Hé lộ tư liệu đặc biệt về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng…

Thứ năm, 04/04/2019 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Số báo 1344 xuất bản ngày 12/9/1949 của báo Cứu quốc là một số báo rất đặc biệt, bởi những bài viết của báo được viết nên bởi chính những người lãnh đạo cao nhất của chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa khi đó, Ban giám đốc, Ban Giám hiệu cũng như chính học viên lớp dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Tờ báo Cứu quốc số 1344 số đặc biệt về lớp dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Từ năm 1949 khi mà cuộc kháng chiến giành lại độc lập tự do đang diễn ra ác liệt, trong điều kiện vật chất khó khăn, thiếu thốn đủ mọi bề của Nhà nước dân chủ nhân dân mới thành lập, Đảng và Chính phủ vẫn quyết tâm mở trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng để đào tạo, gây dựng đội ngũ cán bộ báo chí cách mạng Việt Nam. Lớp đào tạo cán bộ báo chí Huỳnh Thúc Kháng được mở ra “nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu tuyên truyền báo chí trong giai đoạn tổng phản công và tổng phản công thắng lợi”, để đào tạo những chiến sĩ sẽ xung kích trên mặt trận bút chiến với quân thù. Để nhấn mạnh vai trò đặc biệt của lớp học này, tờ báo Cứu Quốc - tờ báo lớn nhất của Ðảng Cộng sản Ðông Dương, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Việt Minh thời đó đã dành hẳn một số báo chuyên đề riêng để tuyên truyền đầy đủ và toàn diện về lớp học. Ngay chân trang trên và dưới của  tờ báo đều có dòng chữ in đậm: “Báo Cứu Quốc trung ương số đặc biệt về lớp đào tạo cán bộ viết báo Huỳnh Thúc Kháng”.

Số báo đặc biệt này có 4 trang, ngay trang nhất trên cùng ở góc phải đã đăng trang trọng Thư của Hồ Chủ tịch gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng, Bác viết: Biết lớp học xong, tôi muốn đến thăm. Nhưng tiếc không đến được. Vậy tôi gửi vài lời khuyên các cô các chú: Có thể thí dụ rằng: 3 tháng này các bạn đã học cửu chương. Còn muốn giỏi các phép tính thì phải học nữa, phải học mãi. Học ở đâu, học với ai? Học trong xã hội, học nơi công tác thực tế, học ở quần chúng. Nếu các bạn viết báo mà quần chúng hiểu, quần chúng ham đọc, quần chúng khen hay, thế là các bạn tiến bộ. Trái lại, là các bạn chưa thành công. Các bạn nên thật thà phê bình ban huấn luyện, để giúp các lớp học sau được mỹ mãn hơn nữa. Các bạn nên thi đua nhau, thi đua một cách thiết thực, để cùng nhau tiến bộ. Chúc các cô, các chú mạnh khỏe và thành công!. Sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ đến lớp học này đủ thấy vị thế quan trọng, khẳng định vai trò lịch sử của lớp học và những con người tham gia lớp đào tạo đối với vận mệnh dân tộc.

Bút tích Thế Lữ

Bên cạnh đó, cũng trên trang nhất một bài chiếm diện tích đất khá to với tựa đề “Lễ xuất  phát của trung đội chiến sĩ mới trên mặt trận báo chí” thậm chí bài còn được tiếp sang trang trong, tác giả là học viên Phạm Văn Thái. Điểm ấn tượng của bài viết này là sự kết hợp giữa tường thuật, lấy ý kiến, nhận định của các giảng viên khi giảng dạy ở đây. Mà ấn tượng nhất là buổi lễ bế mạc được kể lại rất nhiều cảm xúc: “Sáng mùng 6 tháng 7, tiếng kẻng vang lên trong bầu trời trong sáng. Gió nhẹ từ sông lên lướt qua trường mát dịu… lễ bế giảng đã được tổ chức trang trọng. Trong buổi sáng ngày hôm đó, một trung đội đặc biệt chính thức tổ chức lễ xuất quân vào một mặt trận mới”.

70 năm đã qua, chúng ta lắng nghe lại lời nhắn gửi của Thường vụ Tổng bộ Việt Minh, do Bí thư Hoàng Quốc Việt ký tên dưới bài viết “Ban Thường vụ Tổng bộ Việt Minh kính gửi Ban Giám đốc và các anh chị em cán bộ viết báo lớp Huỳnh Thúc Kháng” được trình bày trên trang nhất ở góc phải, có đoạn viết: “Chúng tôi rất cảm động được thấy các bạn chuyên cần, chăm chỉ học tập, mặc dầu nóng nực, mặc dầu thiếu thốn, các bạn vẫn thường làm việc quá giờ. Cảm động hơn nữa là tôi được thấy các giảng viên gồm đủ các lớp người. Ngoài một số các nhà làm báo chuyên môn, còn có các vị Bộ trưởng, các cán bộ quân sự, cán bộ chính trị đã lần lượt đến để trình bày cùng các bạn mọi vấn đề. Điều đó chứng tỏ rằng sự hoạt động của mỗi người trong chúng ta đều nhắm vào một mục đích chung, đều theo một lý tưởng duy nhất “Phụng sự quốc gia”.

Trên tờ báo Cứu quốc số đặc biệt đó còn có một bài viết rất dài tựa đề “Dưới mái giảng đường” của tác giả Nông Việt Liêm với chi tiết và cụ thể cả quá trình học tập và sinh hoạt của anh chị em học viên trong 3 tháng giữa rừng già chiến khu. Nơi đó, trong mái nhà tranh tre nứa ngoài tiếng giảng dạy của giảng viên, tiếng thảo luận, ý kiến, trao đổi thực hành của học viên, còn những tiếng hát bác ái cất lên bởi tiếng lòng những con người yêu nước, còn có những câu chuyện, những vần thơ xoay quanh các phóng sự, xã luận và hơn cả là tình nghĩa đoàn kết, gắn bó đùm bọc giữa những con người đặc biệt trong một lớp học đặc biệt.

“Một vài kinh nghiệm và kết quả đào tạo sau 3 tháng của lớp đào tạo cán bộ viết báo Huỳnh Thúc Kháng” của nhà báo Xuân Thủy, hay bài “Lớp Huỳnh Thúc Kháng mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử báo chí nước nhà” và một số bài viết khác cũng được đăng tải trang trọng... để chia sẻ về kết quả học tập của học viên, về vị thế của lớp học đặc biệt này.

Những bút tích lịch sử

Trường học làm báo Huỳnh Thúc Kháng mở ra trong 3 tháng là một trang lịch sử không thể nào quên đối với báo chí Việt Nam. Trường là viên gạch đầu tiên của Tổng bộ Việt Minh xây nền đắp móng cho báo chí Việt Nam, mở kỷ nguyên mới cho lịch sử báo chí Việt Nam. Những năm qua Bảo tàng báo chí cách mạng Việt Nam đã mất rất nhiều công sức để thực hiện tâm huyết đi tìm lại một địa chỉ đỏ cho báo chí nước nhà, trong quá trình đó bảo tàng đã lưu giữ được nhiều bút tích lịch sử đã tản mác đâu đó theo hành trình lịch sử của đất nước.

Đối với Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, Tổng Bí thư Trường Chinh khi đó đã thể hiện sự tin tưởng: “Khóa thứ nhất Trường Huỳnh Thúc Kháng này là một thí nghiệm rất hay. Tôi tin rằng sau khi rút ra kinh nghiệm của khóa này Tổng bộ Việt Minh sẽ thành công hơn trong việc đào tạo cán bộ chiến đấu với quân thù bằng ngòi bút và hướng dẫn dư luận quốc dân”.

Nhiều nhân sĩ lớn của đất nước đã tham gia vào các công tác đào tạo các học viên đã để lại nhiều cảm xúc, tình cảm cũng như hy vọng đối với lứa trí thức sẽ thành danh tại ngôi trường này. Nhà thơ, nhà văn, nhà báo Đồ Phồn là một trong 3 ủy viên của Ban Giám đốc lúc bấy giờ cũng vui mừng khôn xiết: “Xưa nay, tôi vẫn ao ước nước Việt Nam có một trường dạy viết báo để tôi được đến học hỏi ở các bạn rất nhiều kinh nghiệm, và để các bạn thu lượm chút ít kinh nghiệm của tôi. Mộng ấy đã thành hiện thực, hôm qua là ngày tổng kết “lỗ lãi” sau ba tháng học. Kết quả! Và kết quả! Tôi còn muốn đòi hỏi gì hơn nữa hay chỉ chúc các bạn đồng nghiệp mới sẽ thành công trong công việc đuổi giặc, dựng nước, cũng như đã thành công trong lớp học này!”.

img9

Từng là những người kinh qua cuộc kháng chiến hơn ai hết họ thấu hiểu được quyết tâm của những học viên. “Cái ý chí đào luyện của nhà Trường Huỳnh Thúc Kháng và cái ý chí học tập tu dưỡng của những người viết báo tương lai tập hợp ở giữa cảnh rừng núi này làm phấn khởi và vững vàng thêm lòng tin tưởng ở sức mạnh kháng chiến kiến quốc” – ông Thế Lữ, nhà thơ, nhà viết kịch phụ trách đoàn kịch Chiến thắng, nguyên biên tập viên báo Phong hóa, Ngày nay cũng để lại những ấn tượng sâu đậm cũng như bày tỏ một niềm tin xán lạn về tương lai của nước nhà khi nhìn thấy thực lực của những chiến sĩ bút chiến đang tràn đầy nhiệt huyết và năng lượng.

Nhà báo Xuân Thủy không quên nhắc lại lời dạy của Hồ Chủ tịch như một lần nữa khẳng định tôn chỉ mục đích của trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng và quyết tâm làm báo của các học viên: “...Những mầm văn mới đang lên, những nhà báo trẻ đã có mặt. Biết bao đồng nghiệp ngày mai của tôi! Thành công này là nhờ ở sự săn sóc chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở chủ trương sáng suốt của Tổng bộ Việt Minh, ở sự khuyến khích giúp đỡ của đồng bào, ở nguồn sống vô cùng phong phú của dân tộc và ở chúng ta, các giảng viên và các học viên đã giảng và học với mục đích cao quý: Tự do và Ðộc lập của Tổ quốc, với phương pháp tiến bộ: chế độ dân chủ trong nhà trường, với tinh thần thi đua mới: chuẩn bị Tổng phản công”.

70 năm đã qua đi, địa danh Bờ Rạ ngày ấy đã được tìm lại, và những bút tích những tư liệu lịch sử quý giá này không còn lẩn khuất đâu đó mà thực sự đã trở thành những lời răn dạy có ý nghĩa, thành niềm tin tưởng lớn lao đối với báo chí cách mạng của mỗi thế hệ sau này.

Minh Nguyệt

Tin khác

Nâng cao vị thế, vai trò của Liên Chi hội Nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam

Nâng cao vị thế, vai trò của Liên Chi hội Nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam

(CLO) Sáng 19/4, Liên Chi hội nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

Công tác hội
Lan tỏa tinh thần đổi mới, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh

Lan tỏa tinh thần đổi mới, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh

(NB&CL) Thời gian qua, hoạt động công tác hội đã có nhiều những đổi mới thiết thực, đúng, trúng với những chuyển biến thời cuộc và hoạt động thực tiễn. Đặc biệt, thực hiện chủ trương hướng về cơ sở, các cấp Hội ở nhiều địa phương đã tập trung triển khai nhiều nội dung, ý tưởng đổi mới sáng tạo, góp phần củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, hiệu quả.

Công tác hội
Trao tặng ấn phẩm báo Xuân cho cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân

Trao tặng ấn phẩm báo Xuân cho cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân

(CLO) Ngày 17/4, đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam đã trao hàng nghìn ấn phẩm báo Xuân cho cán bộ chiến sĩ các nhà giàn DK1 thuộc Vùng 2 Hải quân, đơn vị đang đóng quân tại Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Công tác hội
Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho cán bộ Agribank khu vực phía Nam

Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho cán bộ Agribank khu vực phía Nam

(CLO) Lớp bồi dưỡng đã trang bị cho các học viên những kỹ năng, kiến thức quan trọng về quá trình làm việc trong công tác truyền thông. Tham gia lớp bồi dưỡng, các học viên đã rất tích cực học tập, có nhiều bài thực hành đạt chất lượng cao.

Công tác hội
Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai tập huấn kỹ năng khai thác thông tin về đồng bào dân tộc thiểu số

Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai tập huấn kỹ năng khai thác thông tin về đồng bào dân tộc thiểu số

(CLO) Chiều 13/4, tại Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai khai mạc lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí chủ đề “Kỹ năng khai thác thông tin để phát triển câu chuyện về đồng bào dân tộc thiểu số”.

Công tác hội