Kinh doanh - Tài chính

Huyền thoại Miliket dừng sản xuất mì ký, giảm cổ tức để tái sinh thương hiệu 'hai con tôm'

Ánh Dương 30/06/2025 11:02

(CLO) Từng chiếm 20% thị phần mì ăn liền nội địa, thương hiệu Miliket nay chỉ còn vỏn vẹn 2%. Giữa áp lực cải tổ và nhu cầu đầu tư, công ty mẹ Colusa - Miliket vừa thông báo mức cổ tức năm 2024 thấp nhất trong lịch sử, đồng thời chuẩn bị dừng sản phẩm mì ký để dành nguồn lực cho chiến lược mở rộng dài hạn.

Cổ tức thấp kỷ lục để giữ vốn đầu tư máy móc, chuẩn bị xây dựng nhà máy mới

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, CTCP Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket (UPCoM: CMN) đã thông qua phương án chia cổ tức tiền mặt năm 2024 ở mức 13%, tương ứng 1.300 đồng mỗi cổ phiếu, tổng chi khoảng 6,24 tỷ đồng. Mức này chỉ bằng một nửa kế hoạch ban đầu và là mức thấp nhất kể từ khi doanh nghiệp niêm yết trên UPCoM năm 2017. Trước đó, Miliket thường xuyên chia cổ tức từ 17 đến 33%, duy trì mức ổn định 2.600 đồng mỗi cổ phiếu trong hai năm liên tiếp 2022 và 2023.

Ban điều hành cho biết cần giữ lại lợi nhuận để đầu tư sửa chữa máy móc, đáp ứng nhu cầu đơn hàng xuất khẩu tăng mạnh và chuẩn bị cho kế hoạch xây dựng nhà máy mới. Theo Chủ tịch HĐQT Lưu Thị Tuyết Mai, mức cổ tức 13% vẫn cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm trong điều kiện thị trường nội địa đang cạnh tranh khốc liệt. Bà Mai cũng thẳng thắn nhìn nhận nếu không mạnh dạn đầu tư thì Miliket khó có thể hồi phục như giai đoạn trước cổ phần hóa, khi từng nắm 20% thị phần nay chỉ còn khoảng 2%.

Năm 2025, nếu hoàn thành kế hoạch doanh thu gần 869 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước, doanh nghiệp sẽ trở lại mức cổ tức 26%. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế dự kiến chỉ đạt 29 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 1%.

Tại đại hội, nhiều cổ đông bày tỏ lo ngại về khả năng phản ứng thị trường, sự chậm trễ giao hàng do công suất sản xuất đang chạm ngưỡng tối đa. Có đơn hàng phải chờ đến nửa tháng mới có thể giao, do hệ thống máy móc còn lạc hậu và kho bãi chật hẹp. Ban điều hành thừa nhận tình trạng sản xuất liên tục quá tải và đang từ chối nhiều đơn hàng vì không đủ năng lực đáp ứng.

Mạnh tay cải tổ, chuẩn bị từ bỏ sản phẩm truyền thống để nâng cấp vận hành

Tổng Giám đốc Trần Hoàng Ngân cho biết doanh nghiệp đang triển khai một loạt thay đổi để cải thiện hiệu quả hoạt động. Công ty đã cơ cấu lại đội ngũ nhân sự, đầu tư thêm thiết bị sản xuất cho khu vực gia công tại miền Bắc, đồng thời có kế hoạch ngừng sản xuất dòng mì ký – một sản phẩm đặc trưng nhưng không còn mang lại hiệu quả tài chính.

Miliket cũng tiết giảm chi phí vận hành ở nhiều khâu, đồng thời đẩy mạnh kênh phân phối trên nền tảng mạng xã hội với các sản phẩm mới như mì kraft trộn, không sử dụng ngân sách marketing lớn. Đồng thời, doanh nghiệp đang rà soát toàn bộ chiến lược bán hàng nội địa để tái định vị lại thương hiệu.

Hiện Colusa - Miliket có vốn điều lệ 48 tỷ đồng, chưa thay đổi trong nhiều năm. Tổng tài sản tính đến cuối năm 2024 đạt hơn 300 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu khoảng 160 tỷ đồng. Đáng chú ý, đội ngũ nhân sự của công ty hiện có tới 786 người, tăng thêm 130 người chỉ trong một năm, với độ tuổi trung bình khá cao. Điều này gây áp lực lớn về quản lý trong khi nhiều khâu sản xuất vẫn mang tính thủ công.

Chủ tịch Lưu Thị Tuyết Mai nhìn nhận doanh nghiệp chưa thể đầu tư nhà máy mới do chưa đạt được sự đồng thuận trong việc tăng vốn. Trong cơ cấu cổ đông hiện nay, có hai tổ chức nhà nước sở hữu phần lớn vốn điều lệ. Nếu các cổ đông nhà nước thúc đẩy sớm hơn, theo bà Mai, Miliket hiện đã có thể vận hành một nhà máy mới với doanh thu vượt mốc 1.000 tỷ đồng mỗi năm.

Hiện cơ cấu cổ đông của CMN khá cô đặc, khi năm cổ đông lớn nắm giữ tới 86% vốn. Trong đó, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) sở hữu hơn 30%, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) nắm 20%, Công ty Dịch vụ và Thương mại Mesa giữ gần 21%, cá nhân ông Trịnh Việt Dũng nắm gần 10% và Công ty Thiên Hải giữ hơn 5%. Đáng chú ý, Mesa là nhà phân phối chính của Miliket và có mối liên hệ với Chủ tịch Lưu Thị Tuyết Mai.

Đại hội cũng đã bầu bổ sung bà Trương Thị Tố Nga, đại diện Vinataba, vào Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2023 – 2028, thay thế ông Phạm Nguyên Bình đã từ nhiệm.

Trên thị trường, cổ phiếu CMN gần như không có thanh khoản, với khối lượng khớp lệnh bình quân chỉ 36 cổ phiếu mỗi phiên. Giá cổ phiếu hiện đang dao động quanh mức 55.100 đồng, giảm 20% trong ba tháng gần nhất và mất gần 38% so với đỉnh gần 89.000 đồng từng ghi nhận vào tháng 2 năm 2022.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Huyền thoại Miliket dừng sản xuất mì ký, giảm cổ tức để tái sinh thương hiệu 'hai con tôm'
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO