Hai ông Trump và Zelenskyy bất đồng vì vấn đề Crimea, hòa đàm Ukraine lại căng thẳng
(CLO) Mỹ và Ukraine lại bước vào giai đoạn căng thẳng mới khi những phát ngôn cứng rắn từ cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đẩy tiến trình đàm phán hòa bình vào thế bế tắc.
Tranh cãi vì vấn đề Crimea
Ngày 23/4, ông Trump lên tiếng chỉ trích tuyên bố gần đây của ông Zelenskyy rằng Ukraine "sẽ không công nhận quyền kiểm soát của Nga với Crimea", cho rằng phát ngôn này là "rất có hại cho các cuộc đàm phán hòa bình".
Ông Trump viết trên Truth Social: "Ông ta có thể có hòa bình, hoặc chiến đấu thêm ba năm nữa trước khi mất cả đất nước".
Lời công kích này không chỉ gây chấn động về mặt ngoại giao mà còn diễn ra trong bối cảnh cuộc họp giữa các bộ trưởng ngoại giao Ukraine, Anh, Pháp, Đức ở London, nơi được kỳ vọng là bước đột phá cho tiến trình hòa bình, đã bị hạ cấp và thiếu sự hiện diện của các nhân vật chủ chốt.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đột ngột hủy tham dự, với lý do "vấn đề hậu cần", nhưng các nguồn tin cho rằng lý do là vì Mỹ đánh giá chưa đến thời điểm quyết định. Trong khi đó, đặc phái viên của ông Trump là ông Keith Kellogg và Steve Witkoff lại được cử thay mặt Mỹ trong các cuộc tiếp xúc với cả Kiev và Moscow.

Ở chiều ngược lại, ông Zelenskyy phản pháo mạnh mẽ. Phát biểu sau các cuộc họp hôm 23/4, ông nhấn mạnh: "Ukraine sẽ luôn hành động theo Hiến pháp của mình" và khẳng định Kiev sẽ không công nhận việc Nga kiểm soát Crimea, bất chấp sức ép ngày càng lớn từ Mỹ.
Ông thậm chí chia sẻ lại Tuyên bố Crimea 2018 của cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, trong đó có đoạn: "Mỹ phản đối nỗ lực sáp nhập Crimea của Nga và cam kết duy trì chính sách này cho đến khi toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine được khôi phục".
Tình thế càng căng thẳng hơn khi Phó Tổng thống Mỹ JD Vance ra tối hậu thư trong chuyến công du Ấn Độ: "Đã đến lúc họ phải nói đồng ý, hoặc Mỹ sẽ rút lui khỏi tiến trình này".
Một số quan chức Mỹ tiết lộ rằng đề xuất của Washington bao gồm việc "đóng băng" đường ranh hiện tại, đồng nghĩa với việc cả Ukraine lẫn Nga đều phải từ bỏ một phần lãnh thổ đang kiểm soát. Crimea rõ ràng là nút thắt khó gỡ trong phương án này.
Trong khi đó, châu Âu vẫn cố gắng giữ vai trò điều phối mềm mỏng hơn. Anh, Pháp, Đức đang tìm cách thu hẹp khoảng cách trong các cuộc họp song phương, như cuộc gặp tại Paris tuần trước, nhằm tránh tình trạng "vỡ trận ngoại giao".
Tuy nhiên, việc các cuộc họp chính thức bị chuyển sang cấp thấp hơn và truyền thông bị loại ra ngoài cho thấy niềm tin vào khả năng đạt đột phá trong ngắn hạn đang mờ nhạt.
Nga muốn đàm phán có chọn lọc
Nga thì lại có vẻ đang "bật đèn xanh" cho đàm phán, nhưng theo kiểu chọn lọc. Hôm 21/4, Tổng thống Vladimir Putin nói rằng Nga sẵn sàng đàm phán ngừng bắn để giảm tấn công dân sự, nhưng cần "bàn thêm về việc xác định mục tiêu".
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng xác nhận rằng Điện Kremlin đang xem xét khả năng nối lại tiếp xúc trực tiếp với Ukraine, điều chưa từng xảy ra kể từ những tuần đầu sau xung đột năm 2022.
Tình hình hiện tại cho thấy ba mũi tác động đan xen đang định hình tiến trình hòa bình: Mỹ thúc ép nhanh và mạnh tay, sẵn sàng “buông” nếu không thấy hợp tác; Ukraine giữ vững lập trường không nhân nhượng lãnh thổ, đặc biệt là với Crimea; Nga bày tỏ sẵn sàng đàm phán, nhưng có dấu hiệu kéo dài tiến trình để tìm lợi thế trong đàm phán địa chính trị.