuộc cách mạng 4.0 thực chất là một cuộc cách mạng về thể chế.

Ở góc nhìn khác, doanh nhân Phạm Đình Đoàn cho rằng doanh nghiệp VN phải có tư duy ở thị trường toàn cầu chứ không thể quanh quẩn ở “ao làng”, nhưng muốn ra biển lớn không thể đi thuyền thúng, mà cần tập hợp lại tạo nên sức mạnh của sự liên kết.

GS. Trần Văn Thọ - một thành viên chuyên môn trong Hội đồng tư vấn kinh tế của nhiều đời thủ tướng Nhật đã cho rằng để thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình và phát triển giàu mạnh cần học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản: Nhà nước phải kiến tạo môi trường đầu tư thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân tích cực cách tân công nghệ, đầu tư sản xuất theo tín hiệu của thị trường trong và ngoài nước.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cảm giác thế giới đang bước sang một trang mới chứ không phải cục diện mới, trạng thái mới. Đây là một sự chuyển mình mang tính thời đại chứ không phải cục bộ. Cách sống, cách giao tiếp, cách học, cách làm việc đều thay đổi, cơ cấu lao động, cơ cấu sản xuất thay đổi, phương pháp quản lý thay đổi, an ninh quốc phòng thay đổi... Đứng trước bối cảnh đó, ông cho rằng cần thấy sâu hơn những thách thức sẽ nảy sinh trong những năm tới, như dân số sẽ già, kỷ nguyên dân số vàng sắp qua, biến đổi khí hậu ngày càng dữ dội mà chúng ta đang cảm nhận được rất rõ rệt...

Trước những vấn đề mà đại dịch Covid-19 đặt ra, GS. Phùng Hữu Phú nhận định, phải coi trọng môi trường sống chứ không chỉ đổ xô phát triển kinh tế và thực tiễn đòi hỏi đổi mới trên cơ sở phải sáng tạo ra các giá trị mới trên tất cả các lĩnh vực, trở thành tư duy của một thời đại mới, phương thức của một thời đại mới.

+ Xin cảm ơn anh!

Báo Công luận

Vân Hà (Thực hiện) 

Tin khác

Điều tra làm rõ vụ phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp hiện trường vụ cháy ở huyện Thanh Trì

Điều tra làm rõ vụ phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp hiện trường vụ cháy ở huyện Thanh Trì

(CLO) Mặc dù tác nghiệp tại hiện trường vụ cháy theo đúng quy định, nhưng phóng viên Thời báo VTV và VnExpress bất ngờ bị nhóm 3 đối tượng cản trở, hành hung.

Nghề báo
Đoàn công tác Hội Nhà báo Indonesia tham quan mô hình hoạt động của Báo Lao Động

Đoàn công tác Hội Nhà báo Indonesia tham quan mô hình hoạt động của Báo Lao Động

(CLO) Ngày 23/4 tại Hà Nội, Báo Lao Động đã có buổi tiếp đoàn đại biểu Hội Nhà báo Indonesia gồm 5 thành viên do ông Sihono – Giám đốc báo chí Pancasila Hội Nhà báo Indonesia, vùng Yogyakarta làm Trưởng đoàn.

Nghề báo
65 tác phẩm vào vòng chung khảo Giải Báo chí tỉnh Lạng Sơn năm 2024

65 tác phẩm vào vòng chung khảo Giải Báo chí tỉnh Lạng Sơn năm 2024

(CLO) Trên cơ sở kết quả chấm của Ban sơ khảo và tờ trình của Hội Nhà báo tỉnh, ngày 23/4, Hội đồng Giải Báo chí tỉnh Lạng Sơn lần thứ IV năm 2024 đã công nhận kết quả chấm của Ban giám khảo vòng sơ khảo đối với các tác phẩm, đồng ý đưa 65 tác phẩm có kết quả tốt vào chấm vòng chung khảo.

Nghề báo
Báo Lao động Thủ đô tổ chức giao lưu trực tuyến “Tìm hiểu về An toàn, vệ sinh lao động và pháp luật lao động”

Báo Lao động Thủ đô tổ chức giao lưu trực tuyến “Tìm hiểu về An toàn, vệ sinh lao động và pháp luật lao động”

(CLO) Ngày 23/4, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức buổi Đối thoại - Giao lưu trực tuyến - Truyền thông chính sách chuyên đề “Tìm hiểu về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và pháp luật lao động”.

Nghề báo
Các cơ quan báo chí cùng nhau chia sẻ những cách làm hay về chuyển đổi số

Các cơ quan báo chí cùng nhau chia sẻ những cách làm hay về chuyển đổi số

(CLO) Chiều 23/4 đã diễn ra lễ ký kết giao ước thi đua giữa các đơn vị thuộc khối thi cơ quan báo chí, bao gồm: Báo Sài Gòn Giải Phóng, HTV, VOH, Báo Người lao động, Báo Pháp luật TP.HCM, Báo Phụ nữ TP.HCM, Tạp chí Du lịch TP.HCM, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn, Tạp chí Giáo dục, Tạp chí Khoa học Phổ thông.

Nghề báo