“Khoảnh khắc Báo chí” 2020: Nơi lắng đọng thông điệp đoàn kết và lòng nhân ái

Thứ tư, 30/06/2021 08:30 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Giải ảnh “Khoảnh khắc Báo chí” trong Khuôn khổ chương trình Ga-la Báo chí thường niên do Báo Nhà báo & Công luận tổ chức là nơi khuyến khích mỗi phóng viên không ngừng lao động, sáng tạo mang tới cho độc giả các tác phẩm ảnh chất lượng.

Bài liên quan

Mỗi tác phẩm ảnh là mỗi thông điệp khác nhau, phản ánh mọi mặt của đời sống xã hội trong năm. Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trao đổi với một số phóng viên ảnh tham dự giải “Khoảnh khắc Báo chí 2020” để cùng nghe những chia sẻ về quá trình tác nghiệp, điều gì đằng sau mỗi bức ảnh và qua đó họ muốn gửi gắm những thông điệp, nguồn cảm hứng gì!

Tác giả Phạm Ngọc Thành – Báo Điện tử VnExpress:

“Hãy hòa mình với câu chuyện, gắn cảm xúc vào đó”

Năm 2020, tôi đi gần một tháng, làm thời sự về mưa lũ tại các tỉnh miền Trung, ngày 29/10/2020 tưởng rằng sẽ hoàn thành việc đưa tin về lụt bão, nhưng đến sáng ngày 30/10 nghe tin về sạt lở núi ở xã Trà Leng tôi tức tốc lên đường.

Mọi ngả đường vào đều bị chia cắt, lúc đó chúng tôi đi bộ vào, đường vẫn ướt, nhiều đoạn nước ở trên đồi vẫn chảy xuống. Cả quãng đường đi chúng tôi vẫn phải để ý quan sát vì các điểm sạt lở có thể xảy đến bất cứ khi nào.

Nhà báo Phạm Ngọc Thành - Báo Điện tử VnExpress, tác giả bộ ảnh “Tìm kiếm nạn nhân lở núi ở Trà Leng”.

Nhà báo Phạm Ngọc Thành - Báo Điện tử VnExpress, tác giả bộ ảnh “Tìm kiếm nạn nhân lở núi ở Trà Leng”.

Khi vào tới nơi đã 5h chiều, tôi cố gắng chụp những cảnh người dân và lực lượng quân đội tìm kiếm. Nhiều người dân ở địa phương đứng ngóng chờ người thân trong vô vọng. Chúng tôi chứng kiến tất cả và không nghĩ cảnh tượng lại tang thương đến vậy.

Để bạn đọc hiểu rõ hơn về mức độ khủng khiếp mà thiên tai ập đến, tôi cố gắng chụp ở các góc khác nhau, kể cả dùng fly cam để có hình ảnh từ trên cao. Tôi xác định vào được hiện trường thì cố gắng làm việc nhanh nhất có thể. Làm sao truyền tải được nhiều hình ảnh một cách đầy đủ và nhanh nhất có thể.

Mỗi bức ảnh thể hiện nhiều lát cắt về nội dung, để mọi người hình dung được câu chuyện ở đó có những gì. Lúc đó tôi nghĩ mình cũng như một người đang đi tìm kiếm ở hiện trường, mỗi đồ vật hay vật dụng gì trong đống đổ nát cũng là một câu chuyện lắng đọng. Không chỉ là người đi ghi nhận mà tôi còn hòa mình vào cuộc tìm kiếm, gắn cảm xúc của mình vào đó để cùng chia sẻ.

Toàn bộ huyện Nam Trà My ngày hôm đó mất điện, không có sóng 3G. Đi bộ ra đường lớn trời đã tối từ lâu, cũng may mắn là chúng tôi đi nhờ được xe của một đồng nghiệp ở cơ quan báo chí của tỉnh. Về đến thành phố Tam Kỳ lúc đó là khoảng 11h đêm, những bức ảnh đầu tiên của tôi được gửi về tòa soạn.

Chúng tôi làm thời sự về lụt bão, bão đi tới đâu mình đi tới đó, cố gắng đi trước đón đầu. Nhưng điều thôi thúc tôi lớn nhất là cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của phóng viên thời sự. Mình là phóng viên ảnh là phải ở hiện trường, trực tiếp ghi lại những khoảnh khắc mà cơn bão đi qua, người dân bị ảnh hưởng gì, còn lại gì, chúng tôi cố gắng lột tả được những câu chuyện đang diễn ra ở thời điểm đấy với công chúng, để cùng nhau chia sẻ mất mát đau thương.

Tác giả Nguyễn Văn Thắng - Tạp chí Điện tử Tri thức trực tuyến Zingnews:

“Lan tỏa năng lượng tích cực là niềm vui của người làm báo”

Tôi luôn quan niệm ảnh báo chí là trung thực, ảnh có sao dùng vậy, không can thiệp, cố gắng chụp bức hình tốt nhất trong khả năng điều kiện mà mình có được. Ảnh báo chí là thời sự, cần phải nhanh, đó cũng là đòi hỏi của công nghệ làm báo hiện đại.

Nhà báo Nguyễn Văn Thắng - Tạp chí Điện tử Tri thức trực tuyến Zingnews, một trong các tác giả Bộ ảnh “Cuộc đại phẫu đặc biệt tách cặp song sinh dính liền”.

Nhà báo Nguyễn Văn Thắng - Tạp chí Điện tử Tri thức trực tuyến Zingnews, một trong các tác giả Bộ ảnh “Cuộc đại phẫu đặc biệt tách cặp song sinh dính liền”.

Về bộ ảnh hai bé song sinh dính liền Trúc Nhi và Diệu Nhi, tôi thấy khá hài lòng, vì trước đó đã có kinh nghiệm chụp ở nhiều cuộc phẫu thuật, hơn nữa tôi cũng có cảm xúc với hai em. Tôi đi làm báo ảnh, nhiều lúc bị quá nhiều sự kiện làm lấn áp cảm xúc. Nhưng khi bước vào sự kiện này, cảm xúc cá nhân lại trào dâng. Thế nên lúc bấm máy tôi có thể khóc, vì tôi luôn hình dung hình ảnh hai bé và cha mẹ hai bé đang chờ đợi.

Hôm đấy ba mẹ 2 bé theo dõi cuộc phẫu thuật trực tiếp trên Zingnews. Nên với tôi, ba mẹ các bé là hai bạn đọc lớn nhất của bài báo. Lúc chụp bộ ảnh, trong đầu tôi luôn nghĩ rằng hình này ba mẹ bé sẽ xem. Tôi đặt mình vào trường hợp ba mẹ bé, rồi nghĩ tới con mình. Từ đó, những lần bấm máy cũng có nhiều cảm xúc hơn, suy xét nhiều hơn. 

Tác nghiệp trong phòng mổ, tôi luôn ý thức vị trí, vai trò của mình ở đó, làm sao để đưa đưa hình ảnh đến công chúng, tạo cảm xúc tích cực cho xã hội, nhưng đó chỉ là vai trò phụ. Vì tính mạng của hai bé và sự thành công của ca mổ mới là quan trọng nhất. Và nếu ca mổ thành công cùng với hình ảnh đẹp của mình tác động đến mọi người nữa thì hiệu quả sẽ tốt hơn nhiều.

Tôi cố gắng chụp không làm ảnh hưởng đến bất kỳ thành viên nào trong ca mổ mà vẫn bắt được những khoảnh khắc tự nhiên và hình ảnh phải mang nhiều cảm xúc, có tính sâu lắng. Tôi cố gắng để có những bức ảnh phản ánh đúng bản chất của câu chuyện đó.

Mất cả ngày hôm đó, đến cuối buổi sau khi xem lại, tôi thấy công chúng rất đón đợi, có phản ứng tích cực từ ca mổ, mọi người khen ngợi những kỹ thuật khó mà các y bác sỹ đã làm được. Với tôi một bộ ảnh mà mang đến năng lượng tích cực cho mọi người thì đó là niềm vui của người làm báo.

Ngoài cảm xúc về các bé, tôi cũng luôn cảm phục các thành viên trong kíp mổ, các bác sỹ làm việc tập trung dồn hết tâm sức, khả năng của mình, còn các bé như những thiên thần… Tôi nghĩ để có ảnh đẹp, điều quan trọng là mình đưa được cảm xúc mà mình muốn đặt vào câu chuyện đó và gửi được đến công chúng. Nếu bạn chụp được hai bé ở những khoảnh khắc thiên thần thì cảm xúc của độc giả sẽ sâu sắc hơn.

Tác giả Trần Như Quỳnh - Báo Điện tử VnExpress:

“Con người đẹp nhất có lẽ là khi lao động”

Khi tôi đang làm những phóng sự ảnh về đường phố thành phố bị ngập úng, tôi nảy ra ý tưởng về những công nhân làm nhiệm vụ nạo vét bùn đất ở các cống thoát nước. Tôi có hỏi qua Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM và được họ giới thiệu cho các nhân vật. Sau đó tôi biết đến câu chuyện về hai cha con làm nghề móc cống. Ở đây có sự cha truyền con nối, cả hai cha con đều rất hài lòng và có đam mê với công việc mình đang làm.

Phóng viên Trần Như Quỳnh - Báo Điện tử VnExpress, tác giả bộ ảnh “Hai cha con làm nghề móc cống ở Sài Gòn”.

Phóng viên Trần Như Quỳnh - Báo Điện tử VnExpress, tác giả bộ ảnh “Hai cha con làm nghề móc cống ở Sài Gòn”.

Tôi được nói chuyện trước với hai nhân vật để nắm được sơ qua về công việc của họ. Đi cùng họ, cố gắng lựa chọn được cống nào to để có thể mang máy ảnh xuống đứng tác nghiệp được. Cống đó phải là cống đặc trưng miêu tả sự ô nhiễm của cả thành phố.

Tôi phải mất ba ngày, trong đó 2 ngày đầu tôi không được xuống vì trời mưa, nước chảy mạnh, không thể đứng vững để chụp. Đến ngày thứ 3 trời hửng nắng hơn tôi mới có cơ hội để xuống cùng. Tôi chưa bao giờ xuống cống tác nghiệp nên phải mất khoảng 5 phút đứng ở miệng cống để quen dần, sau đó mới tiến sâu xuống.

Tôi cố gắng chụp thật nhiều, để chia sẻ những khó khăn trong công việc của những công nhân này. Khi đăng tải những bức ảnh này, nhiều độc giả rất quan tâm, lượng view tăng nhanh, nhưng cái tôi thấy hạnh phúc hơn là những lượt bình luận nhiều, mọi người đều ủng hộ, chia sẻ với những công việc thầm lặng của hai cha con người công nhân. Bản thân những nhân vật trong ảnh cũng thấy thú vị vì công việc của họ được mọi người ghi nhận.

Hôm sau nhiều báo, trang tin tổng hợp và cả những cơ quan báo chí ở nước ngoài cũng dẫn lại vì thấy sức hút của phóng sự. Từ sức hút của phóng sự này, tôi thấy rằng dù ở hoàn cảnh nào con người đẹp nhất có lẽ là khi lao động. Người làm báo hãy luôn tìm kiếm cảm hứng trong thời khắc người lao động hăng say với công việc của mình nhất.

Tác giả Phan Thị Duyên - Báo Tuổi trẻ TP.HCM:

“Bảo vệ mình cũng chính là bảo vệ những người xung quanh”

Bộ ảnh “Hành trình 90 ngày kỳ diệu” nói về 90 ngày nằm viện và hồi phục kỳ diệu của bệnh nhân phi công người Anh. Từng là ca Covid-19 nặng nhất ở Việt Nam năm 2020, có lúc cận kề cửa tử, phi công người Anh đã có những hồi phục kỳ diệu.

Nhà báo Phan Thị Duyên và đồng nghiệp Báo Tuổi trẻ TP.HCM bộ ảnh “Hành trình 90 ngày kỳ diệu”.

Nhà báo Phan Thị Duyên và đồng nghiệp Báo Tuổi trẻ TP.HCM bộ ảnh “Hành trình 90 ngày kỳ diệu”.

Đó cũng là lần thứ 2 tôi tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Covid-19, lần thứ nhất cũng là tại Bệnh viện Chợ Rẫy, cũng là bệnh nhân nước ngoài, đó là cha con người Trung Quốc, hai bệnh nhân nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam. Ở lần thứ 2 thì tôi cũng không còn cảm giác lo lắng như lần đầu nên mọi thứ thuận lợi hơn và diễn ra nhanh chóng hơn.

Trong lần thứ 2 này tôi phải chụp hoàn toàn bằng điện thoại thay vì máy ảnh, theo các y bác sĩ ở đây cho biết thì bệnh nhân này không thích tiếng tạch tạch của máy ảnh nên chúng tôi cũng tôn trọng. Rất may mắn cho chúng tôi là luôn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của lãnh đạo bệnh viện Chợ Rẫy, đặc biệt là bác sĩ Trần Thanh Linh - Phó trưởng Khoa hồi sức cấp cứu của bệnh viện đã giúp chúng tôi rất nhiều.

Đây là một trong những ca nhiễm đầu tiên trong nước, việc tiếp cận bệnh nhân là điều khó. Nhưng qua loạt ảnh, tôi muốn truyền tải thông điệp đến mọi người hãy luôn bảo vệ mình, vì bảo vệ mình cũng chính là đang bảo vệ những người xung quanh chúng ta. Dịch bệnh đang diễn ra ngày càng phức tạp và khôn lường nên hãy tuân thủ các quy định phòng chống dịch. Mỗi người hãy tự ý thức, đồng lòng để cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh.

Tác giả Nông Việt Linh - Tạp chí Tri thức trực tuyến Zingnews:

“Nhân lên tình đoàn kết trong mưa lũ”

Năm 2020 do ảnh hưởng của bão số 6, khu vực biển Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị liên tục có sóng to, gió lớn. Đã có 6 chiếc tàu cỡ lớn gặp nạn, trong đó có sự cố mắc cạn của tàu Vietship 01 vào rạng sáng 8/10 khiến 12 thuyền viên bị kẹt không thể bơi vào bờ.

Nhà báo Nông Việt Linh - Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến ZingNews, tác giả bộ ảnh “Giây phút giải cứu nghẹt thở thuyền viên trên tàu gặp nạn”.

Nhà báo Nông Việt Linh - Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến ZingNews, tác giả bộ ảnh “Giây phút giải cứu nghẹt thở thuyền viên trên tàu gặp nạn”.

Tôi chỉ đứng cách con thuyền vài trăm mét, nhưng gió to, không ai có thể ra ứng cứu được, mọi người ở trong bờ nhìn ra nhưng tất cả là bầu không khí tuyệt vọng. Thường gặp sự kiện trong giờ phút sinh tử ở đám đông làm tôi có thể bị mất tập trung một phần, nhưng sau đó tôi phải gạt bỏ điều đó sang một bên để quay lại với công việc. Ở đây mình không chỉ đứng quan sát mà mình còn phải ghi nhận lại, có được những hình ảnh để cập nhật thông tin đến độc giả.

Thông qua loạt ảnh này tôi cũng muốn gửi tới mọi người để hiểu thêm về tình đoàn kết giữa người dân với người dân và sự gắn kết giữa người dân với lực lượng quân đội. Trong thời điểm bão lũ người ta hầu như không có khoảng cách, người dân và lực lượng quân đội tất cả cùng hợp sức, chung lòng để cố gắng ra giải cứu những người gặp nạn.

Tác nghiệp trong lụt bão, tôi thường xuyên nhận được sự động viên của người thân, đồng nghiệp, bạn bè, nhưng khi tôi được ở trong sự kiện tôi biết được tính an toàn trong tác nghiệp. Điều quan trọng nhất vẫn là niềm đam mê. Dù biết còn nhiều khó khăn thử thách phía trước nhưng vẫn đi, vì đi mình mới cảm thấy được sống trong sự kiện và được sống với nghề.

Tác giả Cao Ngọc Dương - Báo Thanh Niên:

“Nghề phóng viên ảnh không bao giờ nhẹ nhàng và đơn giản”

Thời điểm làm phóng sự ảnh này, tôi đi 4 tỉnh miền Tây Nam bộ. Tôi xác định đây là đề tài lớn, nếu đi chụp 1, 2 ngày thì sẽ không lột tả được hết vấn đề. Một tuần đi khắp các tỉnh, tôi luôn nghĩ phải làm thật kỹ lưỡng nội dung về ảnh, đi nhiều địa phương phản ánh có chiều sâu một đề tài.

Phóng viên Cao Ngọc Dương - Báo Thanh Niên, tác giả bộ ảnh “Miền Tây oằn mình trong cơn khát”.

Phóng viên Cao Ngọc Dương - Báo Thanh Niên, tác giả bộ ảnh “Miền Tây oằn mình trong cơn khát”.

Tôi biết rằng đề tài thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn không chỉ diễn ra ở một tỉnh mà ảnh hưởng của nó đến nhiều tỉnh. Nó càng ngày càng nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Trong loạt ảnh của tôi tập trung vào cuộc sống con người chịu ảnh hưởng bởi xâm nhập. Đồng thời nêu rõ tác hại của biến đổi khí hậu, làm sao mỗi bức ảnh có thể lột tả được cả vấn đề khí hậu và cả con người trong cái khí hậu đó. Đó là cuộc chiến của con người chống chọi lại với thực trạng đó.

Mỗi bức ảnh tôi muốn truyền tải thông điệp về cuộc sống khó khăn của người dân. Sau khi bộ ảnh đăng tải, nhiều độc giả đã cảm thông, chia sẻ và quan tâm, tin tưởng Nhà nước sẽ có những giải pháp kịp thời.

Và tuyệt vời hơn, sau đó có nhiều hoạt động từ thiện, ủng hộ nước sạch, chở nước ngọt về cho bà con miền Tây. Đã có nhiều dự án lắp đặt máy lọc nước, sản xuất nước sạch được đưa về, nhiều tổ chức ở nước ngoài liên hệ để ủng hộ nước sạch cho đồng bào.

Tôi thấy hạnh phúc khi công việc của mình đã mang lại một giá trị nào đó để mọi người cùng đoàn kết hướng về miền Tây. Tôi làm phóng viên ảnh luôn xác định con đường mình đi không bao giờ nhẹ nhàng và đơn giản. Những đề tài ở xa, phải mất công khai thác ở nhiều nơi mình xác định phải đầu tư nhiều thời gian công sức hơn.

Nguyên Phong (Ghi)

Tin khác

Khai mạc vòng chấm sơ khảo Giải báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023: Mùa giải có kỷ lục về số lượng tác phẩm

Khai mạc vòng chấm sơ khảo Giải báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023: Mùa giải có kỷ lục về số lượng tác phẩm

(CLO) Chiều 16/4, Hội đồng Giải báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm sơ khảo Giải báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023. Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng sơ khảo Giải báo chí Quốc gia chủ trì buổi khai mạc.

Nghề báo
Ân tình của những chiến sĩ cầm bút

Ân tình của những chiến sĩ cầm bút

(CLO) Thời gian thấm thoắt thoi đưa, mới ngày nào nhận quyết định điều động lên tỉnh mới chia tách, nay được về dự kỷ niệm ngày thành lập Báo Lai Châu, bao cảm xúc ùa về. Tôi bồi hồi nhớ lại những ngày đầu tiên ấy gian khổ nhưng thấm đẫm ân tình đồng nghiệp.

Nghề báo
Giải Bóng đá U11 toàn quốc 2024 quy tụ 50 đội bóng tranh tài

Giải Bóng đá U11 toàn quốc 2024 quy tụ 50 đội bóng tranh tài

(CLO) Sáng 16/4, tại Hà Nội, Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng phối hợp với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tổ chức họp báo công bố Giải bóng đá U11 toàn quốc - Cup Nestlé Milo 2024.

Nghề báo
Bộ sách về Chiến thắng Điện Biên Phủ: Tư liệu chính xác, khách quan, đa dạng

Bộ sách về Chiến thắng Điện Biên Phủ: Tư liệu chính xác, khách quan, đa dạng

(CLO) Ngày 16/4, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân phối hợp cùng Công ty Cổ phần Tri thức Văn hóa Sách Việt Nam (VIETNAMBOOK) tổ chức ra mắt bộ sách chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024).

Nghề báo
Phát động Chương trình bình chọn Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2024

Phát động Chương trình bình chọn Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2024

(CLO) Ngày 16/4, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), Tạp chí VietTimes đã chính thức phát động Chương trình bình chọn Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam lần thứ bảy - Vietnam Digital Awards năm 2024 (VDA 2024).

Nghề báo