Kích cầu thị trường nội địa: Cơ hội phục hồi cho du lịch Việt Nam?

Thứ năm, 07/05/2020 14:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Cùng với các chương trình kích cầu du lịch của Chính phủ, các doanh nghiệp du lịch trên cả nước cũng đang tìm các giải pháp để tự “hồi sinh”. Chưa thể đón khách quốc tế, các công ty du lịch Việt đang tập trung khai thác thị trường nội địa, coi đây là cơ hội trước mắt để hồi sinh.

Bài liên quan

Theo các chuyên gia, ngành du lịch Việt Nam đang trải qua một cuộc khủng hoảng thực sự do tác động bởi dịch Covid-19. Những hệ lụy của nó chắc chắn sẽ còn kéo dài, không thể khắc phục trong một sớm một chiều. Mặc dù vậy, cơ hội phục hồi và phát triển của ngành du lịch sau khi đại dịch kết thúc là rất lớn. Thậm chí, du lịch sẽ dẫn đầu về tốc độ phục hồi sau khủng hoảng. Cùng với các chương trình kích cầu du lịch của Chính phủ, các doanh nghiệp du lịch trên cả nước cũng đang tìm các giải pháp để tự “hồi sinh”. Chưa thể đón khách quốc tế, các công ty du lịch Việt đang tập trung khai thác thị trường nội địa, coi đây là cơ hội trước mắt để hồi sinh.

Kịch bản nào cũng tăng trưởng âm

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, sau tháng 1 tăng cao 33% so với cùng kỳ, lượng du khách quốc tế đến nước ta đã suy giảm mạnh trong tháng 2 (giảm 22%) và tháng 3 (giảm 68%) do dịch Covid-19. Các chuyên gia dự báo, lượng khách du lịch quốc tế sẽ xuống đáy từ tháng 4 này do lệnh hạn chế đi lại và xuất nhập cảnh đã áp dụng trên toàn thế giới. Tương tự, dịch bệnh cũng làm “đóng băng” nhu cầu du lịch trong nước khi Chính phủ thực hiện hạn chế tụ tập đông người, hủy bỏ các lễ hội, hội nghị và gần đây là cách ly toàn xã hội.

Báo Công luận

Tổng cục Du lịch ước tính thiệt hại du lịch Việt Nam do dịch Covid-19, riêng trong các tháng 2, 3 và 4 sẽ vào khoảng 5,9-7 tỷ USD. Trong đó, doanh thu của các doanh nghiệp du lịch lữ hành giảm rất mạnh, doanh thu ngành hàng dịch vụ ăn uống và lưu trú lần lượt giảm 9,6% và 27,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống quý 1/2020 tăng 29,3% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy chưa có con số thống kê chính thức, các chuyên gia kinh tế dự tính, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, 80-90% số doanh nghiệp lữ hành nhỏ và vừa có thể đã tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.

Trước tình hình thực tại, Tổng cục Du lịch đã đưa ra các kịch bản phát triển khác nhau của ngành trong năm 2020, nhưng kịch bản nào thì cũng… tăng trưởng âm. Nếu dịch bệnh kết thúc vào cuối tháng 6, khách du lịch quốc tế đến năm 2020 có thể giảm khoảng gần 70% so với năm 2019, chỉ còn khoảng 5,5 triệu lượt. Nếu dịch kéo dài đến cuối tháng 9, lượng khách du lịch quốc tế sẽ giảm khoảng gần 75%, chỉ còn khoảng 4,6 triệu lượt. Nếu tình hình diễn biến xấu hơn, đến hết tháng 12 mà dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, từ tháng 4-12 sẽ gần như không có khách du lịch quốc tế. Lúc đó, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 giảm khoảng 80% so với năm 2019, dừng ở tổng số 3 tháng đầu năm với 3,7 triệu lượt.

Về phía doanh nghiệp, nhiều doanh nhân trước đây nghĩ du lịch có thể sớm phục hồi, tuy nhiên bây giờ họ xác định là rất khó khăn, đặc biệt là năm nay. Giám đốc điều hành Công ty AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt khẳng định: “Tôi xác định năm 2020 coi như không có gì, may ra 2021 du lịch mới có thể khôi phục phần nào”.

Một số chuyên gia thậm chí còn dè dặt hơn, cho rằng có lẽ năm 2022, du lịch mới có thể trở lại như thời điểm trước dịch bệnh.

Chuyển hướng khai thác thị trường nội địa 

Trước tình thế khó khăn của ngành du lịch, đặc biệt là với các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đề xuất với Chính phủ một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài các giải pháp về khoanh nợ, giảm lãi suất cho vay, chậm nộp thuế thu nhập, Bộ đề xuất hỗ trợ gói tài chính cho các doanh nghiệp du lịch trong việc hoàn hủy tour thay vì thực hiện hủy tour.

Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ nhà có phòng lưu trú du lịch cho thuê, người lao động mất việc trong cơ sở lưu trú, Bộ mạnh dạn đề xuất đưa các đối tượng này vào diện được hỗ trợ trong gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng của Chính phủ.

Bộ cũng xác định, khi Việt Nam công bố hết dịch, Bộ sẽ đề xuất tập trung kích cầu thị trường nội địa, phối hợp với các hãng hàng không, vận chuyển và các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, các điểm tham quan. Khi Việt Nam và một số nước công bố hết dịch, khả năng các nước trong khu vực châu Á hết dịch sớm hơn, Bộ sẽ tập trung các giải pháp đẩy mạnh truyền thông tập trung vào “Việt Nam an toàn và hấp dẫn” với nội dung khẳng định Việt Nam thành công đẩy lùi Covid-19, tiếp tục là điểm đến an toàn, khách du lịch được chào đón trở lại, công bố gói sản phẩm, dịch vụ ưu đãi.

Báo Công luận

Điều này cũng phù hợp với nhận định của các doanh nghiệp du lịch. Theo Giáo sư Dimitrios Buhalis - Chuyên gia về du lịch của Đại học Bournemouth (Anh Quốc), sau đại dịch Covid-19 thì thị trường du lịch nội địa sẽ hồi phục sớm nhất. Nhận định này càng đúng với thị trường du lịch Việt Nam, quốc gia với 96 triệu dân có mức thu nhập trung bình và dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát. Trong khi đó, thị trường khách in-bound sẽ còn tiếp tục đóng băng cho đến khi dịch Covid-19 được khống chế trên phạm vi toàn cầu và nền kinh tế các nước hồi phục trở lại.

Nắm bắt được xu hướng này, hầu hết các hãng du lịch lữ hành đều chuyển hướng sang khai thác thị trường nội địa. Hàng loạt các chương trình, biện pháp kích cầu đã được tung ra nhằm thu hút khách du lịch trong nước, nhất là thời điểm bắt đầu vào hè. Tổng cục Du lịch cũng có những khuyến nghị và hướng dẫn cụ thể cho các hãng du lịch về việc tập trung khai thác thị trường nội địa. Không chỉ các doanh nghiệp, nhiều địa phương trong cả nước cũng hối hả mở cửa trở lại các điểm tham quan du lịch và tung ra các chiến dịch kích cầu nhằm thu hút khách du lịch đến địa phương mình. Sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các doanh nghiệp và chính quyền hứa hẹn sẽ tạo nên cú huých cho sự bùng nổ du lịch nội địa trong mùa hè này.

Đề cao yếu tố “dịch vụ an toàn” đến những chiến lược dài hơi

Trong bối cảnh dịch Covid-19, các công ty lữ hành đều muốn đề cao yếu tố an toàn cho du khách lên hàng đầu. Tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng đều áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt về phòng chống dịch lây lan như: đo thân nhiệt, rửa tay bằng dung dịch cồn, đeo khẩu trang bắt buộc, giữ khoảng cách an toàn khi giao tiếp… Nhiều hãng du lịch còn đóng gói sẵn các dụng cụ chống dịch để phát miễn phí cho du khách mang theo bên mình. Những biện pháp này nhằm tạo cảm giác an toàn và thoải mái cho khách du lịch giữa mùa dịch, đồng thời là yếu tố cạnh tranh về dịch vụ giữa các hãng du lịch.

Theo Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro - giảng viên cấp cao Ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam, các nước có ngành du lịch phục hồi nhanh chóng sau Covid-19 sẽ là những quốc gia có chính phủ đặt sức khỏe và phúc lợi của người dân lên hàng đầu, đồng thời ngăn chặn vi rút lây lan thành công. Ông cũng khẳng định rằng, hậu Covid-19, khách du lịch sẽ có xu hướng tìm kiếm những điểm đến du lịch an toàn trên thế giới và Việt Nam cần nỗ lực để tận dụng được cơ hội này.

du-lich-khach-san-1

Nhận diện rõ xu hướng trên, Liên minh kích cầu du lịch đã được thành lập giữa tháng 2/2020 với sự tham gia của hơn 250 doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, cơ sở lưu trú, trong đó những đơn vị có tiếng như:  Hanoitourist, Saigontourist, Vietnam Airlines, Bamboo Airways... Trước mắt, Liên minh kích cầu du lịch xây dựng những tour, tuyến du lịch với mức giảm giá hấp dẫn từ 30 đến 50% tại những địa phương an toàn về dịch bệnh như Bình Ðịnh, Phú Yên, Ðắk Lắk, Gia Lai, sau đó sẽ tiếp tục với những tỉnh, thành phố khác.

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã phối hợp với Tổng cục Du lịch thực hiện chương trình kích cầu nội địa với thông điệp “Việt Nam an toàn”, được triển khai từ tháng 3 đến tháng 8/2020; chương trình kích cầu du lịch quốc tế sẽ được triển khai từ tháng 4 đến tháng 12/2020 với thông điệp “Việt Nam – Điểm đến an toàn và thân thiện” (Vietnam NOW - Safety and Smiling). Qua đó, giới thiệu với thế giới về một Việt Nam thành công trong việc đẩy lùi đại dịch Covid-19 và là một điểm đến an toàn, thân thiện cho du khách quốc tế. 

Đại dịch Covid-19 đang là “liều thuốc thử” đặc hiệu đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành du lịch nói riêng. Nó giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và các doanh nghiệp lữ hành nhận diện rõ hơn về những điểm mạnh, điểm yếu của ngành du lịch hiện nay, từ đó có những điều chỉnh kịp thời về chiến lược phát triển để tận dụng tốt cơ hội do khủng hoảng tạo ra. Với sự quyết tâm, quyết liệt của Chính phủ, Tổng cục Du lịch và sự cùng vào cuộc của các doanh nghiệp, địa phương, chắc chắn ngành du lịch Việt Nam sẽ có những bứt phá ngoạn mục trong giai đoạn hậu Covid-19.

Khánh An

Tin khác

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

(NB&CL) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), bắt đầu từ số báo này, chuyên trang Tư liệu Báo Nhà báo và Công luận có chuyên đề mang tên: “Điện Biên Phủ - Khúc tráng ca vang mãi”, cùng nhìn lại những dấu ấn không thể quên của chiến thắng vĩ đại này.

Góc nhìn
Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

(NB&CL) Có thể nói, chưa bao giờ, NHNN lại chịu nhiều sức ép trong quản lý thị trường vàng như hiện nay. Đó là sức ép từ nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, sức ép từ người dân và sức ép từ nhóm lợi ích doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Góc nhìn
Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

(NB&CL) Tuần qua, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Phiên họp tháng 3/2024) đã được dư luận quan tâm, đánh giá cao sự công khai, dân chủ, trách nhiệm trong hoạt động của Quốc hội và ngày càng gần dân hơn.

Góc nhìn
Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

(NB&CL) Trước những tổn thất tiềm ẩn đối với tổng giá trị xuất khẩu nông sản, chuyên gia cho rằng, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam là việc làm cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt lúc này là muộn, nhưng vẫn còn hơn không.

Góc nhìn
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

(NB&CL) Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ những làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới.

Góc nhìn