Gửi những kỳ vọng!

Thứ bảy, 29/08/2020 14:17 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng, nói như Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, là vấn đề cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến vận mệnh của Đảng, sự phát triển bền vững của đất nước.

Bài liên quan

Đại hội XIII được xem là Đại hội của sự chuyển giao thế hệ từ những người sinh ra, rèn luyện trong những năm kháng chiến, sang lớp cán bộ trưởng thành trong hòa bình, được hưởng thành quả từ quá trình đổi mới của đất nước. Vậy, người dân gửi những kỳ vọng gì tới Đại hội XIII, vào lớp lãnh đạo mới của giai đoạn phát triển mới. Nhà báo và Công luận xin ghi lại một số ý kiến.

Báo Công luận

Ông Lê Quang Thưởng - nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương: Nên trao chìa khóa cho thế hệ trẻ

Theo tôi, cần mạnh dạn trao quyền, trao trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ trẻ, để họ phát huy năng lực, trí tuệ, tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh. Đội ngũ cán bộ đa phần trưởng thành trong hòa bình, được hưởng thành quả từ quá trình đổi mới của đất nước. Đội ngũ này có kiến thức, bằng cấp nhiều hơn so với thế hệ trước nhưng cái thiếu là kinh qua thực tế chưa nhiều, song điều này hoàn toàn có thể khắc phục được.

Báo Công luận

Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Đừng vì những khiếm khuyết trong công tác cán bộ thời gian qua mà lo ngại người trẻ bị “chín ép”

Nói về công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng XIII, chúng ta đã có những bài học về “hạt giống chín ép” như Nguyễn Xuân Anh - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khi 39 tuổi, Tất Thành Cang (SN 1971), được bầu vào Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khi 40 tuổi, 5 năm sau là Ủy viên Trung ương, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh hay mới đây câu chuyện “đúng quy trình song không đúng người” vẫn tiếp tục diễn ra ở Bắc Ninh khi Tỉnh ủy Bắc Ninh quyết định điều động, chỉ định ông Nguyễn Nhân Chinh (36 tuổi), Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Ninh tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Thành ủy Bắc Ninh, nhiệm kỳ 2020-2025.

Những việc làm trên đã gây bức xúc cho cử tri, cán bộ, đặc biệt là nhân dân. Tuy nhiên, đừng vì những khiếm khuyết trong công tác cán bộ thời gian qua mà lo ngại người trẻ bị “chín ép”. Chúng ta phải trao quyền cho cán bộ trẻ, đó là quy luật loài người, thế hệ dần dần thay thế nhau, thế hệ đi trước đào tạo thế hệ đi sau, thay thế mình để họ hoàn thành những nhiệm vụ mới trên tinh thần phát huy lịch sử. Ông cha ta đã dạy, “con hơn cha là nhà có phúc”, tức là phải chuẩn bị thế hệ thay mới, thế hệ trẻ hơn thế hệ đi trước là phúc cho Quốc gia.

TW Đảng đã chuẩn bị bằng các Nghị quyết, Chỉ thị 35 về Đại hội Đảng các cấp, bằng lời phát biểu tâm huyết của Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Tôi rất tâm đắc với bài viết của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về vấn đề chọn người và đồng ý với những quan điểm đường lối, phương pháp để chọn những người thay thế mình.

Điều quan trọng là khâu lựa chọn phải kỹ càng, bảo đảm nhân sự có đủ tài, đủ đức, trong đó đức là gốc. Lựa chọn người trẻ phải là những người tiêu biểu, công tâm, khách quan, chứ không phải chọn theo “quan hệ”, “hậu duệ”, “tiền tệ”.

Làm thế nào để sàng lọc được người đủ đức, đủ tài? Muốn làm được thì các cơ quan chức năng phải và cuộc, trước tiên các cấp ủy phải nêu cao trách nhiệm, anh nào không nêu cao trách nhiệm thì các cơ quan giám sát, quản lý của Trung ương phải vào cuộc. Trong các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng đã nói rồi, trách nhiệm cao cả nhất là BCH T.Ư Đảng khóa XII, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải chủ trì việc chọn người để chuẩn bị cho Đại hội XIII, không ai thay thế các đồng chí đó được. Dưới các đồng chí đó là các tỉnh, thành ủy, quận, huyện ủy phải làm hết trách nhiệm của mình với cấp dưới của họ.

Ví dụ như vụ bổ nhiệm ở Bắc Ninh, mặc dù Ban Thường vụ Bắc Ninh đã sửa sai nhưng như vậy là muộn, nhẽ ra không để xảy ra trong bối cảnh hiện nay. Qua đó phải rút kinh nghiệm, trước tiên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh có hữu khuynh tiêu cực không, tại sao có một tập thể như thế. Điều lệ đảng đã quy định rồi, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn rồi, các quy định của T.Ư nữa, trách nhiệm nêu gương... những điều đảng viên không được làm... có đến mấy chục quy định của Đảng họ có đọc, có thấm nhuần không mà để xảy ra như thế, có phải nguyên tắc tập trung dân chủ bị xói mòn không, công khai dân chủ, minh bạch có thực hiện không, phê bình, tự phê bình có thực hiện không.

Empty

Ông Lâm Văn Năm - nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Điện Biên: Phải tăng cường kiểm tra, giám sát

Chủ trương mạnh dạn trao quyền cho cán bộ trẻ thay thế là đúng nhưng với điều kiện cán bộ đó phải đủ phẩm chất năng lực, đặc biệt lưu ý quy trình làm phải chặt chẽ, khách quan, minh bạch.

Có những cán bộ trẻ rất giỏi, đặc biệt trong thời điểm công nghệ số, kinh tế số thì lứa tuổi cán bộ già sẽ khó theo kịp lớp trẻ, sẽ có những hạn chế. Tuy nhiên, trong quá trình giao cho cán bộ trẻ, chúng ta phải tăng cường kiểm tra, giám sát, tạo điều kiện cho họ. Dù cán bộ trẻ có tài đến đâu thì trẻ cũng có những hạn chế về kinh nghiệm dễ dẫn đến sai phạm, nếu không có người uốn nắn chưa chắc đã biết mình sai và khi bị kiểm tra, thanh tra thì đã vỡ tung ra rồi. Bởi vậy nên phải tăng cường kiểm tra giám sát cũng là để giúp cho họ phát triển. Nếu tăng cường kiểm tra giám sát thường xuyên thì chưa chắc chúng ta đã mất cán bộ.

Lâu nay một số địa phương cứ nói làm đúng quy trình, ví dụ như ở Bắc Ninh thì cứ nói đúng quy trình nhưng thực tế không phải. Tại sao nói đúng quy trình mà dư luận, cán bộ, nhân dân người ta không đồng tình. Hay những bài học như Nguyễn Xuân Anh ở Đà Nẵng đã thấy, nhưng cán bộ mà gò, ép thì hậu quả nặng nề, làm mất tín nhiệm cho cấp ủy ở đó, tập thể mất tín nhiệm, còn cán bộ thì mất luôn.

Báo Công luận

Ông Đỗ Hùng Cường - Hàm Vụ trưởng Vụ Trung ương I, Cơ quan UBKT Trung ương: Coi trọng cả đức và tài, đức là gốc

Mỗi giai đoạn cách mạng, mỗi cương vị có những đòi hỏi, yêu cầu về tiêu chuẩn đức, tài của người cán bộ nhất định. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, tiêu chuẩn cán bộ chính là “khuôn khổ lựa chọn” bao gồm hai mặt cơ bản thống nhất với nhau: Đó là đức và tài. Không thể đánh giá một cán bộ là có đức nếu trong công việc, nhiệm vụ hiệu quả không cao, không có đủ kiến thức để tiếp thu đường lối, chính sách của Đảng, tổ chức thực hiện sai lệch. Ngược lại, cũng không thể đánh giá một cán bộ là có tài, hoàn thành tốt nhiệm vụ khi cán bộ đó không được quần chúng mến phục, sa sút về phẩm chất, đạo đức. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Có tài phải có đức, có tài không có đức tham ô, hủ hóa có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp gì được ai”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ đạo đức cách mạng là chí công vô tư, mình vì mọi người, biết đặt lợi ích chung căn bản của cách mạng lên trên lợi ích riêng của cá nhân; là suốt đời phấn đấu “phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân”, chủ động sáng tạo phấn đấu cho mục tiêu lý tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh quét sạch chủ nghĩa cá nhân...

Trong đánh giá, sử dụng cán bộ đòi hỏi có quan điểm toàn diện, cụ thể, phát triển, phải có cách nhìn mở và động. Khi đánh giá cán bộ, bên cạnh việc gắn người cán bộ đó với nhiệm vụ cơ quan đơn vị, với yêu cầu của tổ chức, tiêu chuẩn cán bộ để làm căn cứ còn phải xem xét cán bộ đó thông qua hoạt động thực tiễn, kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao. Điều này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Xem xét cán bộ, không chỉ xem ngoài mặt mà còn phải xem toàn bộ cả lịch sử, toàn bộ cả công việc của họ” và “phải biết ưu điểm của họ, mà cũng phải biết khuyết điểm của họ, không nên chỉ xem công việc của họ trong một lúc, mà phải xem cả công việc của họ từ trước đến nay”. “Trước khi cất nhắc cán bộ, phải nhận xét rõ ràng. Chẳng những xem xét công tác của họ, mà còn phải xem xét cách sinh hoạt của họ. Chẳng những xem xét cách viết, cách nói của họ, mà còn phải xem xét việc làm của họ có đúng với lời nói, bài viết của họ không”.

Không xem xét, tìm hiểu cán bộ một cách toàn diện thì không có căn cứ để đánh giá cán bộ một cách chính xác. Tài và đức mà cán bộ có được đều trải qua một quá trình hình thành phát triển nhất định. Mọi ưu điểm, khuyết điểm của cán bộ hôm nay đều có nguồn gốc từ những sự việc của ngày hôm qua, không thể chỉ đánh giá cán bộ qua một việc nhất thời trước mắt mà phải qua nhiều việc, với cả một quá trình nhất định cả về tư tưởng và hành động. Trong đánh giá, xem xét cán bộ tránh tuyệt đối hóa, coi trọng một cách phiến diện hoặc coi nhẹ một mặt nào đó về tiêu chuẩn đức, tài. Một người cán bộ dù ở cấp nào, làm bất cứ công việc gì cũng phải bảo đảm có đủ đức và tài. Có đức mới có điều kiện để phát triển tài năng và có tài năng mới có ích. Mặt khác, có tài thì đức càng được củng cố và phát triển. Do vậy, việc bồi dưỡng, đào tạo, xem xét, đánh giá cán bộ phải “coi trọng cả đức và tài, đức là gốc”.

Trong điều kiện hiện nay, cán bộ của ta hoạt động trên nhiều lĩnh vực, nhiều tổ chức và nhiều ngành nghề với tính chất, yêu cầu nhiệm vụ khác nhau, thậm chí ngay trong một lĩnh vực, tiêu chuẩn của người cán bộ cũng khác nhau ở từng giai đoạn, cương vị. Do đó, khi đánh giá và sử dụng cán bộ phải hết sức linh hoạt, một mặt bám vào những tiêu chuẩn chung nhưng mặt khác phải biết định ra những tiêu chuẩn cụ thể cho từng chức danh để đánh giá, sử dụng cán bộ đúng đắn, chính xác. Khi xem xét những cán bộ đã phạm sai lầm phải hết sức tránh thành kiến, hẹp hòi, chỉ nhìn quá khứ, không thấy thực tại công tác của họ, từ đó không tạo cơ hội cho họ đứng vững và phát triển. Vấn đề này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm”“Một người cán bộ khi trước có sai lầm, không phải vì thế mà sai lầm mãi. Cũng có cán bộ đến nay chưa bị sai lầm, nhưng chắc gì sau này không phạm sai lầm”...

Báo Công luận

Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, tại Hội nghị lần thứ 12, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã bàn về phương hướng công tác nhân sự khóa XIII. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có một trong các khuyết điểm, như: Bản lĩnh chính trị không vững vàng; không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; thiếu chính kiến, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh. Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán, không công bằng, công minh trong đánh giá, sử dụng cán bộ, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình. Để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc để xảy ra tham nhũng, thất thoát, vụ việc tiêu cực lớn ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Không chịu nghiên cứu học hỏi; bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm. Ý thức kỷ luật kém, không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức, uy tín thấp. Kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính. Vi phạm quy định về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay…

Công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng được xác định là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ “then chốt” của “then chốt”, có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ, sự phát triển, vững mạnh của đất nước. Bởi vậy, từng cơ quan, địa phương, từng cán bộ trực tiếp tham gia vào công tác chuẩn bị phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc trách nhiệm của mình, toàn tâm, toàn ý lo cho công việc chung, phải đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Thành Vinh (Thực hiện)

Tin khác

Khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò năm 2024

Khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò năm 2024

(CLO) Tối 18/4, tại Quảng trường Bình Minh, Thị xã Cửa Lò, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò năm 2024 chủ đề “Cửa Lò - Khát vọng tỏa sáng”.

Đời sống
Kon Tum: Gần 9ha rừng thông bị ngọn lửa thiêu rụi

Kon Tum: Gần 9ha rừng thông bị ngọn lửa thiêu rụi

(CLO) Một hộ dân tiến hành dọn, đốt rẫy tuy nhiên do trời nắng nóng kéo dài cộng thêm gió to khiến ngọn lửa cháy lan, thiêu rụi gần 9ha rừng thông ba lá.

Đời sống
Lào Cai: Gió lốc bất ngờ xảy ra làm 113 ngôi nhà dân vùng cao bị hư hại trong đêm

Lào Cai: Gió lốc bất ngờ xảy ra làm 113 ngôi nhà dân vùng cao bị hư hại trong đêm

(CLO) Hôm qua (18/4), một số huyện trong tỉnh Lào Cai bất ngờ xuất hiện giông lốc cục bộ kèm mưa vừa làm hư hại 113 ngôi nhà của người dân trong đêm tối.

Đời sống
Du khách tham quan Triển lãm quốc tế về làm đẹp tại Hà Nội

Du khách tham quan Triển lãm quốc tế về làm đẹp tại Hà Nội

(CLO) Ngày 18/4, tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế I.C.E (91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội) đã diễn ra sự kiện Triển lãm quốc tế về sản phẩm, công nghệ và dịch vụ làm đẹp - Vietnam Beautycare Expo 2024.

Đời sống
Dự báo thời tiết 19/4/2024: Nhiều nơi trên cả nước nắng nóng

Dự báo thời tiết 19/4/2024: Nhiều nơi trên cả nước nắng nóng

(CLO) Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia: Dự báo thời tiết 19/4/2024, khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ nắng nóng gay gắt có nơi trên 39 độ.

Đời sống